Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/12/2013-14:02:00 PM
Thúc đẩy kinh tế nông hộ nhỏ trong quá trình hội nhập
“Để đảm bảo sự phát triển bền vững trong quá trình hội nhập, Việt Nam hãy đưa nông hộ nhỏ tham gia quá trình hội nhập và hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông hộ nhỏ.”
Thu hoạch mướp đắng tại một nông hộ. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Đó là thông điệp chính được bà Nguyễn Lan Hương, đại diện Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) đưa ra tại Hội nghị toàn thể thường niên ISG (Chương trình hỗ trợ quốc tế) 2013 với chủ đề: “Nông nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thách thức và cơ hội mới,” do Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (12/12), tại Hà Nội.
Chuyên viên Nguyễn Lan Hương cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ khi có đến 99% trong số 10 triệu nông hộ trực tiếp tham gia vào sản xuất là nông hộ nhỏ, với 20 triệu lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất này và mỗi năm tăng thêm khoảng 600 nghìn người tham gia vào lĩnh vực.
Với nông dân Việt Nam, việc mở rộng thương mại quốc tế tạo ra cơ hội mới, thêm việc làm, tăng thu nhập và góp phần giảm nghèo một cách tích cực. Nông dân từng bước làm quen với thị trường cạnh tranh và chịu điều tiết từ quy luật “cung-cầu” khốc liệt của thị trường. Cùng với các chính sách khuyến khích sản xuất và thương mại nông sản, nông nghiệp Việt Nam từng bước thích ứng với toàn cầu hóa về sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.
Song, theo kết quả nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về “Đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết WTO và khu vực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” mới đây cho thấy, nông nghiệp-nông thôn, nơi với hơn 70% của 90 triệu dân Việt Nam, chiếm khoảng 21% GDP của cả nước, lại là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng thừa nhận, đây chính là thách thức lớn của nền nông nghiệp Việt Nam, với một nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào nông hộ.
Đánh giá về tình hình kinh tế sau 6 năm hội nhập, Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho rằng, mặc dù, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán nhưng trong bối cảnh hầu hết nông dân đều tham gia vào sản xuất hàng hóa nên việc mở rộng thương mại quốc tế đem lại hiệu quả lan tỏa sâu rộng trong việc tạo việc làm và thu nhập của đông đảo người lao động kể cả người nghèo và người dân tộc thiểu số.
Thực hiện nguyên tắc tự do hóa thương mại, Việt Nam chấp nhận mở cửa thị trường nhập khẩu các nông sản hàng hóa mà mình không có thế mạnh nhờ đó vừa cải thiện đời sống, tăng phúc lợi cho người tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với hàng hóa có chất lượng và giá bán tốt hơn đồng thời phát triển mối quan hệ đa phương công bằng và hiệu quả.
Trước những thách thức và cơ hội đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất tập trung các giải pháp tạo điều kiện để các hộ nông dân có quy mô nhỏ lên mô hình cao hơn với nền kinh tế tập trung và tham gia vào thị trường hàng hóa, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Trưởng Cao Đức Phát, đưa nông hộ nhỏ vào hội nhập và hỗ trợ họ hội nhập bằng cách đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy các mô hình sản xuất có tính liên kết nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp và theo hình thức hợp tác công tư (PPP); đồng thời tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt nông dân bằng việc ra các chính sách hỗ trợ sản xuất.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai sâu rộng tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và đây sẽ là giải pháp quan trọng nhất, căn cơ nhất thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập.
“Về các chính sách, chủ trương thúc đẩy mới, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo chiến lược hội nhập quốc tế ngành nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt tới đây nhằm tối đa hóa các lợi ích từ hội nhập kinh tế quốc tế đối với nông nghiệp, nông thôn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực, rủi ro đến nông dân Việt Nam,” Bộ Trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh./.
Thanh Tâm
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 983
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)