Theo Quyết định này, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững. Là vùng kinh tế động lực đầu tàu; là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hoá, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực. Là vùng có cơ cấu kinh tế và không gian phát triển hài hòa; có hệ thống đô thị tổng hợp tầm quốc gia và khu vực, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, mục tiêu về phát triển kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của vùng giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 8,5 - 9,0%/năm. Đến năm 2020 các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95 - 96% tổng GDP. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 5.000 USD. Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người lên 3.700 USD năm 2015 và 5.400 USD vào năm 2020. Đong góp khoảng 55-60% thu ngân sách của cả nước.
Quy hoạch đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế phát triển năng động, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á. Cụ thể, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 8,0-8,5%/năm vào thời kỳ 2021-2030. GDP năm 2030 gấp khoảng 2,2 lần so với năm 2020.
Định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực
Theo Quy hoạch, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng; chuyển hướng mạnh mẽ từ phát triển công nghiệp theo chiều rộng sang phát triển công nghệ hiện đại với hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như dầu khí, thép, điện, phân bón, hóa chất…; sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, giầy da, nhựa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu công nghiệp và khu chế xuất theo quy hoạch.
Về khu vực dịch vụ, phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ nhanh, chất lượng cao và bền vững; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như một điểm đến an toàn, thân thiện với nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn.
Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, trở thành trung tâm dịch vụ tầm khu vực Đông Nam Á, phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ về tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, viễn thông, vận tải biển; phát triển thành phố Vũng Tàu là trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ khai thác dầu khí cấp quốc gia và quốc tế; xây dựng đô thị Biên Hòa và Thủ Dầu Một, là trung tâm dịch vụ lớn về phát triển công nghiệp.
Phát triển nông nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá lớn với hình thức tổ chức sản xuất và kỹ thuật hiện đại; chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng vùng thành một trung tâm giống quốc gia với các cơ sở nghiên cứu thực nghiệm, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đầu mối tiếp nhận, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh và đặc trưng của vùng.
Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông vận tải, cấp điện và bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và thủy lợi; đẩy mạnh các lĩnh vực xã hội như đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.
Các lĩnh vực về khoa học và công nghệ; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; quốc phòng - an ninh cũng được quy định rõ tạiQuyết địnhnày./.