Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/07/2022-15:57:00 PM
Gặt hái giá trị mới khi quyết tâm chuyển đổi số
(MPI) - Đứng trước các áp lực từ đại dịch Covid-19 và sức ép cạnh tranh từ thị trường, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ nét hơn về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Áp lực và khó khăn của chuyển đổi số

Chính phủ, các bộ ngành, địa phương ngày càng có nhiều chính sách, chương trình thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp được nhanh hơn và hiệu quả hơn. Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những Chương trình đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và đem lại các kết quả thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài những tài liệu hướng dẫn và hoạt động phổ biến đào tạo cho doanh nghiệp về chuyển đổi số tại một loại các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ninh Thuận, Lạng Sơn… một hoạt động của Chương trình mà được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng Lộ trình chuyển đổi số.

Trong các doanh nghiệp nhận hỗ trợ đầu tiên, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) tại Nam Định đã được lựa chọn vì là một điểm sáng trong ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam với các sản phẩm đúc thép hợp kim. Thành lập từ năm 1998, công ty đã ứng dụng nhiều thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến như dây chuyền làm khuôn tự động Disamatic, dây chuyền sản xuất theo công nghệ alphaset, dây chuyền công nghệ đúc chân không Lost-foam…với công suất 20.000 tấn sản phẩm/ năm và một phòng thí nghiệm hiện đại được đầu tư nhiều máy móc trang thiết thiết bị, phần mềm ứng dụng chuyên ngành. Mặc dù vậy, nhận thấy xu hướng tất yếu và cũng như trước áp lực phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của các thị trường khó tính của Vico như Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Úc và Châu Âu, Ban giám đốc công ty luôn tìm kiếm, hoàn thiện các giải pháp để trở thành một doanh nghiệp số.

Ông Phạm Danh Mạnh, Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Thắng Lợi, cho biết: "Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, Ban giám đốc công ty đã rất trăn trở, tham gia nhiều điễn đàn, tìm hiểu và làm việc với nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp về chuyển đổi số để tìm hướng đi. Tuy nhiên, dù rất quyết tâm và đã chuẩn bị sẵn tinh thần có thể thất bại và phải làm lại dự án chuyển đổi số, nhưng công ty vẫn không biết bắt đầu từ đâu và lo sợ lãng phí nhiều công sức, thời gian, chi phí nếu không đi đúng hướng".

Hành trình xây dựng lộ trình chuyển đổi số

Sau khi gửi yêu cầu hỗ trợ tới Chương trình để tìm kiếm sự đồng hành và được lựa chọn vào đợt hỗ trợ đầu tiên, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã làm việc trực tiếp với Công ty trong vòng 3 tháng liên tục. Mặc dù thời điểm đó, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các cuộc làm việc giữa công ty và tư vấn đều diễn ra trực tuyến, gặp nhiều cản trở cho quá trình tìm hiểu, khảo sát toàn diện các bộ phận, nghiệp vụ tại Công ty. Nhưng vì rất quyết tâm, cuối cùng lộ trình chuyển đổi số của VICO đã được xây dựng và hoàn thành. Một bản đồ cung cấp bức tranh tổng thể tới năm 2025 về những phương hướng cần triển khai để chuyển đổi số hướng tới thực hiện tầm nhìn, chiế n lược và các mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được vẽ ra một cách rõ nét. Đặc biệt, lộ trình giúp công ty lên kế hoạch, hoạch định được nguồn lực để từng bước chuyển đổi.

Ông Đỗ Hoàng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Wicom, chuyên gia tư vấn của Chương trình được lựa chọn hỗ trợ Vico cho hay, "VICO là một trong những Doanh nghiệp rất hiếm có ở Việt Nam đi sâu vào ngành thép đúc mà có được vị thế và bạn hàng rộng khắp trên thế giới. Cùng với sự phát triển, họ luôn ý thức và đầu tư mạnh cho công nghệ và nghiên cứu để có được những sản phẩm chất lượng cung cấp và đáp ứng cả những khách hàng khó tính nhất trên thế giới. Đội ngũ tư vấn của chúng tôi cũng phải tìm hiểu thêm rất kỹ về các sản phẩm, máy móc, thiết bị, qui trình cũng như trao đổi kỹ về về thị trường, hướng đi, chiến lược và mong muốn của Ban Lãnh đạo công ty, từ đó, gợi ý các phương hướng, mục tiêu cho chiến lược Chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ số nhằm cải tiến, điều chỉnh cách thức vận hành, quản trị để hiệu quả hơn cũng như tìm kiếm các cơ hội áp dụng công nghệ cho hoạt động kinh doanh, giúp mở rộng thị trường, phục vụ khách hàng tốt hơn. Kèm theo đó, chúng tôi cũng cung cấp các chỉ dẫn công nghệ và sắp tới đây chúng tôi sẽ giúp Vico tiếp tục triển khai những công nghệ mới với hy vọng rằng, sau khoảng 03 năm nữa thì Vico sẽ có thể được coi là một Doanh nghiệp số tiêu biểu trong ngành Thép đúc và đồng thời với đó là các kết quả đột phá trong kinh Doanh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng quản trị đều được nâng cao".

Quả ngọt từ sự quyết tâm

Giá trị đầu tiên mà công ty nhận được đó là sự tự tin và tầm nhìn. Tự tin vì đã có phương hướng triển khai và có người đồng hành. Ông Mạnh cho biết "Việc có được tầm nhìn đối với Ban giám đốc là vô cùng quan trọng, vì từ tầm nhìn, nhận thức mà công ty sẽ có những quyết định triển khai và lộ trình đúng đắn". Công ty đã đầu tư và vừa đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất IoT đầu tiên, từng bước số hóa, thông minh hóa các hoạt động để kiểm soát, nâng cao chất lượng quản trị và sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2022, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành cùng VICO để triển khai lộ trình chuyển đổi số của công ty. Câu chuyện trên cũng là một minh chứng để thấy rằng, khi các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có cùng quyết tâm, ý chí và mục tiêu, công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành công, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 49
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)