Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/07/2023-15:50:00 PM
Góp ý Dự thảo Đề án Tăng cường năng lực thống kê quốc gia về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực thống kê
(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Đề án Tăng cường năng lực thống kê quốc gia về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực thống kê.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/5/2022 về việc tăng cường công tác thống kê nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thống kê trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Đồng thời, để nâng cao năng lực thống kê quốc gia nói chung và thống kê nhà nước nói riêng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan một số nhiệm vụ, trong đó có việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Chiến lược này, có nhiệm vụ xây dựng Đề án Tăng cường năng lực thống kê quốc gia và phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với quan điểm xây dựng Đề án, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đất nước, thực trạng năng lực thống kê quốc gia của nước ta hiện nay và yêu cầu phát triển trong những năm tới. Phù hợp với tiêu chuẩn thống kê quốc tế về đánh giá, đo lường năng lực thống kê của quốc gia; Bảo đảm tính kế thừa và tính hệ thống; phát huy kết quả đạt được, khắc phục, giảm thiểu hạn chế, bất cập; phát huy hơn nữa vị trí, vai trò quan trọng của Hệ thống thống kê nhà nước; đồng thời có tính tới sự hình thành và xu hướng phát triển của thống kê ngoài thống kê nhà nước; Có tính khả thi, tính bền vững và tính hiệu quả; được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động; được thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ về môi trường pháp lý, nguồn nhân lực, vật lực, tài lực và các điều kiện khác. Thường xuyên tổng kết, đánh giá, cập nhật lý luận và thực tiễn để kịp thời bổ sung, hoàn thiện.

Mục tiêu tổng quát nhằm tăng cường năng lực thống kê quốc gia theo hướng tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy; bảo đảm nguồn nhân lực thống kê đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có tính chuyên nghiệp và chất lượng ngày càng cao. Góp phần quan trọng nâng cao khả năng sản xuất thông tin thống kê kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, quản lý, điều hành chính sách vĩ mô của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Với mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 hoàn thiện tổ chức bộ máy của Hệ thống thống kê tập trung, đặc biệt là Tổ chức thống kê cấp huyện; Đến năm 2026 hoàn thành các thủ tục pháp lý thành lập trường Đại học Thống kê trực thuộc Tổng cục Thống kê; Kiện toàn tổ chức thống kê bộ, ngành. Nâng số bộ, ngành có Tổ chức thống kê từ 12/23 bộ ngành hiện nay, lên 15/23 bộ, ngành năm 2025 và 23/23 bộ, ngành năm 2030.

Về phát triển nguồn nhân lực thống kê, cơ cấu lại nguồn nhân lực thống kê, nâng tỷ lệ người được đào tạo chuyên ngành Thống kê của Hệ thống thống kê tập trung từ mức gần 20% hiện nay, lên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030; tỷ lệ công chức, viên chức thống kê chuyên trách của bộ, ngành từ trên 57% hiện nay lên 60% năm 2025 và 65% năm 2030; Năm 2026-2030 hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút tạo nguồn nhân lực thống kê chất lượng cao; sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ đối với địa bàn khó khăn và xây dựng đội ngũ cộng tác viên thống kê. Đồng thời, thí điểm đưa công chức, viên chức thống kê của Hệ thống thống kê tập trung biệt phái có thời hạn làm thống kê chuyên trách tại một số bộ, ngành. Năm 2030, tỷ lệ người làm công tác thống kê tại các bộ ngành; sở, ban ngành cấp tỉnh; cơ quan chuyên môn cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê đạt 60%.

Nội dung dự thảo Đề án được trình bày trong 5 phần chính: (1) Một số vấn đề chung; (2) Phạm vi, quan điểm và mục tiêu xây dựng Đề án; (3) Nội dung chủ yếu của Đề án; (4) Giải pháp thực hiện Đề án; (5) Tổ chức thực hiện Đề án. Trong đó có nội dung chủ yếu bao gồm: Hoàn thiện tổ chức bộ máy; Bố trí, sắp xếp và cơ cấu lại nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, nêu ra các giải pháp thực hiện Đề án như Khảo sát, đánh giá đầy đủ thực trạng tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của Hệ thống thống kê quốc gia cả nước ta hiện nay; Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động thống kê và vị trí việc làm trong lĩnh vực Thống kê; Bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý thực hiện Đề án; Bảo đảm cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính thực hiện Đề án; Xây dựng các chương trình hành động thực hiện Đề án.

Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến góp ý, bổ sung và đề xuất thêm nội dung cho dự thảo Đề án trước ngày 10/8/2023. Mọi thông tin góp ý xin gửi về Nguyễn Thị Thu Phương, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Thống kê, điện thoại: 024.73046666 - máy lẻ 5004, email: nttphuong@gso.gov.vn./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 201
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)