(MPI) - Chiều ngày 24/6/2023, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 97,37%.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.
Về phạm vi của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát thận trọng và đặt trong mối quan hệ với các luật, dự thảo luật liên quan, đặc biệt một số chính sách liên quan đến các Dự thảo luật đang sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... để bảo đảm tính hợp lý.
Về phân bổ và bố trí vốn đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 Luật NSNN, HĐND Thành phố có thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn tăng thu NSĐP, trong đó bao gồm cả chi đầu tư phát triển; HĐND Thành phố có thể chủ động quyết định mà không cần phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Thành phố; UBND Thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền để tổng hợp chung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang thực hiện bình thường quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 Luật NSNN. Nếu quy định như Dự thảo sẽ dẫn đến sự khác nhau rất lớn về nhận thức, cách hiểu quy định pháp luật về NSNN, Luật Đầu tư công giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 62 địa phương khác trên cả nước. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tránh cách hiểu khác nhau, thống nhất trong nhận thức pháp luật, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép không quy định nội dung này tại Dự thảo Nghị quyết.
Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi áp dụng đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư trở lại cho các công trình, dự án như ý kiến của ĐBQH.
Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội, bao quát cả các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tạo sự chủ động cho Thành phố trong thực hiện các dự án PPP, không bị ràng buộc bởi quy định quy mô từ 100 tỷ đồng trở lên, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định tại Dự thảo Nghị quyết giao HĐND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa. Quy định này được thể hiện tại điểm b khoản 5 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý quy định tại điểm c khoản 5 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết “Tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn, điều kiện thực hiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư” và bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Điều này và pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, hiệu quả kinh tế - xã hội; không gây thất thoát, lãng phí, tạo sự đồng thuận của người dân, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội”.
Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát và thấy rằng, quy định tại Dự thảo Nghị quyết tương đồng với quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho áp dụng thí điểm trước tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Để tạo động lực thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư, từ đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cần thiết. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép được quy định miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như Dự thảo Nghị quyết.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2023. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Nghị quyết được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống, góp phần cho Thành phố phát triển nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó, xứng đáng với sứ mệnh của mình trong giai đoạn tới đây./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư