Ngày 06/12/2013-16:19:00 PM
(MPI Portal) – Chiều 05/12, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức họp thường kỳ Hội đồng Khuyến khích Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2013 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các cơ quan là thành viên của Hội đồng.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã nhận định công tác trợ giúp phát triển DNNVV cần tập trung vào: hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho DNNVV phát triển, tạo bước đột phá để DNNVV tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tình hình hỗ trợ phát triển DNNVV năm 2013 và định hướng năm 2014. Ông Nguyễn Trọng Hiệu cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2013, GDP ước tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp IIP 9 tháng đầu năm 2013 ước tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển nhưng tốc độ chậm lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2013 ước đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Mặc dù khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng chính, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước năm 2013 cũng có dấu hiệu tăng nhẹ, ước đạt 35,9 tỷ USD, tăng 3%.
|
Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Về tình hình gia nhập, rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng năm 2013, cả nước có 64,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9%; 41,6 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 12,9%; 8,1 nghìn doanh nghiệp đã chính thức giải thể, tăng 1,5%, so với cùng kỳ năm 2012. Về số doanh nghiệp gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động trong 10 tháng đầu năm là 11.749 doanh nghiệp tính đến thời điểm 20/10/2013.
Tại nhiều địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có đóng góp cho ngân sách địa phương chiếm chưa đầy 50% trong tổng số doanh nghiệp còn hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ở một số địa phương ở mức cao, ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách, chỉ tiêu kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước. Thuế thu nhập doanh nghiệp nộp Ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2013 khoảng 135.440 tỷ đồng, chỉ bằng 93,10% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2013 của cả nước ước đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 đưa ra 8 nhóm giải pháp là hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DNNVV; Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV; Phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho DNNVV; Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho các DNNVV; Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV; Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DNNVV và Quản lý thực hiện kế hoạch.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra một số định hướng, giải pháp trợ giúp DNNVV. Công tác trợ giúp phát triển DNNVV trong thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, thực hiện hiệu quả và đúng tiến độ các nhóm giải pháp quy định tại Chương trình hành động trợ giúp phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015.
Tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, gia nhập và rút khỏi thị trường, tạo điều kiện, cơ chế cho các DNNVV, doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực về đất đai, về vốn, công nghệ để ổn định sản xuất phát triển kinh doanh. Tạo bước đột phá và có cơ chế để DNNVV tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay cho DNNVV. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam và hệ thống Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các địa phương, triển khai tổ chức thực hiện Quỹ Phát triển DNNVV.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của DNNVV. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV. Tiếp tục cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hình thành mạng lưới hệ thống thông tin hỗ trợ DNNVV để cung cấp thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV và các thông tin khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả điều phối thực hiện các hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV, tăng cường vai trò của Hội đồng Khuyến khích Phát triển DNNVV, tăng cường năng lực triển khai thực hiện xúc tiến, phát triển DNNVV ở cấp Trung ương và địa phương thông qua phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án tăng cường năng lực đơn vị thực hiện trợ giúp phát triển DNNVV./.
Mai Phương Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|