(MPI Portal) - Bối cảnh nền kinh tế thế giới chậm phục hồi kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008 với nhiều biến động khó lường đã tác động tiêu cực đến các nước dựa nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Tuy nhiên với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội đã đưa Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp. Vị thế mới này đem đến cho Việt Nam những cơ hội phát triển tốt đồng thời cả những thách thức khi phải đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”.
|
Nâng cao hiệu quả viện trợ vì sự phát triển bền vững.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Diễn đàn Hiệu quả Viện trợ (AEF) lần thứ 7 đã đánh giá bối cảnh và cơ hội hợp tác phát triển của Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế, trong đó vẫn nhấn mạnh vai trò của hình thức hỗ trợ phát triển chính thức ODA trong phát triển bền vững và tránh “bẫy thu nhập trung bình” cho Việt Nam.
Bối cảnh mới của Việt Nam đã dẫn đến nhiều thay đổi trong chính sách hợp tác phát triển, trong đó cần nhấn mạnh đến những thay đổi cốt lõi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các yếu tố trong chính sách phát triển của Việt Nam. Một số nhà tài trợ song phương sẽ chuyển từ hình thức hợp tác phát triển chính thức với Việt Nam sang hỗ trợ trực tiếp thông qua phát triển hình thức quan hệ đối tác. Những thay đổi về chính sách viện trợ này kéo theo lượng vốn ODA không hoàn lại và ODA vay ưu đãi có xu hướng giảm dần, trong khi đó các khoản vay kém ưu đãi có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, phân công công việc và bổ trợ giữa các đối tác phát triển dựa trên lợi thế so sánh sẽ được đẩy mạnh. Viện trợ, thương mại và đầu tư có mối liên kết chặt chẽ hơn, thu hút nhiều hơn các tổ chức xã hội nhân dân tham gia vào các chương trình phát triển. Trong bối cảnh các khoản viện trợ quốc tế giảm hoặc kém ưu đãi hơn, khu vực tư nhân có nhiều cơ hội tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng, chủ yếu theo hình thức PPP. ODA và các khoản vay ưu đãi sẽ được chuyển dần sang chủ yếu hỗ trợ các mục tiêu phát triển xã hội, cộng đồng như phòng chống HIV/AIDS, tăng trưởng xanh hay ứng phó biến đổi khí hậu…
|
Ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Nguồn vốn ODA và vốn vay kém ưu đãi là một trong những nguồn tài chính phát triển, do đó việc sử dụng các nguồn này cần tính đến các lợi thế so sánh và bổ trợ giữa các nguồn vốn vay này với các nguồn vốn đầu tư phát triển khác nhằm tối đa hóa các lợi ích kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm nợ công bền vững. Trong bối cảnh vốn vay ODA sẽ giảm mạnh, Việt Nam cần điều chỉnh lại các định hướng ưu tiên nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay này cho mục tiêu phát triển. Theo ý kiến của ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại diễn đàn AEF, ODA viện trợ không hoàn lại cần được ưu tiên sử dụng để hỗ trợ giảm nghèo; các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục…; phát triển thể chế và nguồn nhân lực; phát triển khoa học và kỹ thuật; chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ… Vốn ODA ưu đãi sẽ được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm, đặc biệt là những dự án không có khả năng thu hồi vốn và thuộc nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước. Thêm vào đó, các khoản vay kém ưu đãi sẽ được sử dụng để đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia; các dự án có nguồn thu và có khả năng thu hồi vốn như các nhà máy điện, đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, hệ thống viễn thông, các dự án công nghệ cao,…
Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ODA ưu đãi, các nhà tài trợ đều thống nhất rằng Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực tạo ra một môi trường đáng tin cậy, thẳng thắn và cởi mở với các điều kiện thuận lợi để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ và các nhà tài trợ thông qua việc đổi mới chương trình nghị sự và nội dung đối thoại chính sách phát triển ở cấp quốc gia và cấp ngành, gắn viện trợ với hiệu quả phát triển. Bên cạnh đó, nhằm thu hút sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các chương trình phát triển, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA và vốn vay kém ưu đãi theo các hình thức khác nhau như vay tín dụng, tham gia thực hiện dự án, đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP trên cơ sở chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa Nhà nước và khu vực tư nhân. Quan trọng là phải đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi, thông qua tăng cường các hoạt động theo dõi và đánh giá các giai đoạn của dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.
Sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế thông qua nguồn vốn ODA luôn là cần thiết cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư