I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2023
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 94.959 doanh nghiệp, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (77.235 doanh nghiệp).
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm 2023 là 61.970 doanh nghiệp, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Số vốn đăng ký thành lập trong 5 tháng năm 2023 đạt 568.711 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2023 là 1.393.683 tỷ đồng (giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 568.711 tỷ đồng (giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022). Có 21.111 lượt doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 5 tháng đầu năm 2023 (giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022) với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 824.972 tỷ đồng (giảm 51% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Có 9/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có: Giáo dục và đào tạo (tăng 49,7%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 26,2%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 23,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 17,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 16,3%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 8,9%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 6,7%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 6%); Thông tin và truyền thông (tăng 4,3%).
Có 8/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022: Xây dựng (giảm 5,7%); Khai khoáng (giảm 6,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 10,1%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 12,7%); Vận tải kho bãi (giảm 13%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 13,8%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 31,8%); Kinh doanh bất động sản (giảm 61,4%).
Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 56.905 doanh nghiệp (chiếm 91,8%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 46.522 doanh nghiệp, chiếm 75,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1,4% so với năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 14.825 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 623 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm trước.
Có 3/6 khu vực trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Hồng (19.866 doanh nghiệp, tăng 6%); Trung du và miền núi phía Bắc (3.041 doanh nghiệp, tăng 2%); Đông Nam Bộ (25.352 doanh nghiệp, tăng 1%). Các khu vực còn lại ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022 gồm: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (7.594 doanh nghiệp, giảm 14,5%); Đồng bằng Sông Cửu Long (4.452 doanh nghiệp, giảm 14,7%) và Tây Nguyên (1.665 doanh nghiệp, giảm 17,8%).
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng năm 2023 là 405.983 lao động, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2022.
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng năm 2023 là 32.989 doanh nghiệp, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,5 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (22.560 doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 6/17 lĩnh vực, gồm: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (167 doanh nghiệp, tăng 26,5%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (317 doanh nghiệp, tăng 11,6%); Giáo dục và đào tạo (886 doanh nghiệp, tăng 5,6%); Thông tin và truyền thông (700 doanh nghiệp, tăng 4,3%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (2.428 doanh nghiệp; tăng 3,1%); Kinh doanh bất động sản (1.226 doanh nghiệp, tăng 0,6%).
Có 11/17 lĩnh vực ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm: Khai khoáng (252 doanh nghiệp, giảm 1,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (295 doanh nghiệp, giảm 2,0%); Xây dựng (4.253 doanh nghiệp, giảm 2,7%); Hoạt động dịch vụ khác (980 doanh nghiệp; giảm 2,8%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.787 doanh nghiệp, giảm 4,9%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.737 doanh nghiệp, giảm 5,2%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (556 doanh nghiệp, giảm 6,1%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (457 doanh nghiệp, -6,5%); Vận tải kho bãi (1.567 doanh nghiệp, giảm 7,0%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (11.703 doanh nghiệp, giảm 13,5%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.678 doanh nghiệp, giảm 18,5%).
2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong 5 tháng năm 2023 có 88.040 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 62,7%), cụ thể:
- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 55.193 doanh nghiệp, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 5 tháng năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 26.805 doanh nghiệp (chiếm 48,6%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 49.267 doanh nghiệp (chiếm 89,3%, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2022).
- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 25.498 doanh nghiệp, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 22.542 doanh nghiệp (chiếm 88,4%, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2022).
- Số doanh nghiệp giải thể là 7.349 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 13/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong 5 tháng năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 5.065 doanh nghiệp (chiếm 68,9%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 6.321 doanh nghiệp (chiếm 86%, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022).
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5/2023
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tháng 5/2023 có 12.098 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 103.741 tỷ đồng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp và giảm 17,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 5/2023, 06/06 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Hồng (3.990 doanh nghiệp, giảm 6,5%); Trung du và miền núi phía Bắc (563 doanh nghiệp, giảm 11,1%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.494 doanh nghiệp, giảm 21,6%); Tây Nguyên (321 doanh nghiệp, giảm 29,6%); Đông Nam Bộ (4.908 doanh nghiệp, giảm 4,1%); Đồng bằng Sông Cửu Long (822 doanh nghiệp, giảm 16,7%).
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2023 là 74.607 người, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 5/2023 ghi nhận có 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022.
2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 5/2023, cả nước có 11.304 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có:
- 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022;
- 4.717 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2022;
- 1.223 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.