Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/05/2014-13:05:00 PM
Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài
(MPI Portal) - Đây là nội dung của Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức sáng 16/5, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài; lãnh đạo các đơn vị trong Bộ như Cục Đầu tư nước ngoài, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Vụ Pháp chế; các chuyên gia kinh tế; đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21485147.JPG

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi vừa phải phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực cho đầu tư phát triển, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, trong chặng đường hơn 25 năm đổi mới, kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào năm 1987, dòng vốn FDI đã trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đã bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trực tiếp tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đồng thời, FDI cũng đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Thứ trưởng Đông cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thu hút và quản lý hoạt động FDI thời gian qua còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục, trong đó có những hạn chế liên quan đến các thủ tục hành chính về đầu tư - kinh doanh.“Vì vậy, việc rà soát, đánh giá đầy đủ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, nhất là những vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan khác, trên cơ sở đó hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư – kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về FDI”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Định hướng và giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI

Tại Hội thảo, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày nội dung về định hướng và giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.Tính đến 20/4/2014, cả nước có 16.323 dự án FDI của 101 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 237,6 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 116 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 54%; Bất động sản 20,8%; Nông, lâm, thủy sản 1,4%. Các đối tác dẫn đầu: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,….Riêng 10 quốc gia dẫn đầu chiếm 80% tổng vốn đăng ký.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21485148.JPG

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng tại Hội thảo
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã đưa ra những bất cập, hạn chế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài như tiền đề thu hút FDI (hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ,…) chưa tốt; hệ thống pháp luật, chính sách chồng chéo, mâu thuẫn; Thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng cam kết WTO và các điều kiện đầu tư; Một số quy định hiện hành chưa phù hợp: chính sách ưu đãi đầu tư, vấn đề lao động và quản lý lao động nước ngoài; Bất cập về công nghệ và chuyển giao công nghệ; Quy định về mua bán và sáp nhập DN chưa rõ ràng, khó thực hiện; Chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn; Cơ chế giải quyết tranh chấp chưa rõ ràng.

Từ những bất cập nêu trên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là cải thiện cơ sở hạ tầng; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Điều chỉnh quy định về công nghệ và chuyển giao công nghệ, cũng như nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

Làm rõ hơn các nội dung của dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

GS.TSKH Nguyễn Mại chia sẻ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 phải đặt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn sụt giảm so với mức bình quân 7%- 7,5% đã đạt được và so với tiềm năng có thể khai thác, vì thế cần phải tạo ra một số đột phá theo yêu cầu cải cách thể chế, để khắc phục được những khiếm khuyết hiện tại, tạo tiền đề để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21485149.JPG

GS.TSKHNguyễn Mại. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được hình thành theo nguyên tắc“Doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vận dụng nguyên tắc này như thế nào trong việc quy định một số điều khoản có liên quan đến đầu tư và kinh doanh để thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm hiệu năng quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Giáo sư cũng nhấn mạnh, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng cần quán triệt phương châm “tự do hóa thương mại và đầu tư” trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế có liên quan đến việc dỡ bỏ dần rào cản về thuế quan và phi thuế quan, hài hòa hóa thủ tục hải quan xuyên biên giới.

Về việc quy định ngành nghề trong giấy phép đăng kinh doanh trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần giữ lại việc đăng ký ngành nghề kinh doanh khi doanh nghiệp kinh doanh/đầu tư theo Hệ thống ngành kinh doanh Việt Nam 2007. GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải xử lý đồng thời hai nhược điểm chủ yếu của Luật hiện hành, thứ nhất là chưa hình thành được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp được quyền tự chủthực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư. Thứ hai là còn nhiều kẽ hở về luật pháp nên vừa không bảo vệ được hành vi kinh doanh chân chính, vừa bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động bất chính.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày các ý kiến về nội dung sửa đổi của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21485150.JPG

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự ghi nhận các nội dung được bổi sung, sửa đổi của hai dự thảo Luật nói trên. Các nội dung được trao đổi tại Hội thảo tập trung các vấn đề về khái niệm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến tỷ lệ sở hữu và thương quyền, bỏ quy định ngành nghề trong Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh, tách Giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, các quy định hậu kiểm đối với doanh nghiệp và dự án đầu tư, bảo vệ cổ đông thiểu số trong Luật Doanh nghiệp, các quy định về ưu đãi đầu tư và bảo đảm đầu tư…

Các ý kiến đóng góp của đại biểu trong Hội thảo sẽ được các Ban soạn thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu vào các dự thảo luật để trình Chính phủ và Quốc hội./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1451
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)