Ngày 12/12/2013-17:36:00 PM
(MPI Portal) – Sáng ngày 12/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia cao cấp, đại điện các Bộ, ngành liên quan, các Viện nghiên cứu một số Tập đoàn, Tổng Công ty, các tổ chức quốc tế và đại diện cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chủ trì Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2013 còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi sự bất ổn của kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công ở Châu Âu. Cùng với các khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng chưa được giải quyết, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua trong nước giảm, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể. Trước tình hình đó, ngay trong những ngày đầu năm 2013, Chính phủ đã kịp thời ban hành hai Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó nội dung quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình trạng số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, phá sản đạt mức kỷ lục, tồn kho và nợ xấu tăng cao...
Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính là cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư; hỗ trợ thị trường và giải quyết hàng tồn kho; tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng và xử lý nợ xấu.
Trong năm 2013 cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, tổng sản phẩm trong nước tăng dần qua các quý và 9 tháng đầu năm 2013 tăng 5,14%. Tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm 2013 mặc dù còn thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,22% của cùng kỳ năm 2010 và mức tăng 5,92% của cùng kỳ năm 2011 nhưng đã cao hơn với mức tăng cùng kỳ năm 2012. Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp được cải thiện, hàng tồn kho giảm, nợ xấu dần được kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất. Tuy vậy, các dấu hiệu phục hồi còn chưa rõ nét và chưa chắc chắn, đòi hỏi cần phải phân tích, đánh giá một cách chi tiết tác động và hiệu quả của các giải pháp, chính sách để có kiến nghị cụ thể và xác đáng cho công tác điều hành nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng trong năm 2014.
|
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, qua phần trình bày về tác động của các chính sách đến kinh tế Việt Nam 2013 và triển vọng 2014 cuả bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã đề cập đến những nét lớn về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013, các cơ chế, chính sách được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, thành quả đạt được, cũng như các khó khăn, thách thức đặt ra đối với nền kinh tế. Bên cạnh phân tích định tính, các nghiên cứu đã sử dụng các công cụ định lượng để mô phỏng và dự báo các tác động của kinh tế thế giới và các chính sách của Việt Nam đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2014-2015.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, đã có 58.231 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012. Điều này phần nào cho thấy đã có nhiều nhà đầu tư hơn tham gia vào kinh doanh, thể hiện dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, mặc dù cần thêm thời gian để kiểm chứng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm 2013 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và thể hiện xu hướng tăng từ đầu năm đến nay. Trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là sản xuất xe có động cơ tăng 37%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 33%, sản xuất thiết bị điện tăng 27%. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp ngành này. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 ước tính tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, và có xu hướng giảm dần từ năm 2011 tới nay. Qua các chỉ số cấu thành chỉ số PMI cho thấy thị trường đầu ra của các doanh nghiệp được khảo sát bắt đầu có sự khởi sắc từ tháng 9 thông qua sự tăng lên của chỉ số số lượng đơn đặt hàng, cho thấy sự nỗ lực trong việc giới thiệu, tìm thị trường của các doanh nghiệp. Trong tình hình khó khăn hiện nay, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp cũng duy trì hoặc giảm giá bán sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo các đại biểu đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về hiệu quả của các chính sách, các tác động tích cực và tiêu cực đối với hoạt động doanh nghiệp; cũng như các cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay, tích lũy và phục hồi tăng trưởng và cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa... Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp chuẩn bị và nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng cởi mở và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Thêm đó, ban hành các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết hàng tồn kho nói chung, trong đó ưu tiên là tồn kho bất động sản đồng thời tạo sức lan tỏa sang các ngành khác như sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, máy móc...Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam về các vùng nông thôn, ngăn chặn quyết liệt hàng lậu, hàng giả. Đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù các bước cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện từ nhiều năm, nhưng tốc độ còn chậm và hiệu quả còn thấp. Vì thế, các chương trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa doanh nghiệp cần phải được Chính phủ chỉ đạo và thực hiện nhanh và mạnh hơn trong năm 2014.
|
Nguyên Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tiến sỹ Trần Tiến Cường phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Nguyên Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tiến sỹ Trần Tiến Cường trình bày cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 nhìn từ quá trình tái cơ cấu kinh tế. Tham luận này đi sâu phân tích và đánh giá các cơ hội trong nước và quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời chỉ ra những thách thức, không có sự chuẩn bị thì doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh được ngay tại thị trường trong nước. Ông Trần Tiến Cường cho biết, năm 2013, Việt Nam thành công trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện bằng tỉ lệ lạm phát thấp hơn năm 2012, tăng trưởng cao hơn năm 2012, cải thiện cán cân thương mại. Năm 2013, mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước cho thấy có dấu hiệu tăng trưởng so với mức tăng GDP cả năm 2012 là 5,25%. Sản xuất công nghiệp, xây dựng từng bước được phục hồi; khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá. Ước cả năm 2013 công nghiệp tăng 5,5%, nông-lâm-thuỷ sản tăng 2,81%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14-16%.
Vì vậy, năm 2014, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo điều hành đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quy định để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cả trước mắt và trong trung hạn. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
|
Bà Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển Doanh nghiệp – VCCI phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Cũng tại Hội thảo, đại diện cho Doanh nghiệp, bà Đoàn Thị Quyên nêu rõ thực trạng sản xuất kinh doanh, tác động của chính sách nhìn từ góc độ doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả thu nhận được từ phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp, tham luận phân tích những mặt được và chưa được của các chính sách trong năm 2013 và mong muốn cũng như dự báo của doanh nghiệp về khả năng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong năm 2014. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển được vay vốn, phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Qua đó, đẩy mạnh và thực thi quyết liệt lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu đặc biệt là tồn kho và nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm phát triển thị trường, đẩy mạnh các hoạt động phổ biến thông tin, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận và chuyển giao công nghệ phù hợp.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, một lần nữa khẳng định Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” mang lại những ý tưởng hữu ích cho trong quá trình phân tích, xây dựng, tư vấn chính sách cũng như thiết kế các cơ chế kiểm định, phản hồi, đánh giá hiệu quả và dự báo tác động của chính sách trong nền kinh tế Việt Nam. Trên tinh thần đó, Hội thảo này là diễn đàn để các vị chuyên gia, các nhà khoa học và quản lý sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận sâu sắc và cởi mở về tác động của các cơ chế chính sách đã ban hành đến phát triển kinh tế năm 2013, từ đó gợi mở những đề xuất, những hàm ý chính sách thiết thực cho công tác quản lý điều hành của Chính Phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan trong năm 2014, là năm được kỳ vọng các chính sách sẽ phát huy tác dụng, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới./.
Mai Phương Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|