(MPI Portal) - Ngày 21/11/2013, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc với đoàn Hiệp hội ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) do ông Nakagaki Yoshihiko, Phó Chủ tịch Hiệp hội FEC làm trưởng đoàn.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, FEC là một tổ chức xã hội có vị trí hết sức quan trọng, có nhiều tập đoàn doanh nghiệp Nhật Bản và là chính thể trong việc hình thành kinh tế Nhật Bản. Việt Nam đánh giá cao hoạt động của Hiệp hội và mong muốn có những thảo luận mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Cảm ơn sự đón tiếp thân tình của Bộ trưởng với Đoàn FEC, Phó Chủ tịch FEC ông Nakagaki Yoshihiko đã đưa ra một số quan điểm cần triển khai trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo ông, để công nghiệp hóa (CNH) đất nước, phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và phát triển vững chắc công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, liên doanh để phát triển hơn nữa cung ứng nguyên liệu cho phát triển.
Ông Nakagaki Yoshihiko cho rằng, để đẩy nhanh tốc độ CNH cần quan tâm đến vấn đề nguồn lực, đặc biệt kỹ thuật viên có tay nghề. Việt Nam cần mở các trường đào tạo nghề, cơ giới hóa nông nghiệp và nâng cao năng xuất lao động cho người nông dân. Việt Nam cần phải tiến hành song song CNH, HĐH và cơ giới hóa nông nghiệp. Ngoài ra, vấn đề nông sản, trong đó lúa gạo là mặt hàng chủ lực, Việt Nam cần nâng cao năng xuất, chất lượng của sản phẩm này và tăng thêm thu nhập cho người nông dân.
Ông cũng cho rằng, các chính sách về nông nghiệp của Việt Nam nên đưa người nông dân làm chủ thể. Việt Nam cần vận dụng nội lực, sức mạnh của người nông dân, đào tạo các kỹ thuật viên có trình độ, quản lý về nông nghiệp.
Vấn đề quan trọng nữa khi triển khai bất kỳ vấn đề CNH, cơ giới hóa nông nghiệp nào là cung cấp điện ổn định. Để cải thiện vấn đề cung cấp điện năng, Việt Nam cần có lộ trình tăng giá điện hợp lý.
|
Phó Chủ tịch Hiệp hội FEC ông Nakagaki Yoshihiko tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Cảm ơn những đề xuất cụ thể của ông Nakagaki Yoshihiko, Bộ trưởng cho rằng, các quan điểm của ông rất phù hợp với mong muốn của Việt Nam, song song với sự phát triển của 6 lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược, Việt Nam cần chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Bộ trưởng, vấn đề CNH ở Việt Nam cần có nhiều quan điểm đổi mới hơn, 6 lĩnh vực nêu trong Chiến lược là những ngành Nhật Bản có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa phải là lĩnh vực cần thiết nhất cho Việt Nam. Nông nghiệp là ngành trụ cột của Việt Nam trong những năm khó khăn với 42% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và là lĩnh vực duy nhất Việt Nam xuất siêu. Do đó, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp có giá trị cao nhưng những năm qua nông nghiệp Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức. Trong chiến lược CNH Việt Nam – Nhật Bản có 2 lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp là chế biến nông, thủy sản và máy nông nghiệp, 2 lĩnh vực chính phục vụ cho phát triển nông nghiệp nên Chiến lược đã đi bằng cả hai chân nông nghiệp và công nghiệp.
Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện được Chiến lược này, Việt Nam cần quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư vào kết cấu hạ tầng nông nghiệp, các chính sách phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, đặc biệt áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp để nâng cao năng xuất, thay sản xuất nông nghiệp manh mún bằng máy móc hiện đại.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam yếu kém là chế biến nông sản. Việt Nam trong nhóm đứng đầu về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu nhưng tất cả các sản phẩm đều là xuất thô, chính vì vậy trong hợp tác Việt Nam – Nhật Bản cần có lĩnh vực chế biến nông sản, một lĩnh vực hết sức quan trọng.
Chung quan điểm với ông Nakagaki Yoshihiko về vai trò quan trọng của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam cần có các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi trong nông nghiệp, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp là một thế mạnh của Nhật Bản nên đây sẽ là lĩnh vực hợp tác tốt Việt Nam – Nhật Bản trong tương lai.
Theo Bộ trưởng, ba điều kiện để thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đó là Nhật Bản là nước công nghiệp hiện đại, phát triển từ một nước nông nghiệp sang công nghiệp và có chung nền văn hóa của người Á Đông.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn đổi mới mạnh mẽ về thể chế kinh tế, nòng cốt là xây dựng nền kinh tế thị trường triệt để nên Việt Nam cần phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Bộ trưởng tin tưởng rằng, Chiến lược hợp tác Việt Nam – Nhật Bản sẽ là điểm sáng trong chiến lược CNH của Việt Nam./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư