Trước khả năng “vòng đàm phán phục hồi toàn cầu” có thể được khởi động, các bộ trưởng thương mại của khoảng 20 nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa có cuộc họp bên lề tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2013.
Cuộc họp nhằm thảo luận về những kết quả có thể đạt được trong cuộc họp cấp bộ trưởng WTO dự kiến được tổ chức từ ngày 3-6/12 năm nay tại Bali, Indonesia.
Một đại biểu tại WEF nhận xét Davos 2013 rất quan trọng vì đó chính là những dấu hiệu sớm nhất cho biết quá trình chuẩn bị cho Bali trong những tháng sắp tới, đồng thời có được những định hướng chung cho những gì sẽ diễn ra tại Bali vào cuối năm nay.
Các nước thành viên WTO đặt mục tiêu hoàn tất gói thỏa thuận quy mô nhỏ từ vòng đàm phán thương mại Doha mà hiện đang ở năm thương thảo thứ 12. Một trong những nguyên nhân khiến vòng đàm phán Doha đi vào ngõ cụt là do quy mô của nó quá lớn. Năm 2001, khi Doha bắt đầu khởi động, số lượng các quốc gia tham gia là 149, và hiện giờ đã lên tới 159 thành viên, trong khi vòng đàm phán thương mại thế giới đầu tiên do WTO tổ chức vào năm 1947 chỉ có 23 quốc gia thành viên. Số lượng thành viên khổng lồ nhưng Doha lại không được chia nhỏ, dẫn đến không thể đạt được kết quả chung.
Davos 2013 cũng là cơ hội để các ứng cử viên vị trí Tổng Giám đốc WTO thể hiện quan điểm của mình cho các bước tiếp theo trong việc chuẩn bị cho cuộc họp cấp bộ trưởng ở Bali, đồng thời tự giới thiệu mình trước đại diện của các nước thành viên WTO.
Hội nghị thường niên lần thứ 43 của WEF tại Davos diễn ra liên tục từ ngày 23 đến ngày 27/1 với sự tham dự của khoảng 2.500 đại biểu tới từ hơn 100 quốc gia và 1.400 tổ chức quốc tế.
Trong phiên họp cuối tuần qua, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về một loạt vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng nợ công, cuộc nội chiến leo thang ở Syria.
Phát biểu tại Diễn đàn, cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã cảnh báo cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu tiềm ẩn nguy cơ tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Còn Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng nếu không có những hành động đối với vấn đề biến đổi khí hậu thì các thế hệ tương lai sẽ phải trả giá và bị "quay nóng."
Theo chủ tịch Quỹ Bảo vệ Môi trường Fred Krupp, vấn đề biến đổi khí hậu tại Davos hầu như vẫn dậm chân tại chỗ trong suốt hai năm qua và giờ đây mọi thứ đã thay đổi trước cái giá mà thực tế đã phải trả.
Giới thương gia và các chính trị gia vẫn chỉ có những phản ứng hạn chế trước những bằng chứng về điều kiện thời tiết khắc nghiệt ngày một gia tăng từ siêu bão Sandy ở Mỹ hồi tháng 10/2012 đến đợt nóng khủng khiếp ở Australia trong tháng này.
Về vấn đề khủng hoảng nợ công châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tiếp tục khẳng định sự tồn tại của đồng tiền chung cho dù nó phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Phát biểu tại Davos, ông Draghi nói năm 2012 có thể được coi là năm tái phát hành đồng euro trước nhiều biến cố.
Chủ tịch ECB dự đoán khả năng phục hồi kinh tế đối với Khu vực Eurozone vào cuối năm nay, song nhà kinh tế Barry Eichengreen lại cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ, đã làm suy yếu châu Âu đến tận vùng trung tâm, có thể dễ dàng bùng phát trở lại trong năm nay trừ khi các nhà lãnh đạo châu Âu đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề của họ./.