Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/03/2023-17:39:00 PM
Thời cơ để doanh nghiệp Việt tạo nền tảng, bứt tốc trong tương lai
Chủ tịch VCCI cho rằng dù kinh tế có gam màu xám, song đây lại là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, nền tảng để “bứt tốc” trong tương lai nếu kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới.

Dù bối cảnh kinh tế có nhiều “gam màu xám” nhưng cũng cho thấy những cơ hội nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư...

Thông tin trên được ông Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đưa ra tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững,” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 23/3 tại Hà Nội.

Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30% và thu hút gần 60% lao động song khu vực kinh tế này lại dễ bị tổn thương khi gặp các bất lợi từ bên ngoài, như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh...

Để nắm bắt các cơ hội, tạo ra sức bật trong tương lai trong bối cảnh nền kinh tế còn những "gam màu xám," theo các chuyên gia, việc tái định vị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là vấn đề mấu chốt.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng tái định vị doanh nghiệp phải gắn liền với tư duy mới, trong đó phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Các giá trị phát triển bền vững của doanh nghiệp cần được định hình và xây dựng dựa trên đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh,” ông Phạm Tấn Công nói.

Người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam khẳng định VCCI sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình các doanh nghiệp vượt đồng thời kịp thời hỗ trợ qua các khó khăn của năm 2023 và tiếp tục phục hồi phát triển. Thêm vào đó, VCCI cũng tiếp tục đề xuất, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia đã thảo luận, đánh giá các nhân tố chủ yếu tác động đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh-doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các tham luận cũng chỉ ra những cơ hội cần được tranh thủ để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao và các nguồn lực hỗ trợ phát triển.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các chuẩn mực về đạo đức, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường đồng thời tạo ra hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.

Các khuyến nghị cũng đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng mới và các giải pháp phát triển lực lượng doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Ngoài ra, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội kiến nghị các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi đồng thời đa dạng kênh tiếp cận vốn, tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại./.


TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 153
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)