I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp Quý I năm 2023
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong Quý I/2023 đạt 56.946 doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (45.494 doanh nghiệp).
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I/2023 là 33.905 doanh nghiệp, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (29.767 doanh nghiệp) nhưng giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Số vốn đăng ký thành lập trong Quý I/2023 đạt 310.331 tỷ đồng, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong Quý I/2023 là 756.728 tỷ đồng (giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 310.331 tỷ đồng (giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022). Có 10.618 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong Quý I/2023 (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 446.398 tỷ đồng (giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong Quý I/2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Có 09/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có: Giáo dục và đào tạo (tăng 67,6%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 38,8%); Hoạt động dịch vụ khác (tăng 19,6%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 19,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 18,2%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 12,1%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 6,9%); Thông tin và truyền thông (tăng 6,4%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 5,5%).
Các ngành còn lại có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Kinh doanh bất động sản (giảm 63,2%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 36,4%); Khai khoáng (giảm 21,2%); Vận tải kho bãi (giảm 16,5%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 14,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 13,2%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 11,6%); Xây dựng (giảm 5,0%).
Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 31.187 doanh nghiệp (chiếm 92%, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 25.427 doanh nghiệp, chiếm 75% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1,5% so với năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 8.148 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 330 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,0% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ có duy nhất khu vực Đồng bằng Sông Hồng có sự gia tăng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2022 (10.661 doanh nghiệp, tăng 9,1%). Các khu vực còn lại đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Đông Nam Bộ (13.958 doanh nghiệp, giảm 0,8%); Trung du và miền núi phía Bắc (1.652 doanh nghiệp, giảm 3,2%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (4.187 doanh nghiệp, giảm 13,0%); Đồng bằng Sông Cửu Long (2.538 doanh nghiệp, giảm 17,8%) và Tây Nguyên (909 doanh nghiệp, giảm 20,0%).
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I/2023 là 212.287 lao động, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong Quý I/2023 là 23.041 doanh nghiệp, gấp 1,5 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (15.727 doanh nghiệp) nhưng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 7/17 lĩnh vực, trong đó các lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ tăng cao nhất gồm: Hoạt động dịch vụ khác (648 doanh nghiệp, tăng 135,6%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (382 doanh nghiệp, tăng 107,6%); Giáo dục và đào tạo (666 doanh nghiệp, tăng 19,8%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (226 doanh nghiệp, tăng 17,1%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (112 doanh nghiệp; tăng 10,9%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.746 doanh nghiệp, tăng 4,1%); Thông tin và truyền thông (503 doanh nghiệp, tăng 3,1%).
Trong khi đó, có 10/17 lĩnh vực có sự sụt giảm về số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, bao gồm: Kinh doanh bất động sản (823 doanh nghiệp, giảm 2,6%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (211 doanh nghiệp, giảm 5,0%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.273 doanh nghiệp; giảm 9,4%); Vận tải kho bãi (1.122 doanh nghiệp, giảm 10,7%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (316 doanh nghiệp, giảm 12,5%); Xây dựng (2.952 doanh nghiệp, giảm 12,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.557 doanh nghiệp, giảm 15,0%); Khai khoáng (169 doanh nghiệp, giảm 16,7%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.236 doanh nghiệp, giảm 16,8%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (8.099 doanh nghiệp, giảm 18,6%).
2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong Quý I/2023 có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 71,1%), cụ thể:
- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong Quý I/2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 20.984 doanh nghiệp (chiếm 49,0%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 38.535 doanh nghiệp (chiếm 89,9%, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022).
- Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 11.410 doanh nghiệp (chiếm 89,4%, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022).
- Số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 14/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong Quý I/2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 3.236 doanh nghiệp (chiếm 70,1%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 3.972 doanh nghiệp (chiếm 86%, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022).
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3/2023
1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tháng 3/2023 có 14.221 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 145.665 tỷ đồng, giảm 0,6% về số doanh nghiệp và giảm 24,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 3/2023, có 02/06 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Hồng (4.583 doanh nghiệp, tăng 18,4%); Trung du và Miền núi phía Bắc (681 doanh nghiệp, tăng 1,3%). Các khu vực còn lại đều có sự sụt giảm, cụ thể: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.751 doanh nghiệp, giảm 8,6%); Tây Nguyên (404 doanh nghiệp, giảm 14,6%); Đông Nam Bộ (5.811 doanh nghiệp, giảm 5,1%); Đồng bằng Sông Cửu Long (991 doanh nghiệp, giảm 20,6%).
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3/2023 là 92.645 người, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 3/2023 ghi nhận có 6.286 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm 2022.
2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 3/2023, cả nước có 9.011 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có:
- 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2022;
- 3.452 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022;
- 1.412 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư