Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/09/2013-16:56:00 PM
Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5,14%
(MPI Portal) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5,14% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,02%; dịch vụ tăng khoảng 6,25%.
Số liệu này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tại buổi họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 9 năm 2013 được tổ chức vào ngày 24/9, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu tham dự và chủ trì buổi họp. Tham dự buổi họp có đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư 9 tháng là việc làm quan trọng, cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Tại buổi họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo một số nét chủ yếu về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư 9 tháng đầu năm 2013.
Họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 9 năm 2013 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Theo đó, về sản xuất công nghiệp, 9 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) toàn ngành tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Nhìn chung, chỉ số IPI (tính theo gốc năm 2010) có chiều hướng cải thiện dần qua những tháng đầu năm 2013: 3 tháng đầu năm tăng 4,9%; 6 tháng tăng 5%; 9 tháng tăng 5,4%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng trưởng cao ở điện cấp phục vụ công nghiệp và xây dựng; và tăng trưởng ổn định ở ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải so với cùng kỳ năm 2012.
Về sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp không ít khó khăn do thời tiết phức tạp. Bên cạnh đó, giá bán nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm chăn nuôi, thủy sản ở mức thấp trong khi nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Điều này gây khó khăn cho ngành chăn nuôi nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước đã phần nào ảnh hưởng đến khu vực dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2013. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 6,2% so với cùng kỳ năm 2012. Hiện khu vực này vẫn có mức đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP. Trong đó, một số lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá như: dịch vụ thông tin và truyền thông, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ vận tải và kho bãi.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 58,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ và chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hoạt động nhập khẩu, tính chung 9 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 96,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 54,5 tỷ USD, tăng 24,8%. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.
Về tình hình thu chi ngân sách 15 ngày đầu tháng 9 năm 2013 cơ bản không biến động nhiều so với cùng kỳ tháng trước.
Liên quan đến đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm 2013 là 755,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Về thu hút vốn ODA, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết 9 tháng đầu năm 2013 đạt 4.593 triệu USD, tăng 8,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm 2013, tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đối với các dự án, chương trình do JICA (Nhật Bản) và WB tài trợ. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 3.130 triệu USD.
Tuy nhiên, xét tổng thể về việc thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn. Mức độ giải ngân không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương. Mức độ giải ngân khá ở các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính lũy kế đến ngày 20/9/2013, cả nước có 872 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 9.294 triệu USD, bằng 92,7% về số dự án và 134,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong 9 tháng đầu năm 2013 là 444 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm là 5.711,2 triệu USD, bằng 76,6% về số dự án và bằng 137,9% về vốn so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực FDI tiếp tục đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2013 của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 12,4 tỷ USD (đóng góp hơn 95% kim ngạch tăng thêm). Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2013 của khu vực FDI là 24,8% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (15,5%) của cả nước.
Về phát triển doanh nghiệp, trong Quý III năm 2013 có 19.323 doanh nghiệp thành lập, đăng ký mới với số vốn đăng ký là 87.798 tỷ đồng, giảm 16,7% về số doanh nghiệp và 23,1% về số vốn đăng ký so với Quý II năm 2013. Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 58.231 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 281.359 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2012 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8%, tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm 21,6%.
Trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 6.742 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2013 là 11.299 doanh nghiệp.
Cũng tại buổi họp đại diện các Bộ, ngành và địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tổng Công ty cao su Việt Nam, Tổng Công ty thép Việt Nam cùng đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội đã đánh giá khái quát về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành và địa phương. Từ đó, đưa ra kiến nghị nhằm ổn định kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất phát triển và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đánh giá chung, tình hình sản xuất công nghiệp có chiều hướng cải thiện; khu vực dịch vụ tiếp tục sôi động. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Các nội dung tập trung thảo luận tại Buổi họp liên quan đến tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 của các nguồn vốn; các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu./.
Tùng Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1162
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)