Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/06/2013-10:58:00 AM
Phương pháp lựa chọn và ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm
(MPI Portal) – Ngày 27/6/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo Phương pháp lựa chọn và ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Paul Vallely, Trưởng Ban Giao thông, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và đại diện các Ủy ban Ngân sách Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và các Bộ, ngành.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung khẳng định nhu cầu đầu tư của Việt Nam cho kết cấu hạ tầng là rất lớn. Với 11 ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 của Việt Nam, Phương pháp sẽ tập trung vào 6 ưu tiên là tái cơ cấu nền kinh tế để cải thiện chất lượng và tính cạnh tranh; Phát triển các ngành kinh tế và các ngành công nghiệp; Phát triển văn hóa, công bằng xã hội và bảo trợ xã hội; Bảo vệ môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu; Phát triển vùng và các khu vực đô thị, nông thôn một cách bền vững; Huy động và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại. Để có thể được cân nhắc thẩm định, một dự án hạ tầng cơ sở được lựa chọn phải tương thích với ít nhất ba ưu tiên quốc gia.
Tại Hội thảo, Ông Paul Vallely cho biết,việc lập kế hoạch chiến lược theo hình phễu với tầng trên cùng là các ưu tiên chiến lược với các ưu tiên chủ yếu xuyên suốt áp dụng cho tất cả các ngành và tất cả các dự án, tầng tiếp theo là tiêu chí đặc trưng của ngành tiếp theo lựa chọn và đường dẫn dự án hạ tầng cơ sở của Việt Nam.
Ông Cledan Mandri-Perrott, Trưởng Ban Tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Singapore. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Theo ông Cledan Mandri-Perrott, Trưởng Ban Tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Singapore cho rằng, dựa trên thực tiễn tốt của quốc tế, 4 nguyên tắc chính cần dẫn dắt phương pháp luận cho Việt Nam là tuân thủ các mục tiêu và ưu tiên chiến lược của Việt Nam; Dựa vào dữ liệu có chất lượng và các công cụ phân tích chặt chẽ; Minh bạch, rõ ràng và có thể kiểm chứng được; Liên kết tất cả các bên liên quan.
Nhóm các dự án vào các ngành là hoạt động lập ưu tiên chủ đạo: hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp năng lượng; thủy lợi; đối phó với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị; hạ tầng cơ sở khu công nghiệp; hạ tầng cho thương mại và buôn bán; hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và viễn thông; hạ tầng cho giáo dục và đào tạo. Trong đó, hạ tầng giao thông sẽ tập trung vào đường bộ và đường ô tô.
Giai đoạn đánh giá sẽ đánh giá tác động kinh tế tạo tăng trưởng cho các ngành, duy trì thương mại, tạo việc làm và tính bền vững của dự án, xúc tác cho các đầu tư khác; Đánh giá tác động xã hội và môi trường là đánh giá lợi ích cho cộng đồng, cải thiện thu nhập, sức khỏe, hội nhập, tăng trưởng toàn diện, tiếp cận nông thôn, các tác động đến môi trường.
Tiếp theo, đánh giá khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng sống còn: nếu dự án không thể bền vững dựa trên nguồn thu phí sử dụng, liệu có thể được cung cấp tài chính qua các nhà đầu tư tư nhân, các thị trường vốn và các phương tiện khác.
Đánh giá chi phí tổng giá trị của các dự án trong ngành phải trong phạm vi ngân sách, trừ khi bản thân dự án có ngân sách riêng. Sử dụng một thang điểm đơn giản để đánh giá và cho phép một người sử dụng truyền đạt những ý kiến xét đoán một cách đơn giản, chẳng hạn như trên thang điểm từ 1 đến 5. Có thể có 3 cách lập thang điểm đánh giá là định chuẩn, xếp thứ tự, đánh giá kỹ thuật.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Cuối cùng là giai đoạn lựa chọn. Hai phương pháp có thể dùng cho việc đặt ưu tiên và lựa chọn các lĩnh vực cụ thể là trình bày biểu đồ ma trận hoặc lượng hóa điểm kinh tế - xã hội và môi trường. Phương pháp 2 là xếp hạng, sau khi đánh giá từng dự án, chính phủ có thể tiến hành so sánh kết quả và xếp hạng. Tuy nhiên, theo phương pháp này thì giá trị dự án và lợi ích kinh tế không dễ nhận thấy ngay từ đầu. Phương pháp này vẫn chưa thể hiện được các quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các dự án./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2088
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)