(MPI Portal) - Ngày 22/5/2014 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đã có buổi làm việc với Ngài Yvon Collin, Thượng nghị sĩ Pháp, thành viên Hội đồng Quản trị của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Tham dự buổi làm việc có Ngài Rémi Genevey, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, ông Rémi Lambert, Tham tán Công sứ Pháp, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Ngài Yvon Collin cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đã dành thời gian tiếp đón. Ngài Yvon Collin cho biết, Chính phủ Pháp luôn khẳng định sự ủng hộ Việt Nam trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt Pháp coi trọng phát triển gắn liền với đảm bảo công bằng và các chính sách phát triển kinh tế xã hội.
Pháp luôn dẫn đầu Châu Âu về mức hỗ trợ vốn ODA dành cho Việt Nam, nguồn vốn cung cấp chủ yếu là tín dụng ưu đãi với số vốn đạt 2,44 tỉ EUR. Mức vốn trung bình tăng đều qua các năm và đạt con số hơn 100 triệu EUR/năm kể từ năm 2002.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và các vấn đề mà Ngài Yvon Collin quan tâm. Thứ trưởng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực và đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Chuyển dịch từ kinh tế nhà nước sang khu vực tư nhân, tạo mọi điều kiện để phát huy vai trò của tư nhân thông qua việc tạo ra các điều kiện, chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang tập trung cải cách thể chế, pháp luật để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề mà Ngài Yvon Collin quan tâm rằng, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, như vậy có ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Trung cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Bởi Việt Nam ý thức được rằng, khi trở thành nước thu nhập trung bình đồng nghĩa với việc sự tài trợ quốc tế sẽ giảm và Việt Nam phải chủ động tìm các nguồn lực khác như phát huy tiềm năng vốn có; chuyển từ khai thác tiềm năng tĩnh sang tiềm năng động; triển khai một số mô hình mới trong nông nghiệp, nông thôn bằng công nghệ cao; sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các nhà tài trợ.
Về vấn đề giải ngân các dự án ODA, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch cụ thể cho vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang gặp một số vấn đề khó khăn trong việc triển khai dự án như giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính...
Về mô hình đầu tư theo đối tác công – tư (PPP), Thứ trưởng chia sẻ, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đang tập trung nghiên cứu, sửa đổi pháp lý liên quan đến đầu tư theo PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP nhằm thay thế Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO) và Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.Theo đó, Nghị định mới ban hành sẽ bảo đảm sự ổn định, tính pháp lý cao hơn, tính bảo hộ cũng được tăng lên và đồng thời, sẽ có khả năng thu hồi nguồn vốn nhanh cho các nhà đầu tư. Việt Nam mong muốn nhận được những đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Pháp liên quan đến lĩnh vực này.
Việt Nam mong muốn, Pháp tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam, ưu tiên tài trợ các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (cải tạo và nâng cấp các hệ thống cấp nước đô thị, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải), năng lượng sạch, đào tạo nghề, y tế, sản xuất nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu…
Về hình thức hợp tác, mở rộng các hình thức cung cấp ODA như cho vay ưu đãi, cho vay trực tiếp (AFD), hợp tác phi tập trung, mô hình PPPv..v. để đảm bảo tài chính cho các dự án.
Ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận (MoU) liên quan tới phát triển các khoản tài trợ không có bảo lãnh của Chính phủ của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam
|
Ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận (MoU) liên quan tới phát triển các khoản tài trợ không có bảo lãnh của Chính phủ của Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trungvà Ngài Yvon Collin, Thượng nghị sĩ Pháp, thành viên Hội đồng Quản trịAFD, Ngài Rémi Genevey, Giám đốc AFD tại Việt Nam, đã ký kết một Bản ghi nhớ thỏa thuận (MoU) liên quan tới phát triển các khoản tài trợ không có bảo lãnh của Chính phủ của AFD tại Việt Nam.
Bản Ghi nhớ thỏa thuận này quy định quy trình triển khai các khoản tài trợ không có bảo lãnh của Chính Phủ của AFD tại Việt Nam, bao gồm các khoản vay và viện trợ không hoàn lại được AFD cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Nhà nước Việt Nam không có bất kỳ bảo lãnh tài chính nào đối với các khoản tài trợ này. AFD hiện là cơ quan hỗ trợ phát triển duy nhất đề xuất loại hình tài trợ này.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Việc ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận phù hợp với mong muốn của nước Pháp, nâng mức hỗ trợ phát triển chính thức của Pháp cho Việt Nam lên một mức cao hơn và mở rộng các hình thức huy động tài chính mới phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước của Việt nam.
Hoạt động tài trợ không có bảo lãnh của Chính phủ sẽ cho phép tài trợ các chương trình, dự án đầu tư mà Chính phủ Việt Nam muốn triển khai trong các lĩnh vực có lợi ích chung vì sự phát triển cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đồng thời không làm tăng gánh nặng nợ công của Nhà nước Việt Nam.
Năm 2010, AFD đã cấp thí điểm một khoản vay trực tiếp đầu tiên trị giá 100 triệu USD cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xây dựng đập thủy điện Huội Quảng. Nhờ khung quy trình mới được Bản ghi nhớ thỏa thuận này quy định, AFD dự kiến tài trợ không có bảo lãnh của Chính phủ cho bốn dự án mới trong năm 2014, với tổng số tiền cam kết lên tới 113 triệu EUR./.
Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là cơ quan hỗ trợ phát triển chính thức chủ yếu của Pháp và đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994. Tổng mức cam kết hỗ trợ phát triển chính thức của AFD cho Việt Nam lên tới 1,5 tỷ EUR, cho 76 dự án. Trong 05 năm vừa qua, các cam kết trung bình hàng năm của AFD tại Việt Nam đạt mức khoảng 100 triệu EUR.
|
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư