Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/11/2007-14:36:00 PM
Sáng kiến chung Việt - Nhật: "Còn hai điểm chưa thống nhất"

Ngày 09/11/2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Nhật Bản đã thông báo kết quả về việc thực hiện giai đoạn 2 của “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản” nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đạt được của giai đoạn 2 “Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản”?

Hai phía Nhật Bản và Việt Nam đã có những đánh giá chung về Sáng kiến này. Hầu hết các vấn đề được hai bên thống nhất đã được giải quyết và đưa ra giải pháp cụ thể.

Trong 80 tiểu vấn đề của 46 vấn đề chính, 23 vấn đề đã được hoàn thành, 52 vấn đề khác đang được triển khai theo kế hoạch và 3 vấn đề có tiến triển nhưng chưa theo đúng kế hoạch. Kết quả đó chứng minh cho thấy 93% các vấn đề trong Chương trình hành động được đánh giá là đã đạt mục tiêu đặt ra.

Với những biện pháp hai bên đưa ra và thống nhất cùng với nhau thì môi trường đầu tư của Việt Nam đã không ngừng được hoàn chỉnh. Đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng được tăng cường, đồng thời đầu tư của các khu vực khác vào Việt Nam cũng gia tăng. Chính vì vậy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2006-2007 đã không ngừng tăng.

Tuy nhiên, còn 2 điểm mà Việt Nam và Nhật Bản chưa thống nhất là việc nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng và danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện của Việt Nam. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục tiến hành giai đoạn 3 để hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam.

Lạc quan về sáng kiến chung Việt-Nhật nhưng vẫn còn những vấn đề tồn tại, vậy trong giai đoạn 3 của Sáng kiến chung, những vấn đề còn lại sẽ được khắc phục như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Liên quan đến điểm chưa thống nhất đầu tiên là danh mục hàng cấm nhập khẩu và một số mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, hiện nay Bộ Công Thương đang trao đổi với các bộ ngành liên quan để tập hợp các ý kiến nhằm hoàn chỉnh các danh mục, sau đó chuyển cho phía Nhật Bản.

Đối với vấn đề nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng, hai bên đang tiếp tục trao đổi với nhau về các tiêu chuẩn, điều kiện loại xe nào được nhập khẩu vào Việt Nam. Vấn đề này hiện đang được Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi nhằm đảm bảo việc nhập khẩu xe qua sử dụng phù hợp với quy định của phía Việt Nam.

Cũng còn một điều nữa phía Nhật Bản đề nghị Việt Nam xem xét về mở cửa thị trường bán lẻ bao gồm lộ trình, điều kiện để đảm bảo cho các công ty nước ngoài được tham gia bình đẳng như doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề này Việt Nam xem xét trên cơ sở phù hợp với các cam kết về mở cửa thị trường trong khuôn khổ WTO.

Chúng tôi đã thoả thuận với nhau trong giai đoạn 3 của Sáng kiến, hai bên sẽ trao đổi tiếp những vấn đề hai bên còn có ý kiến cũng như trong khuổn khổ đàm phán EPA.

Định hướng phát triển ngành ôtô-xe máy có được đặt ra trong Sáng kiến chung hay không? Nếu không thì định hướng này sẽ như thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Trong Sáng kiến không đặt định hướng cho một ngành nào cả mà chỉ nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho tất cả các lĩnh vực và các doanh nghiệp không chỉ Nhật Bản mà tất cả các nước.

Đối với ngành công nghiệp ôtô, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải thực hiện đúng các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm dần thuế nhập khẩu. Vì lộ trình giảm thuế nhập khẩu đã được quy định trong luật của chúng ta. Bên cạnh việc bảo hộ các nhà sản xuất chúng ta cũng phải nghĩ đến việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trong xu hướng đó thì những người nào đảm bảo cạnh tranh được để tồn tại thì sẽ tồn tại, ai không tồn tại được chắc phải chuyển đổi sang hoạt động khác. Tôi nghĩ rằng sẽ có một số doanh nghiệp tồn tại được để phát triển. Đó là quy luật của cạnh tranh.

Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đang đặt ưu tiên cho 3 dự án lớn là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, dự án đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc - Nam, xin Bộ trưởng cho biết tiến độ của 3 dự án này hiện ra sao?

Tiến độ 3 dự án này đang được triển khai. Đối với dự án về Khu công nghệ cao, hai bên đã thống nhất lập tổ công tác thường xuyên trao đổi với nhau để tiến hành nghiên cứu trao đổi xem xét lập báo cáo khả thi và quy hoạch của khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Đối với dự án đường sắt cao tốc, hai bên đã tổ chức nhiều hội thảo trao đổi với nhau và đang xúc tiến để tiến tới nghiên cứu tiền khả thi.

Với dự án đường bộ cao tốc, hai phía đang cùng phối hợp và xác định một số đoạn cần thiết làm nhanh. Như đoạn từ TPHCM đi Long Thành - Dầu Giây, hai bên đã xúc tiến để triển khai trong đầu năm 2008.


Thời báo Kinh tế Việt Nam

    Tổng số lượt xem: 1020
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)