(MPI) - Tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 7/2023 khu vực phía Bắc diễn ra ngày 12/7/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin chuyên đề về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tác động của tình hình thế giới, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng, tuy còn thấp nhưng đã cho thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, Quý II cao hơn Quý I, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 06 tháng đầu năm, tạo đà cho các tháng tiếp theo.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến; Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư; Tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân; Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; Quốc phòng an ninh được bảo đảm; Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, đi vào thực chất.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, bất lợi của tình hình thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khó khăn của Quý I tiếp tục kéo dài trong Quý II, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả 06 tháng, cụ thể như tăng trưởng kinh tế Quý II tích cực hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu NSNN.
Thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn bất cập. Một số quy định về phòng cháy chữa cháy, nước thải nuôi trồng thủy sản, cấp phép lao động... chậm được rà soát, điều chỉnh; trong một số trường hợp, chính sách, quy định mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn kịp thời, tuy nhiên cần tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, các địa phương gắn với thời gian, phạm vi cụ thể, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại.
Tình hình lao động, việc làm còn nhiều thách thức. Rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bạo lực học đường phức tạp,… tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm.
Những khó khăn, hạn chế có nguyên nhân lớn nhất là do tình hình thế giới, khu vực phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế nước ta vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19; các vấn đề nội tại của nền kinh tế về năng lực sản xuất, doanh nghiệp, cơ cấu đầu tư, thị trường, sự phụ thuộc vào khu vực FDI, thị trường xuất khẩu,... chưa thể cải thiện trong "một sớm, một chiều"; phản ứng chính sách trong một số trường hợp, của một số bộ, ngành chưa chủ động, thiếu đồng bộ, thận trọng quá mức, làm tăng thêm áp lực cho nền kinh tế, chưa tận dụng tốt cơ hội phục hồi từ các đối tác, thị trường. Tổ chức thực thi và giám sát các chính sách đã ban hành chưa đúng mức, chưa có thời gian cụ thể nên kết quả còn hạn chế; tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong một số trường hợp.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh đến các bài học kinh nghiệm. Một là, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội thông qua; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, thị trường, vướng mắc của doanh nghiệp, các dự án đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nguồn lực đẩy nhanh các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước và các vùng, địa phương.
Hai là, nắm chắc tình hình; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, chủ động thích ứng; đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vượt qua khó khăn.
Ba là, các bộ, ngành, địa phương chủ động tham mưu, đề xuất, thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, giải pháp điều hành, nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa để bảo đảm chủ động, kịp thời, có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả; xử lý triệt để các vướng mắc, rào cản pháp lý, vấn đề tồn đọng nhiều năm cho doanh nghiệp, người dân, dự án đầu tư.
Bốn là, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực gắn với kiểm tra, giám sát, trách nhiệm người đứng đầu; có cơ chế, quy định thực chất, hiệu quả để bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Năm là, chủ động thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình kinh tế - xã hội, định hướng, giải pháp, chính sách điều hành, quan điểm đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đấu tranh xử lý thông tin xấu, độc; góp phần củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới nhằm đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân; cụ thể như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, thủ tục hành chính gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DNNN, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI.
Tháo gỡ kịp thời, thực chất, hiệu quả vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, nhất là những vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm để tăng cường thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư quy mô lớn; sớm đưa vào vận hành các dự án lớn, có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp và năng lượng.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình hạ tầng lớn, quan trọng quốc gia, để sớm đưa vào khai thác, vận hành, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, các vùng, địa phương.
Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06; sớm hoàn thiện chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn, Hydrogen; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững được quốc tế công nhận, đầu tư các dự án nhà máy xanh, chuyển đổi xanh; hoàn thiện các quy định, tạo thuận lợi phát triển thị trường tín chỉ Carbon./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư