Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Jonathan Aloisi khẳng định, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) là một hiệp định thành công của hai quốc gia và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua hiệp định này.
Phát biểu tại Hội thảo giới thiệu báo cáo “Đánh giá tác động 5 năm (2002-2006) của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đối với cơ cấu kinh tế, đầu tư và thương mại” tổ chức sáng 17/7, tại Hà Nội, ông Jonathan Aloisi đánh giá cao những tác động của BTA đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua và cho rằng, BTA không chỉ thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai nước mà còn tạo điều kiện khai thác đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Báo cáo được các chuyên gia trình bày tại hội thảo cho biết sau 5 năm triển khai thực hiện hiệp định này, thương mại là lĩnh vực có sự thay đổi tích cực và rõ nét nhất. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam qua Hoa Kỳ tăng 8 lần trong vòng 5 năm, chiếm khoảng 20% tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2006, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD (bao gồm cả đầu tư qua nước thứ ba) đứng thứ 6 trong 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt thông qua thực hiện BTA và hỗ trợ kỹ thuật của phía Hoa Kỳ (Cơ quan phát triển quốc tế USAIID) đã góp phần giúp Việt Nam xây dựng nhiều văn bản pháp luật quan trọng phù hợp những cam kết BTA.
Ý kiến ông Steve Parker, Cố vấn kinh tế cao cấp, dự án Hỗ trợ thúc đẩy thương mại (STAR) thì cho rằng, BTA đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với thị trường của Hoa Kỳ, đồng thời có điều kiện phát triển các mặt hàng truyền thống mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Ông Steve Parker cho biết, ngay sau khi hiệp định thương mại có hiệu lực, Hoa kỳ đã mở cửa thị trường Hoa Kỳ cho hàng xuất khẩu Việt Nam như giảm thuế suất trung bình đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ từ khoảng 40% xuống khoảng 4%; hiện đại hóa hệ thống phát luật và hệ thống thương mani của Việt Nam theo các thông lệ quốc tế và mở cửa các lĩnh vực của Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cạnh tranh mạnh hơn.
Song các chuyên gia cũng cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng cân bằng và nhanh chóng trong những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục cải cách pháp luật và thể chế;gia tăng hoạt động đầu tư trong khu vực tư nhân và nhà nước, đặc biệt chú trọng tới cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, đào tạo nghề và y tế, đồng thời đáp ứng thách thức khi hội nhập quốc tế.
Cùng chung với quan điểm với các chuyên gia Hoa Kỳ, ông Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là một báo cáo khá đầy đủ, khẳng định một điều BTA thực sự đã để lại dấu ấn rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Những bài học từ năm năm thực hiện BTA sẽ giúp cho Việt Nam nhìn nhận được một cách thực tế hơn các cơ hội và thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải khi gia nhập WTO./.