Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/11/2007-15:56:00 PM
Thông qua Hiến chương ASEAN

Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ 10 nước thành viên ASEAN đã ký phê chuẩn Hiến chương ASEAN. Sự kiện quan trọng này diễn ra vào lúc 13 giờ 40 hôm qua (20/11/2007) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 ở Singapore.
Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long là người đầu tiên đặt bút ký vào bản hiến chương, sau đó là thủ tướng các nước Thái Lan, Myanmar. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là người ký thứ tư. Tiếp theo là các nước Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Philippines. Thủ tướng Myanmar Thein Sein được giới báo chí chú ý nhiều nhất, bởi quốc gia này từng phản đối một số điều khoản trong bản Hiến chương trong thời gian diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Philippines hồi cuối tháng 7.2007 và những bất ổn tại quốc gia này trong thời gian gần đây.

Bản Hiến chương gồm 13 chương 55 điều sau khi được 10 nước ký thông qua đã chính thức "trao cho ASEAN, một tổ chức liên chính phủ, một tư cách pháp lý", như điều 3, chương III khẳng định. Từ nay, ASEAN sẽ là một tổ chức hoạt động theo luật lệ và việc đưa ra các quyết định được dựa trên cơ sở bàn thảo và đồng thuận. Hội nghị cấp cao hằng năm sẽ là nơi giải quyết những bất đồng mà cơ chế đồng thuận không đi đến kết quả.

Trong 15 mục tiêu mà ASEAN hướng đến xoay quanh các mặt an ninh, ổn định, hợp tác và xóa đói giảm nghèo..., một mục tiêu được coi rất thực tiễn là tạo ra một thị trường thống nhất và một nền tảng sản xuất ổn định, cạnh tranh và hội nhập trên cơ sở thuận lợi hóa thương mại và đầu tư vào năm 2015. Hiến chương cũng khẳng định ASEAN hoạt động trên nguyên tắc tối thượng là "tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, thống nhất lãnh thổ và bản sắc của các quốc gia thành viên" và "không can thiệp vào vấn đề nội bộ của một quốc gia", cũng như "tôn trọng các quyền tự do cơ bản, cổ vũ và bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội".

Với những mục đích và nguyên tắc hoạt động như vậy, điều 14 chương IV của bản Hiến chương đặt ra vấn đề thành lập một cơ quan nhân quyền, hoạt động trên phạm vi mà Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sẽ quyết định.

Chương X của bản Hiến chương cũng khẳng định lại ASEAN hoạt động theo phương châm "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng", có cờ, huy hiệu như hiện nay và sẽ có bài nhạc hiệu riêng. Ngày 8.8 hằng năm, nhân kỷ niệm sự kiện ASEAN được 5 nước đầu tiên thành lập tại Bangkok, Thái Lan (năm 1967) sẽ được lấy làm "Ngày ASEAN".

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong trả lời phỏng vấn với Kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore) và Hãng tin Reuters chiều 19.11 trước khi đặt bút ký văn kiện lịch sử này đã khẳng định: "Với 3 trụ cột chính: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng an ninh và Cộng đồng văn hóa - xã hội, Hiến chương ASEAN sẽ là khung thể chế để các nước trong ASEAN hợp tác hiệu quả cho mục đích hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung không chỉ của khối ASEAN, mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả cộng đồng quốc tế".
    Tổng số lượt xem: 1252
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)