Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/10/2022-16:37:00 PM
Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp: Hướng đi nào cho doanh nghiệp?
(MPI) - Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nông nghiệp Việt Nam cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng và giá trị gia tăng đột biến hơn so với giá trị gia tăng từ tăng cao sản lượng. Cùng với đó, các xu hướng về tiêu dùng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, nông nghiệp hữu cơ, mua sắm đa kênh đang thúc đẩy ngành nông nghiệp cần chuyển dịch để tạo ra các giá trị mới. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới”. Đối với ngành nông nghiệp, mục tiêu của chuyển đổi số là (i) tăng giá trị của chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam, và (ii) tăng liên kết theo chuỗi giá trị.

Hiện nay, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đã và đang ứng dụng các loại hình công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) hay Blockchain nhằm tối ưu hóa, tự động hóa các quy trình trong chuỗi giá trị, từ khâu nhập khẩu đầu vào đến khâu bán hàng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để áp dụng được những công nghệ trên, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư lớn về công nghệ, cũng như sở hữu nguồn lực mạnh về con người và vận hành. Tại Việt Nam, hầu hết các DNNVV và các hộ gia đình còn hạn chế về mặt tài chính; thiếu nhân sự chất lượng cao về chuyển đổi số; ngoài ra năng lực sử dụng và hiểu biết về công nghệ còn yếu kém.

Đối với ngành nông nghiệp tại Việt Nam, lộ trình để các DNNVV có thể tiến hành chuyển đổi số bao gồm 06 giải pháp, áp dụng cho từng quy trình khác nhau trong chuỗi giá trị. 06 giải pháp đó bao gồm:

(1) Giải pháp truy xuất nguồn gốc

(2) Giải pháp thu thập, phân tích dữ liệu

(3) Tự động hóa trong sản xuất

(4) Giải pháp quản lý thông tin lưu kho

(5) Bán hàng đa kênh

(6) Giải pháp cung cấp thông tin và hỗ trợ kết nối người bán/người mua

Mô hình các giải pháp tương ứng trong chuỗi giá trị

Mô hình các giải pháp tương ứng trong chuỗi giá trị

Mô hình các giải pháp tương ứng trong chuỗi giá trị

Doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng một hay nhiều các giải pháp trên, tùy thuộc vào tiềm lực của bản thân doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, trong số trên, có 02 giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư và triển khai đó là bán hàng đa kênh và giải pháp truy xuất nguồn gốc.

Mô hình bán hàng đa kênh

Các sản phẩm nông nghiệp tại thị trường nước ta hiện nay chủ yếu được phân phối và bán lẻ thông qua 02 kênh chính là siêu thị và chợ truyền thống. Tuy nhiên, giờ đây doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự mở rộng các kênh bán hàng thông qua hình thức trực tuyến, ví dụ như qua website chính thức của công ty, qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, v.v. Các hình thức mới này giúp doanh nghiệp có thể truyền thông và tiếp cận khách hàng nhanh chóng và dễ dàng hơn; khách hàng cũng rất tiện lợi trong việc tìm hiểu và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp.

Khi mở rộng bán hàng trên nền tảng trực tuyến, doanh nghiệp cũng cần bổ sung, tích hợp các hình thức thanh toán mới, giúp khách hàng có được sự lựa chọn đa dạng và tối ưu nhất. Vì vậy, việc tìm kiếm các đối tác thanh toán như các ngân hàng, cổng thanh toán trung gian, ví điện tử để tích hợp vào các công cụ thanh toán của mình là điều cần làm khi mở rộng kênh bán hàng.

Giải pháp truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc, về cơ bản, là giải pháp cho phép người tiêu dùng cũng như các bên liên quan truy tìm lịch sử các thông tin về quy trình sản xuất, chế biến, phân phối và cho đến khi sản phẩm đến được tay người dùng. Với giải pháp này, doanh nghiệp và các hộ sản xuất/kinh doanh nhỏ có thể cải thiện khả năng xác định, đối phó với và ngăn chặn các sự kiện mất an toàn thực phẩm (ATTP); giảm thất thoát trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm và đơn vị sản xuất, kinh doanh và phân phối.

Tuy nhiên, để triển khai thành công, doanh nghiệp cần xác định rõ các tiêu chuẩn về sản xuất để chuẩn hóa quy trình, chẳng hạn như VietGAP hay GlobalGAP, v.v. Ngoài ra, để có thể cạnh tranh trên thị trường nông sản doanh nghiệp cần đạt được khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn trong nước hoặc quốc tế; giao hàng kịp thời với giá cả cạnh tranh. Hộ nông dân cá thể khó có đủ điều kiện để làm được điều này, đòi hỏi cần có sự liên kết ngang trong sản xuất với sự tham gia vào các liên minh hợp tác xã và sự hỗ trợ của doanh nghiệp.

Giải pháp truy xuất nguồn gốc đầy đủ và hiệu quả cần đảm bảo 03 tính năng, bao gồm:

(1) Nhận dạng sản phẩm: các thông tin định danh sản phẩm cần truy xuất, bao gồm thông tin về sản phẩm, các đơn vị liên quan và địa điểm thực hiện hoạt động. Ví dụ: tên sản phẩm (chuối, táo,v.v.), mã số vùng trồng, đơn vị vận chuyển, phương tiện vận chuyển. Mỗi sản phẩm sẽ mang mã số phân định riêng và được gắn nhãn, mác hoặc thẻ tại nguồn. Số phân định này cần được thống nhất trong toàn bộ các khâu sản xuất, kinh doanh để đảm bảo truy xuất được toàn trình từ khâu đầu vào đến tay người tiêu dùng.

(2) Thu thập dữ liệu: thông tin về quy trình sản xuất & kinh doanh cần được thu thập đầy đủ, chính xác trong quá trình luận chuyển của hàng hóa. Chỉ một số thông tin quan trọng về quy trình mới cần được thu thập, phụ thuộc vào tiêu chuẩn về sản phẩm mà đơn vị đang tuần thủ theo (VietGAP, GlobalGAP, v.v.) như ngày gieo trồng/bón phân/phun thuốc, ngày xuất kho, đơn vị vận chuyển, v.v.

(3) Ghi nhận và chia sẻ dữ liệu: thông tin sau khi được thu thập cần được lưu trữ và chia sẻ với khách hàng và các đối tượng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp (nông dân, hợp tác xã, thương lái, đơn vị chế biến/phân phối, đơn vị phân phối/bán lẻ). Truy xuất nguồn gốc không có nghĩa là mỗi bên tham gia phải lưu trữ và gửi đi tất cả các thông tin truy xuất. Tuy nhiên, các bên cần phải ghi chép và trao đổi thông tin ở một mức độ chung nào đó, đảm bảo tính hiệu quả và sự xuyên suốt của thông tin.

Trên đây là những hướng đi mà các DNNVV, các hợp tác xã/hộ nông dân trong ngành có thể tham khảo và áp dụng để từng bước chuyển đổi số thành công. Trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp cần cân nhắc các yếu tố về nguồn lực tài chính, con người, v.v, cũng như mức độ phù hợp của từng giải pháp để đạt được hiệu quả cao nhất.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 93
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)