|
Phó Chủ tịch, Chuyên gia Kinh tế Trưởng của WB Kaushik Basu phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại buổi tiếp, ông Kaushik Basu đã trao đổi về Đề án cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam, mục tiêu chiến lược của WB, triển vọng kinh tế toàn cầu, từ đó đưa ra gợi ý cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ông Kaushik Basu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Việt Nam có nền chính trị ổn định, là điều kiện tốt để phát triển kinh tế. Đối với việc giảm nghèo, trên cơ sở kinh nghiệm của Ấn Độ, Việt Nam cần lựa chọn hình thức trợ cấp phù hợp, tránh các hình thức trợ cấp gây méo mó thị trường và thất thoát nguồn lực.
Bước vào kỳ IDA 17 (nguồn vốn cho vay rất ưu đãi của Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2014-2017), Nhóm các Tổ chức thuộc WB (WBG) đã xây dựng một Chiến lược mới với hai mục tiêu là chấm dứt nghèo cùng cực trong vòng một thế hệ và thúc đẩy thịnh vượng chung. Theo Chiến lược, WBG sẽ phối hợp nhằm giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu này một cách bền vững.
Mục tiêu kép về sứ mệnh mới của WB: giảm nghèo cùng cực xuống còn 3% vào năm 2030; chia sẻ lợi ích chung thông qua việc nâng cao thu nhập cho 40% dân số nghèo nhất tại tất cả các quốc gia.
Củng cố hệ thống quốc gia: sử dụng nhiều hơn hệ thống, chính sách của các quốc gia WB, giảm chi phí giao dịch và các chi phí trung gian khác.
“Một nhóm WB”: phối hợp các nguồn vốn IDA/(Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD)/ Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC)/ Cơ quan bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA) thành một nguồn vốn để huy động tài trợ cho các chương trình, dự án; hỗ trợ tăng cường vai trò khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, WB sẽ tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và cung cấp dịch vụ công; tăng cường quản lý theo kết quả, đảm bảo hiệu quả đầu tư – chi phí,… Đối với các quốc gia chuẩn bị tốt nghiệp IDA như Việt Nam, WB mong muốn bên cạnh việc đầu tư cho các dự án có hiệu quả kinh tế - tài chính cao, có khả năng thu hồi vốn, cần quan tâm đầu tư cho các dự án trong các lĩnh vực xã hội, xóa đói giảm nghèo.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc trợ giá một số mặt hàng và phân phối lương thực cho người nghèo. Được sự hỗ trợ của WB, Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại.
WB đang thực hiện hai mục tiêu kép giảm nghèo cùng cực và tối ưu hóa kết quả phát triển cho người nghèo tại Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm và chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam, đó là tập trung mọi nguồn lực cho giảm nghèo nhanh và bền vững.
Giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả như tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm nhanh, trên 2%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia, nếu tính cả yếu tố lạm phát: 1,43%/năm (2011-2013), 1,2%/năm (2006-2010); Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được xây dựng đồng bộ nhằm tác động đa chiều đến mọi mặt đời sống của người nghèo; Đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện các chương trình/dự án.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao.
Nguồn lực cho giảm nghèo vẫn chưa khai thác, phát huy được nội lực của người dân và chính người nghèo có quan điểm trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại ở một số địa phương. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, hạn chế đến việc huy động nguồn lực cho giảm nghèo ở các doanh nghiệp.
|
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ xây dựng chuẩn nghèo quốc gia dựa trên thông lệ quốc tế và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách. Đồng thời, dự kiến chỉ sử dụng một số liệu chung ở cấp quốc gia do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều tra và công bố.
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung, hoàn tiện các chính sách giảm nghèo hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; giảm dần hình thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm hạn chế tái nghèo. Đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững. Tăng cường phân cấp, giao quyền cho địa phương và cộng đồng dân cư trên cơ sở đổi mới phương thức lập và giao kế hoạch hàng năm sang kế hoạch trung hạn (3 đến 5 năm). Tổ chức tốt việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn; đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu giảm nghèo./.
|