Xuất khẩu là lĩnh vực đạt kết quả nổi bật nhất trong quý I của Việt Nam. Đóng góp vào kết quả này có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường, đặc biệt là vai trò của 4 thị trường lớn với tổng kim ngạch đạt 18,3 tỷ USD, chiếm 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, gồm EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Quốc.
|
Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (tỷ USD) - Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
EU vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, khi kim ngạch tăng với tốc độ cao qua các năm (năm 2011 cao gấp 5,8 lần năm 2000, bình quân 1 năm tăng 17,4%). Khi EU vướng vào khủng hoảng nợ công, người dân “thắt lưng buộc bụng”, làm cho nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài của khu vực này bị sụt giảm.
Xuất siêu liên tục vào EU
Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều chuyên gia và một số nhà hoạch định chính sách vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào khu vực EU năm 2012 đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011, cao hơn tốc độ tăng chung (18,2%) và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cao nhất trong các thị trường.
Quý I/2013, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào khu vực này vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước với tốc độ cao nhất (32%, gấp rưỡi tốc độ tăng 19,7% của tổng kim ngạch xuất khẩu), nhờ đó tỷ trọng cũng tăng lên, đạt 19,2%. Trong khu vực này, có một số thị trường đạt quy mô khá, như Đức (774 triệu USD), Hà Lan (399 triệu USD), Pháp (351 triệu USD), Italia (324 triệu USD), Tây Ban Nha (323 triệu USD)...
Các mặt hàng xuất khẩu vào khu vực này, như điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may..., đều đạt kim ngạch lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu ra thế giới của mỗi mặt hàng.
Đáng chú ý, trong quan hệ buôn bán với khu vực này, Việt Nam giữ vị thế xuất siêu liên tục với quy mô khá (năm 2012 đạt trên 11,5 tỷ USD, quý I/2013 đạt 2,9 tỷ USD).
Hoa Kỳ: Còn dư địa lớn cho hàng Việt
Sau khi Hoa Kỳ bỏ bao vây cấm vận đối với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này từ chỗ còn rất thấp (năm 1994 mới đạt 94,9 triệu USD) đã tăng lên trong các năm sau đó; sau khi 2 nước ký Hiệp định Thương mại song phương, đến năm 2001 đã vượt qua mốc 1 tỷ USD.
Từ năm 2002 đến nay, Hoa Kỳ đã tăng tốc nhanh và vượt lên đứng đầu trong các thị trường nhập khẩu hàng hoá (tính theo nước) của Việt Nam (năm 2005 đạt 5,92 tỷ USD, năm 2010 đạt 14,24 tỷ USD, năm 2012 đạt 19,67 tỷ USD).
Với tiến độ thực hiện của quý I, khả năng cả năm 2013 sẽ vượt qua mốc 20 tỷ USD và năm 2013 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam có 1 thị trường (1 quốc gia) vượt qua mốc này. Trong nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2013 có 18 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD.
Về ngành hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, số liệu thống kê cho thấy cao nhất là dệt may đạt 1,248 tỷ USD, chiếm 13,9% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Tiếp theo là các mặt hàng: giày dép đạt 360 triệu USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép; gỗ và sản phẩm đạt 244 triệu USD, chiếm 30,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 158 triệu USD, chiếm 20,1%; thuỷ sản đạt 143 triệu USD, chiếm 17,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 123 triệu USD, chiếm 15,6%; dầu thô đạt 108 triệu USD, chiếm 9%...
Hoa Kỳ cũng là thị trường mà Việt Nam xuất siêu lớn nhất (năm 2012 đạt 14,84 tỷ USD, quý I/2013 đạt 3,7 tỷ USD). Mặc dù quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ lớn nhất trong các thị trường, nhưng mới chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu (lên đến trên dưới 2,4 nghìn tỷ USD) của Hoa Kỳ. Điều đó chứng tỏ Hoa Kỳ là thị trường còn dư địa rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Song, khi đã có quy mô lớn, cần tránh “bỏ trứng vào một giỏ” vì dễ bị kiện bán phá giá như đã từng xảy ra.
ASEAN: Xuất siêu với 6 nước, nhập siêu với 4 nước
ASEAN là thị trường xuất khẩu (tính theo khu vực) lớn thứ 3 của Việt Nam. Khu vực này từ năm 1994 trở về trước còn ở mức dưới 900 triệu USD, thì năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á, xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này đã vượt qua mốc 1 tỷ USD, năm 2005 đã vượt mốc 5,7 tỷ USD, năm 2010 vượt 10,3 tỷ USD, năm 2012 vượt 17,3 tỷ USD.
Quy mô và tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung trong quý I/2013 của khu vực này (tăng 29,4% so với 19,7%) là tín hiệu khả quan để cả năm xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này sẽ vượt qua mốc 20 tỷ USD. Trong khu vực này, có một số thị trường đạt quy mô khá trong quý I năm nay, đứng đầu là Malaysia, tiếp đến là Campuchia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines.
Quan hệ buôn bán giữa Việt Nam và các nước trong khu vực hiện có một số điểm đáng lưu ý. Theo cam kết hội nhập với khu vực, thuế suất thuế nhập khẩu của khu vực sẽ giảm thiểu, vừa tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tận dụng cơ hội, nhưng cũng là cơ hội cho hàng hoá của các nước trong khu vực vào Việt Nam.
Trong quan hệ buôn bán với các nước trong khu vực, Việt Nam đã liên tục nhập siêu, với quy mô khá lớn (năm 2000 là 1,8 tỷ USD, năm 2005 là gần 3,6 tỷ USD, năm 2010 là trên 6 tỷ USD, năm 2011 là trên 7,3 tỷ USD). Nhưng từ năm 2012 đến nay đã có xu hướng giảm xuống (năm 2012 còn 3,7 tỷ USD, quý I/2013 còn 0,4 tỷ USD).
Trong 10 nước của khu vực, Việt Nam xuất siêu đối với 6 nước là Campuchia, Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Timo Leste; nhập siêu đối với 4 nước là Thái Lan, Singapore, Brunei, Lào. Nếu khôi phục xuất khẩu gạo đối với các nước trong khu vực này, thì mức độ nhập siêu sẽ giảm nữa và có thể chuyển sang vị thế xuất siêu.
Trung Quốc: Kỳ vọng vượt mốc 13 tỷ USD
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu được phục hồi dần từ 1990-1991, tăng lên và liên tục vượt qua các mốc mới với chu kỳ ngắn hơn (cụ thể năm 2000: 1 tỷ USD; năm 2005: 3 tỷ USD; năm 2009: 5 tỷ USD; năm 2011: 10 tỷ USD và năm 2012 là 12 tỷ USD).
Quy mô và tốc độ tăng của quý I là tín hiệu khả quan để cả năm nay xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vượt qua mốc 13 tỷ USD. Trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2013, có 190 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD; 7 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đó ra thế giới.
Ví dụ: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 303 triệu USD, chiếm 20,5%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 272 triệu USD, chiếm 89,9%; cao su đạt 182 triệu USD, chiếm 47,7%; gạo đạt 146 triệu USD, chiếm 40,1%; than đá đạt 128 triệu USD, chiếm 75,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 121 triệu USD, chiếm 16,4%; xơ sợi dệt đạt 105 triệu USD, chiếm 36,8%...
Đáng chú ý, trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc, từ 2000 trở về trước, Việt Nam phần lớn là xuất siêu, nhưng từ 2001 đến nay lại nhập siêu, với mức nhập siêu ngày càng lớn (năm 2001 mới có 189 triệu USD, năm 2005 là 2,672 tỷ USD, năm 2010 là 12,461 tỷ USD, năm 2011 là 16,398 tỷ USD, quý I/2013 là 4,6 tỷ USD, khả năng năm 2013 mức nhập siêu có thể vượt 20 tỷ USD)./.
Minh Ngọc
Cổng thông tin điện tử Chính phủ