Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/05/2023-19:29:00 PM
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung tham dự Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023
(MPI) - Chiều ngày 05/5/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tham dự Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 và làm rõ vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến sự tăng trưởng chậm trong quý I của một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên; nêu một số giải pháp vực dậy tăng trưởng của một số địa phương.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, quý I/2023 là một trong những quý I có tốc độ tăng trưởng thấp, chỉ cao hơn năm 2020-2021. Chủ yếu động lực tăng trưởng của quý I/2023 suy giảm do lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Nguyên nhân chính dẫn đến các trung tâm sản xuất lớn, công nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng và có khoảng 7 địa phương có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp, trong đó có 3 địa phương là thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Nguyên nhân là do bối cảnh chung và bên cạnh động lực là công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm, còn một số lĩnh vực khác như tổng cầu giảm, trong đó tổng mức bán lẻ; nhu cầu, tốc độ tăng xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thị trường, thu hút FDI và những lĩnh vực riêng đặc thù của các địa phương này.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với thành phố Hồ Chí Minh và chỉ ra một số nguyên nhân rất đặc thù. Trước đây thông thường một năm Thành phố có khoảng 70-80 dự án để phê duyệt chủ trương và đầu tư xã hội. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, dự án mới để phê duyệt rất thấp. Vấn đề này có liên quan đến năng lực quản lý, cũng như việc không dám nghĩ, dám làm.

Từ những nguyên nhân chung cũng như nguyên nhân đặc thù của từng địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ nhiều giải pháp để vực dậy động lực tăng trưởng, tìm kiếm thị trường, giữ vững phát triển của khối doanh nghiệp, ổn định lao động, không để mất việc. Đặc biệt, chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực lớn như tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… từ đó tìm kiếm các thị trường mới.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, ngoài những vấn đề chung thì còn có một số giải pháp mà các địa phương cần quan tâm và Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo. Theo đó, các địa phương cần nâng cao năng lực, chất lượng chỉ đạo điều hành, xử lý công việc của chính quyền địa phương các cấp, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để cán bộ công chức dám nghĩ, dám làm.

Cùng với đó, cần quan tâm, đẩy mạnh đầu tư công. Đầu năm, các địa phương chủ yếu tập trung xử lý nốt khối lượng đã hoàn thành của năm trước, tiến hành thủ tục của các dự án khởi công mới trong năm 2023, nên đầu tư công chưa được cao. Tuy nhiên, có một nỗ lực rất lớn là năm nay tỷ lệ số tương đối không bằng năm ngoái nhưng số tuyệt đối tăng hơn 15 nghìn tỷ so với giải ngân cùng kỳ năm ngoái. Với những động lực như thế, chính quyền các cấp cần đẩy nhanh đầu tư công. Đẩy mạnh dịch vụ, du lịch, đặc biệt là tại các trung tâm lớn như thành phố Hồ Chí Minh. Đây là động lực thứ 2 để tăng trưởng, bên cạnh công nghiệp dịch vụ, đầu tư công, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Tiếp đến là kịp thời tháo gỡ những khó khăn đang tồn đọng hiện nay để tạo động lực mới, tăng trưởng cho các địa phương; tạo điều cho các doanh nghiệp, tạo dòng tiền cũng như tăng cường khả năng vay vốn, tiếp cận tín dụng chi phí thấp; thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như giảm, giãn, hoãn, gia hạn lệ phí, thuế... vừa tạo việc làm, vừa tạo nguồn thu; đảm bảo an toàn an sinh lao động xã hội để duy trì được thu nhập cho người lao động.

Liên quan đến các vấn đề nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, tất cả các giải pháp đã được bàn rất kỹ và sâu, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất và tập trung vào mặt hàng như điện tử, gỗ, may mặc để thúc đẩy tăng trưởng.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 diễn ra sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện khó khăn do tác các động của tình hình thế giới và khu vực, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế... tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa thực sự vững chắc; môt số động lực tăng trưởng giảm. Lạm phát chịu nhiều sức ép. Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm giảm. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; thị trường nội địa chưa được khai thác hiệu quả; hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu những nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới; yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1299
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)