Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/04/2023-16:03:00 PM
Quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh
(MPI) - Nghị định số 16/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp về việc thực hiện công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPi

Việc thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản và những nội dung khác về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh không được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhà nước quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp; Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 3 Nghị định này; Doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 4 Nghị định này; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức quản lý, hoạt động và kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; việc thực hiện công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Theo Nghị định, doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh là một trong các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nắm giữ 100% vốn điều lệ; Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu 100% vốn điều lệ của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có ít nhất một doanh nghiệp là doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Có ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động quy định tại Phụ lục về Danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh kèm theo Nghị định này; được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chức năng, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bằng nguồn lực từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chức năng, đơn vị đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thường xuyên hoặc đột xuất; thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến bí mật quốc phòng, nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, dự án đầu tư trên các địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Nghị định quy định rõ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, bao gồm: quyền và nghĩa; Cơ cấu tổ chức và chức danh quản lý; Chính sách đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh quốc phòng an ninh và người lao động tại doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Đồng thời quy định rõ các điều kiện công nhận, công nhận lại và quản lý, giám sát doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Theo Nghị định, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, công nhận lại đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh trên cơ sở đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 05 năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thẩm định đối với Hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh đế gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của các cơ quan liên quan. Trường hợp có ý kiến khác nhau về Hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp với các cơ quan liên quan để thống nhất các nội dung thẩm định.

Về công nhận, công nhận lại doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, Nghị định quy định rõ, Bộ trưởng: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định công nhận, công nhận lại đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 05 năm.

Về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, Nghị định nêu rõ: Sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp như sau:

“Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có); việc công bố phải thực hiện trước ngày 31/7 hằng năm”.

Nội dung báo cáo và công bố thông tin định kỳ, bao gồm: Cập nhật thông tin cơ bản về công ty và Điều lệ công ty theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP.

Báo cáo tóm tắt về tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh của năm trước liền kề, bao gồm: vốn điều lệ, tổng tài sản, đầu tư tài chính, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu; tổng doanh thu và thu nhập, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế và các khoản phải nộp nhà nước; thu nhập bình quân của người lao động.

Trước ngày 30/6 hằng năm, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nắm giữ 100% vốn điều lệ có trách nhiệm lập báo cáo và thực hiện công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều này, cập nhật các mẫu biểu điện tử trên cổng thông tin doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP; đồng thời gửi báo cáo công bố thông tin đến cơ quan đại diện chủ sở hữu để đăng tải công bố trên Trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; thay thế và bãi bỏ các quy định về doanh nghiệp quốc phòng an ninh tại khoản 1 Điều 1, khoản 2 Điều 2, Điều 13 đến Điều 19, khoản 1 Điều 23, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 34, khoản 1, 2 Điều 35 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP.

Doanh nghiệp đã được công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 của Chính phủ về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thì thực hiện chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định này đến hết thời hạn 3 năm kể từ ngày có quyết định công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng an ninh. Doanh nghiệp đã được công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP thì thực hiện chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định này đến hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng an ninh.

Tại Nghị định, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện quy định tại Nghị định này. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; việc thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 532
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)