(MPI) - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 triển khai Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; nghiên cứu xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, giao thông vận tải đường bộ là lĩnh vực trọng yếu của quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, vận chuyển… diễn ra thuận lợi, linh hoạt và liên tục.
Qua hơn 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống quốc lộ cơ bản đã hoàn thiện, gồm các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm cũng như hệ thống đường vành đai, kết nối thuận lợi với hệ thống cao tốc và đường địa phương; các trục quốc lộ cơ bản đã kết nối đến các cảng biển loại I và các cửa khẩu quốc tế, thuận lợi cho giao lưu đối ngoại. Nhiều công trình trọng điểm, hiện đại đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như các tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây , các hầm Đèo Cả, Hải Vân, Cù Mông, các cầu lớn vượt sông, biển như cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, Bạch Đằng, Nhật Tân, Cao Lãnh, Vàm Cống… đến nay đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có tuyến đi qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được như, quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật (các Luật: Giao thông đường bộ, Đầu tư công, Ngân sách nhà nước, Đầu tư PPP, Xây dựng, Tổ chức chính quyền địa phương...) vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ bao gồm cả phương thức đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã bộc lộ những vướng mắc, phát sinh đòi hỏi cần được điều chỉnh, hoàn thiện, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng như nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, các tổ chức tín dụng.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được bố cục thành 8 Điều, quy định về Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (Điều 3); Về thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương (Điều 4); Về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 5); Tổ chức thực hiện (Điều 6); Hiệu lực thi hành (Điều 7); Quy định chuyển tiếp (Điều 8).
Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách thí điểm để tháo gỡ vướng mắc về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP, phân cấp thẩm quyền đầu tư và nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước các cấp tại một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ. Đối tượng áp dụng là các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư PPP, giao thông đường bộ, ngân sách nhà nước, xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Tại Dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quy định thí điểm 03 chính sách về: (i) tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP; (ii) giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương và (iii) giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể, về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (khác so với quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP), dự kiến quy định trong Dự thảo Nghị quyết về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP là Đối với các dự án giao thông đường bộ đi qua địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các dự án đi qua đô thị loại III trở lên, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Về việc giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương (khác so với quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước và khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ), dự kiến quy định trong Dự thảo Nghị quyết về việc cho phép Thủ tướng Chính phủ căn cứ trên Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Bộ Giao thông vận tải để quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, đồng thuận về việc đầu tư thực hiện dự án. Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về vấn đề nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản; Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương (nếu có) làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về trình tự, thủ tục triển khai đầu tư, bàn giao quản lý tài sản sau đầu tư và quyết toán dự án đầu tư xây dựng đường bộ đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh làm cơ quan chủ quản: Các địa phương được phân cấp thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, các quy định pháp luật khác có liên quan và có cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; Về việc quản lý tài sản sau đầu tư: a) Đối với các công trình thuộc trung ương quản lý: sau khi hoàn thành xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bàn giao công trình cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định khác có liên quan. b) Đối với các công trình thuộc địa phương quản lý: địa phương quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định khác có liên quan; Việc quyết toán các dự án sau khi hoàn thành được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng được thực hiện theo quy định hiện hành".
Về giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác (khác so với khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước, cụ thể hóa điểm đ khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương), dự kiến quy định trong Dự thảo Nghị quyết nội dung cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, đồng thuận về việc đầu tư thực hiện dự án. Trong đó, có nội dung giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tỷ trọng vốn đầu tư lớn hơn làm cơ quan chủ quản hoặc theo thỏa thuận của các địa phương; trách nhiệm của từng địa phương trong việc đầu tư thực hiện dự án. Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định việc các địa phương được hỗ trợ ngân sách cho nhau để cùng thực hiện 01 dự án đầu tư và việc bàn giao quản lý tài sản sau đầu tư và quyết toán dự án đầu tư xây dựng đường bộ: Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án thống nhất việc sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để đầu tư dự án; Sau khi hoàn thành công trình, các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đối với phần công trình nằm trên địa bàn mình hoặc thỏa thuận thống nhất phương án quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án; Việc quyết toán các dự án sau khi hoàn thành được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng được thực hiện theo quy định hiện hành.
Về Tổ chức thực hiện và giám sát (Điều 6), dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức thực hiện của các cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan chức năng khác: Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện Nghị quyết này và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, các cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện; giao Bộ Giao thông vận tải, các địa phương sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này để báo cáo Quốc hội sửa đổi các quy định tại một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng đường bộ trong giai đoạn tiếp theo; Ủy ban nhân dân các tỉnh được phân cấp hoặc được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Luật Xây dựng và các quy định khác có liên quan; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được phân cấp và cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này".
Về hiệu lực thi hành (Điều 7), dự thảo Nghị quyết quy định: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành và được thực hiện trong thời gian 03 năm.
Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 8), dự thảo Nghị quyết quy định: Các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh làm cơ quan chủ quản bằng văn bản hoặc đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo các văn bản đó; Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của văn bản đó.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (nhà nước, tư nhân, Trung ương, địa phương), tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Dự thảo Nghị quyết đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến các tổ chức, cá nhân./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư