Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2023-2024 theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: PV/Vietnam+) Việc ký kết bản thỏa thuận cho giai đoạn 2023-2024 sẽ giúp Việt Nam-Campuchia tiếp tục khai thác tính bổ sung của hai nền kinh tế, thắt chặt kết nối chuỗi cung ứng, phát triển thương mại biên giới.
Ngày 2/6, thực hiện Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Campuchia (ngày 10/10/2005) và được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023-2024 theo hình thức trực tuyến.
Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia đã được hai nước ký và thực hiện từ năm 2006 (sửa đổi, bổ sung 2 năm một lần).
Đây là văn kiện pháp lý quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước khi đã đưa ra mức ưu đãi thuế quan cho nhiều hàng hóa có thế mạnh của mỗi bên, ưu đãi hơn cả Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Trải qua 8 lần ký và gia hạn, Bản thỏa thuận đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2015, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã đạt mức tăng trưởng khá cao (bình quân khoảng 18,5%/năm); giai đoạn 2015-2020 tiếp tục tăng trưởng bình quân trên 21%/năm.
Riêng năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại giữa 2 nước vẫn đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm trước, đưa Việt Nam vươn lên là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ ba trên thế giới của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ).
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thương mại song phương Việt Nam-Campuchia cũng không nằm ngoài xu hướng đó, việc ký kết Bản thoả thuận cho giai đoạn 2023-2024 sẽ giúp hai nước tiếp tục khai thác tính bổ sung của hai nền kinh tế, thắt chặt kết nối chuỗi cung ứng, phát triển thương mại biên giới và khẳng định quyết tâm của hai bên trong việc thúc đẩy thương mại song phương tương xứng với mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước./.