(MPI) - Chiều ngày 16/3/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến về Dự án Luật theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị, Bộ đã tiếp thu đầy đủ tất cả những ý kiến, đến nay cơ bản đã đạt được đồng thuận và thống nhất rất cao.
Các nội dung đã được thống nhất như việc giữ nguyên tên luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi); không đưa Liên đoàn hợp tác xã; hệ thống Liên minh Hợp tác xã sẽ có một điều quy định chung về các tổ chức đại diện, còn nhiệm vụ của hệ thống liên minh hợp tác xã, có kế thừa và bổ sung theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Về chuyển nhượng vốn góp, hiện nay có 2 phương án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cân nhắc có thể lựa chọn phương án 1 kết hợp với phương án 2. Vì đây là quyền của các thành viên, nếu lo ngại làm méo mó bản chất của Hợp tác xã không cho phép chuyển nhượng có lẽ là không phù hợp; đề nghị trong luật vẫn cho phép nhưng phải giữ nguyên tôn chỉ, bản chất, mục tiêu của hợp tác xã; nhằm cụ thể hóa nguyên tắc mở của Liên minh hợp tác xã quốc tế, thành viên được tự chủ, tự quyết định khi tham gia, rút khỏi tổ chức kinh tế hợp tác.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ khẩn trương báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ cho ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, giải trình theo quy định tại Điều 75 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự án Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5.
|
Ảnh: Quochoi.vn |
Với tinh thần đổi mới toàn diện, tháo gỡ tối đa các rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm quyền tự chủ, phát huy các giá trị tốt đẹp của mô hình hợp tác xã, dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực, tạo bước phát triển mới cho khu vực kinh tế tập thể, thể chế hóa các chủ trương và hiện thực hóa các mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương.
Trước đó, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã nghe ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo Báo cáo, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời nhấn mạnh đến các nội dung về tên gọi của dự án Luật; Liên đoàn hợp tác xã; Về tổ hợp tác; Số lượng thành viên hợp tác xã; tổ chức đại diện; hệ thống Liên minh hợp tác xã; Về Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia (Điều 83, Điều 85 và Điều 86);…
Đối với việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều chỉnh các nội dung về 08 chính sách từ 01 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 08 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã (Chương X), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy ý kiến các đại biểu là hoàn toàn xác đáng, việc quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật là cần thiết. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung tại Chương X quy định về tổ chức đại diện và hệ thống Liên minh hợp tác xã, giữ lại các nội dung quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã tại Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời bổ sung một số nội dung khác như thể hiện tại Chương X theo chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tập hợp đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện báo cáo giải trình, hồ sơ dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư