(MPI) - Ngày 16/5/2023, đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến đối với nội dung đánh giá môi trường chiến lược (Báo cáo ĐMC) của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía tỉnh Hòa Bình có ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư; cùng các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm về lĩnh vực môi trường, từ đó giúp Hội đồng thẩm định có cơ sở thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình, đảm bảo cơ sở khoa học và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Mạnh Lam đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đối với Báo cáo ĐMC tập trung vào 7 nhóm vấn đề: Một là, sự phù hợp của các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược và phương pháp khác được sử dụng để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Hai là, sự phù hợp về phạm vi đánh giá môi trường chiến lược và thành phần môi trường, di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch. Ba là, sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường. Bốn là, sự phù hợp của kết quả nhận dạng các vấn đề môi trường chính. Năm là, đánh giá, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện quy hoạch. Sáu là, sự phù hợp, tính khả thi của các giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính. Bảy là, nội dung tham vấn và việc tiếp thu kết quả tham vấn để hoàn thiện đánh giá môi trường chiến lược.
Tỉnh Hòa Bình nằm trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc với toàn bộ diện tích tự nhiên quy mô 4.590,29 km2 gồm 10 đơn vị hành chính: 01 Thành phố, 9 huyện (Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy), với tổng số 151 xã, phường, thị trấn. Tỉnh là một trong những trung tâm sản xuất, cung ứng năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hòa Bình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, điều tiết nước sản xuất và phân lũ cho vùng Thủ đô Hà Nội. Hòa Bình có vai trò, vị thế quan trọng nhờ tài nguyên văn hóa, du lịch đa dạng, phong phú, giàu bản sắc, nhất là văn hóa dân tộc Mường.
Mục tiêu Quy hoạch tổng quát tỉnh Hòa Bình là đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập trung bình thuộc nhóm dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, với vị trí là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong đó công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là cơ sở; gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh và đô thị xanh; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường. Phát triển kinh tế gắn với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh.
Tỉnh xác định các vấn đề môi trường chính được lựa chọn gồm ô nhiễm và suy giảm nguồn nước; gia tăng chất thải rắn; Suy giảm đa dạng sinh học; Ô nhiễm môi trường đất; Ô nhiễm môi trường không khí; Tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra các nội dung chính như: căn cứ, phạm vi, phương pháp thực hiện ĐMC; Hiện trạng phát triển và môi trường tỉnh Hòa Bình; Đánh giá sự phù hợp của Quy hoạch tỉnh với quan điểm, mục tiêu về Bảo vệ môi trường; Dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực hiện Quy hoạch (phương án 0); Đánh giá, dự báo xu hướng của các vấn đề Môi trường chính trong trường hợp thực hiện Quy hoạch; Đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện Quy hoạch; Nhận xét về mức độ chi tiết, độ tin cậy và các vấn đề còn chưa chắc chắn của các dự báo; Kết luận và kiến nghị.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đã đầy đủ, bài bản. Tuy nhiên, cần có thêm các giải pháp khuyến cáo mang tính chiến lược liên vùng, liên tỉnh. Bổ sung thành phần môi trường nước ngầm, Chiến lược đa dạng sinh học. Khi phân tích tính toán các hệ số phát thải thì cần nêu rõ sử dụng hệ số nào để có tính thuyết phục, nên có bổ sung số liệu quan trắc về dòng chảy, nguy cơ ngập lụt, xói lở, nguy cơ lũ ống, lũ quét. Bổ sung bản đồ, sơ đồ phân vùng, …
Thay mặt cơ quan lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cảm ơn các ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, tỉnh Hòa Bình xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý để bổ sung, xây dựng, hoàn thiện Báo cáo ĐMC và hồ sơ quy hoạch tỉnh một cách tốt nhất./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư