(MPI) - Ngày 27/6/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự và phát biểu tại Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội người dẫn đầu. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
|
Hình ảnh tại Tọa đàm. Ảnh: VTV.vn |
Phát biểu tại Tọa đàmNet Zero – Đòn bẩy chính sách, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, việc phát triển bền vững đến từ khía cạnh hiệu quả. Nếu chúng ta không chú ý đến môi trường, phát triển bền vững thì sẽ chịu những tác động rất xấu đến người dân, doanh nghiệp, vượt quá lợi ích kinh tế mà các giai đoạn trước mang lại.
Net Zero - tăng trưởng xanh là vấn đề phức tạp giữa việc nâng cao mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam. Đây là nhiệm vụ chính trị từ cơ quan trung ương, địa phương và của cả người dân.
Một vấn đề quan trọng nữa đó là sự quản trị tổng thể của Chính phủ mang tính cốt lõi để quyết định được việc chúng ta có thể phát triển bền vững hay không. Mục tiêu Net Zero đến năm 2050 đạt được khi chúng ta phải có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức, sản xuất, lối sống, tiêu dùng, đặc biệt là trong tư duy hoạch định chính sách; phải lượng hóa được giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó đưa ra 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực và 8 nhóm giải pháp. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 134 hoạt động cụ thể. Những nhiệm vụ và giải pháp đưa ra được tính toán dựa trên kịch bản tăng trưởng xanh cao và có tính đến tính khả thi về kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, có tính chất khả thi, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ có tính khả thi về kinh tế.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, một điểm nhấn nữa của tăng trưởng xanh là cân bằng và hài hòa giữa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là góp phần tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây cũng chính là điểm nổi bật của Chiến lược này; là những lợi ích mang tính dài hạn và nếu chúng ta làm càng sớm, càng hiệu quả và rủi ro, hạn chế sẽ càng thấp.
Chiến lược tăng trưởng xanh đã được lượng hóa, bổ sung các chính sách liên quan đến cả khía cạnh sản xuất đến khía cạnh tiêu dùng; từ thống kê, dự báo nguồn phát thải cũng như năng lượng tích tụ, loại bỏ CO2 trong không khí theo kịch bản tối ưu và hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế có quan hệ thuận chiều, phi tuyến tính với phát thải. Do vậy, để hạn chế phát thải trong khi chúng ta thúc đẩy tăng trưởng nhanh cần có các giải pháp đổi mới công nghệ, các giải pháp mang tính chất công trình và phi công trình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến kiểm tra, giám sát cần phải có điều chỉnh phù hợp. Đối với đổi mới công nghệ, áp dụng các sáng kiến để làm giảm lượng phát thải khí nhà kính cần phải có sự khuyến khích về tài chính. Đặc biệt là trách nhiệm của cộng đồng người dân và doanh nghiệp.
Về phía quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, hỗ trợ ưu đãi đầu tư ban đầu để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm phát thải khí nhà kính là cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là động lực để giúp nền kinh tế phát triển, hướng đến vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Khi xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh thì một trong những quan điểm xuyên suốt được đưa ra là lợi ích, định hướng của tăng trưởng xanh không phải là vị thế quốc gia mà là lợi ích trong ngắn hạn, dài hạn cho mỗi người dân. Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau; tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận và thực hiện tăng trưởng xanh, đem lại ích cho tất cả các đối tượng, trong đó nhóm yếu thế sẽ được hưởng lợi hơn tất cả. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng, người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ, không phải bây giờ chúng ta mới chuẩn bị cuộc chơi hướng tới Net Zero mà đã có lộ trình, chuẩn bị từ rất lâu. Chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết của Việt Nam. Hàng loạt các cơ chế, chính sách tăng trưởng xanh đã bắt đầu hình thành. Công tác truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong quyết định thành công của Chiến lược tăng trưởng xanh này.
Về bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, để triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia cần có bộ tiêu chí, làm rõ nội hàm xanh là gì trên phương diện quốc gia và trên phương diện từng ngành, lĩnh vực để làm cơ sở trong việc triển khai thực hiện. Đến năm 2022, đã có 30 quốc gia xây dựng bộ tiêu chí xanh.
Đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia hài hòa với thông lệ quốc tế, là cơ sở quan trọng để lựa chọn các dự án đầu tư xanh; nền tảng quan trọng cho việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; giúp lượng hóa, đánh giá tiến độ thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Thông qua bộ tiêu chí này, các dự án xanh có điều kiện tiếp cận với nguồn tài chính xanh trong nước và quốc tế, tiếp cận với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới đối với các dự án xanh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, điểm quan trọng nhất của bộ tiêu chí là mang tính toàn diện, bao trùm và phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu không sẽ rất khó huy động được nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực quốc tế. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng sẽ ban hành danh mục chi tiết các ngành, lĩnh vực, dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh. Đây là những định hướng, tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính hướng dẫn chung phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở này, các bộ, ngành sẽ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể của từng bộ, ngành./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư