(MPI Portal) – Ngày 20/9/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương và tham gia của lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, đại diện các Bộ, ngành và các địa phương vùng Tây Nguyên.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, trong những năm qua thực hiện chủ trương của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động như đầu tư, hỗ trợ ngân sách nhà nước, thuế, tín dụng, phát triển nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến… trong đó quy định trình tự thủ tục, ưu đãi cụ thể đối với từng lĩnh vực, địa bàn và phạm vi. Các văn bản này đều banhành trong những năm gần đây nên đã cập nhật và bổ sung được các quy định mới theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, các chính sách về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo như Chương trình 30a, hỗ trợ huyện nghèo bằng 70% huyện 30a, xã và thôn bản đặc biệt khó khăn… cũng được quan tâm đầu tư trên địa bàn vùng Tây Nguyên.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020 sẽ tập trung vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình thủy điện nhỏ công suất dưới 30kw, điện mặt trời, điện chạy bằng sức gió, điện chạy bằng năng lượng tái tạo khác để cung cấp trực tiếp cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù khó khăn hoặc vùng chưa có điều kiện sử dụng lưới điện quốc gia.
Đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới, phù hợp với địa phương hoặc công nghệ thích hợp, công nghệ sinh học trong sản phẩm nông nghiệp từ rau, hoa, củ, quả, hạt, bông, thịt, trứng, sữa, cá, sản phẩm từ công nghiệp từ gỗ rừng trồng.
Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của vùng Tây Nguyên. Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương có trách nhiệm huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực nhà nước do mình quản lý, tư nhân, các thành phần kinh tế khác để ưu tiên tập trung phát triển hệ thống thủy lợi để chủ động tưới tiêu, phục vụ đời sống và sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối nội vùng Tây Nguyên, giữa vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm như tuyến Quốc lộ 14, 14C, 19, giải quyết triệt để vấn đề ổn định dân di cư tự do, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Một số cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho cộng đồng, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân đầu tư, phát triển năng lượng được hưởng ưu đãi áp dụng tín dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định hoặc được hỗ trợ tối đa 50% lãi suất tiền vay nhưng không quá 6%/năm tính trên số tiền vay thực tế giải ngân khi vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư; thời gian hỗ trợ tối đa không quá 07 năm tính từ ngày ký hợp đồng vay vốn; thời gian kết thúc hỗ trợ lãi suất tiền vay chậm nhất ngày 31/12/2020.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới phù hợp với địa phương hoặc công nghệ thích hợp, công nghệ sinh học được hưởng ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định hoặc hỗ trợ tối đa 50% lãi suất tiền vay nhưng không quá 6%/năm tính trên số tiền vay thực tế giải ngân khi vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư; thời gian hỗ trợ tối đa không quá 07 năm tính từ ngày ký hợp đồng vay vốn; thời gian kết thúc hỗ trợ lãi suất tiền vay chậm nhất ngày 31/12/2020.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đặc thù trong trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ hộ nghèo để nâng cao đời sống đến năm 2020.
Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đều cơ bản, thống nhất với các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nên mở rộng địa bàn áp dụng với một số vùng giáp Tây Nguyên. Không nên khuyến khích, ưu đãi chính sách để xây dựng các công trình thủy điện nhỏ và cơ chế hỗ trợ Tây Nguyên phải có mặt bằng chung với cả nước…
Về nguồn vốn thực hiện, ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù bao gồm cả cấp bù lãi xuất. Hàng năm Trung ương bố trí không thấp hơn 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư hỗ trợ theo mục tiêu từ ngân sách trung ương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt. Trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách địa phương, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để thực hiện các quy định này./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư