Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/05/2023-16:04:00 PM
Cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đã được xác định tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị
(MPI) - Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 24/5/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận (tức Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 và điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư công, Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (Dự án) thuộc tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; đồng thời thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Quốc hội theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó Dự án được xác định là một trong những dự án quan trọng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải của Tỉnh (tuyến đường được đầu tư sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường ĐT656 kết nối lên huyện miền núi Khánh Sơn và rút ngắn khoảng 15 km từ huyện Khánh Sơn về thành phố Nha Trang, mở ra kết nối mới giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Tỉnh, giúp khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng).

Việc đầu tư Dự án sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và các vùng phụ cận; tạo tiền đề kêu gọi đầu tư; phát triển du lịch; tăng cường an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 02 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa. Xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng. Phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp thế mạnh của khu vực; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ, quản lý khai thác rừng.

Tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tuyến đường dự án hoàn thành kết nối với hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường Quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động thông suốt trong mọi tình huống để bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối, phát triển các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng của Tỉnh, cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đã được xác định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn. Trong thời gian qua, đã có một số Dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư Dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Để sớm hoàn thành Dự án, hoàn thiện mạng lưới giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa và kết nối khu vực, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, với nội dung chủ yếu như sau:

Quy mô đầu tư: Đầu tư 56,9 km đường cấp III miền núi tốc độ thiết kế Vtk=60km/h, đoạn qua địa hình khó khăn châm chước tốc độ thiết kế Vtk=40km/h; 2 làn xe không có dải phân cách giữa, tổng chiều rộng nền Bn=9m, mặt đường rộng 2x3m=6m, lề đường 2 bên x1,5m=3m (gia cố tối thiểu 1mx2 bên=2m). Nhu cầu sử dụng đất: khoảng 128,96 ha và chuyển mục đích sử dụng rừng 75,58 ha (gồm: 32,88 ha đất rừng đặc dụng; 27,07 ha đất rừng phòng hộ). Hình thức đầu tư: đầu tư công.

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện Dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định pháp luật về đầu tư công; Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Báo cáo thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư Dự án do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày, việc đầu tư Dự án sẽ hình thành tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, đã được xác định trong danh mục các dự án ưu tiên của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phá vỡ thế độc đạo về giao thông đường bộ giữa huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tạo điều kiện và khả năng kết nối liên vùng giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận; Góp phần tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy giao thương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của 2 huyện miền núi, trong số 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh trên cả nước, với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo trên 45%.

Góp phần tạo điều kiện chủ động về cứu hộ cứu nạn tăng cường an ninh, quốc phòng, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc cho khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng; Thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hồ sơ Dự án đáp ứng các yêu cầu tại Điều 20 Luật Đầu tư công và Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; đáp ứng yêu cầu đề nghị quyết định chủ trương CMĐSDR theo Điều 19, Điều 20 Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Dự án đã tuân thủ yêu cầu của pháp luật về đầu tư công; phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ Chính trị thông qua; phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch tổng thể sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua; phù hợp với quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phù hợp với các Quy hoạch, Kế hoạch có liên quan khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và hồ sơ Dự án kèm theo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc kiến nghị Quốc hội xem xét: Quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo đề nghị của Chính phủ; Bố trí vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để triển khai Dự án; cho phép Dự án được thực hiện theo các cơ chế đặc thù: Giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh liên quan đến Dự án./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2692
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)