(MPI) – Ngày 30/3/2023, tại tỉnh Thái Bình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có bài tham luận về Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng Sông Hồng để tạo động lực thúc đẩy phát triển tại Hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm; các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Cơ cấu thu ngân sách ở một số địa phương chưa bền vững. Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu kết nối, chủ yếu dựa vào đường bộ, tập trung vào các tuyến cao tốc, quốc lộ. Việc đầu tư còn dàn trải, công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đầu tư các dự án.
Để khắc phục những hạn chế, cũng như định hướng Vùng phát triển đúng vị thế và tận dụng hết tiềm năng, cơ hội của Vùng trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn tới trở thành Vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Phát huy vai trò là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển các đô thị vệ tinh để giảm sức ép tại các đô thị lớn; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất.
Phát triển các hành lang kinh tế nội vùng và liên vùng, kết nối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng; phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình). Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Hà Nội với các địa phương trong và ngoài vùng, tuyến đường bộ ven biển, đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt mới từ Hà Nội kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế lớn; cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô.
Với định hướng đó, thì đầu tư tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc huy động nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho Vùng ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần phải huy động tối đa nguồn lực xã hội để tham gia. Để làm được điều này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cần phải đổi mới tư duy một cách toàn diện từ xây dựng cơ chế chính sách, phương thức đầu tư; khai thác, kinh doanh và quản lý các công trình, dự án kết cấu hạ tầng theo hướng sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư và lợi ích chung của toàn xã hội. Để đạt được định hướng và mục tiêu mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đề ra thì nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới là rất lớn và để đáp ứng yêu cầu này, Thứ trưởng cũng đề xuất một số định hướng, giải pháp chính như thực hiện việc huy động và phân bổ nguồn lực có hiệu quả; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả và quản lý phát triển kết cấu hạ tầng.
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2022 đạt 8,93%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2022 đạt 2,89 triệu tỷ đồng, chiếm 30,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 123,4 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Khoa học - công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông với đầy đủ 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và cảng biển) kết nối với 04 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế đi qua./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư