Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/05/2014-12:03:00 PM
Dự thảo Luật Đầu tư công dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
(MPI Portal) - Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, 3 Nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21545147.JPG

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

Các dự án luật dự kiến được thông qua trong đó có Luật Đầu tư công gồm 6 chương, 109 điều. Dự án Luật Đầu tư công được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng từ năm 2007. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tháng 10 năm 2013, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến.

Chiều ngày 24/5, Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII dự thảo Luật Đầu tư công đã được đa số đại biểu đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo đồng thời cho rằng, đầu tư của nhà nước có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Để giảm thiểu lãng phí trong đầu tư công, một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã có quy định về trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư, tuy nhiên cần quy định trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư ngay cả khi dự án đã được đưa vào vận hành.

Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu đầu tư công, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị việc ban hành Luật Đầu tư công là vấn đề cấp bách hiện nay.

Nhằm nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật và cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã thể hiện được tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư công như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật khác có liên quan. Theo đó, Luật Đầu tư công điều chỉnh về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và cùng với các luật chuyên ngành khác tạo nên một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư công.

Dự thảo Luật đã quy định theo hướng nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công, từ khâu phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Theo quy định của dự thảo Luật, mọi đối tượng sử dụng vốn đầu tư công, kể cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều được điều chỉnh trong Luật này.

Cho ý kiến về tiêu chí phân loại dự án đầu tư nhóm A, B,C, nhiều đại biểu đồng tình với việc bổ sung các quy định. Luật Đầu tư công muốn thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch thì cần có các tiêu chí phân loại cụ thể, rõ ràng.

Tán thành với các nguyên tắc quản lý đầu tư công như căn cứ vào tổng thể nền kinh tế - xã hội, chiến lược kinh tế - xã hội..., bên cạnh đó có ý kiến đề nghị Dự thảo cần quan tâm, quy định đậm nét hơn nguyên tắc là căn cứ vào quy hoạch vùng kinh tế, đây là cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư có hiệu quả, khắc phục dàn trải, loại bỏ cơ chế xin cho.

Để cụ thể về hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án; kế hoạch đầu tư trung hạn; công khai, minh bạch và giám sát cộng đồng trong đầu tư công cũng được nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Để làm rõ hơn, cụ thể hơn về giám sát đầu tư của cộng đồng, cùng với những quy định được nêu tại hai Điều 80 và 81 của Dự thảo, những quy định liên quan đến vấn đề này được quy định tại các chương, điều khác của dự thảo Luật đã đáp ứng được yêu cầu triển khai minh bạch quá trình đầu tư công, góp phần tích cực vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng thống nhất với quy định mới, chặt chẽ của dự thảo Luật về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án (Điều 38). Dự thảo Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới cần được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình cao quy định trong dự thảo Luật về triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn (5 năm). Theo quy định của dự thảo Luật, điều kiện để các dự án, chương trình được đưa vào danh mục dự án của Kế hoạch đầu tư trung hạn là phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn trên cơ sở mức độ ưu tiên, tính cấp thiết và khả năng cân đối nguồn vốn. Kế hoạch đầu tư trung hạn mang tính tổng thể, bao quát hoạt động đầu tư của Nhà nước, hạn chế việc đầu tư dàn trải, chia nhỏ dự án và tình trạng vừa thi công vừa hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn cũng bảo đảm cho hoạt động đầu tư công được khoa học, chính xác và chặt chẽ hơn, các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước được ổn định, đồng thời tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để chủ động ra quyết định chủ trương đầu tư chính xác, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung một số quy định cần làm rõ trách nhiệm bồi thường cá nhân để đảm bảo tính chặt chẽ hơn khi đi vào thực hiện.

Dự thảo Luật cần có quy định thể hiện rõ tính gắn kết giữa thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu địa phương để chấn chỉnh sai phạm trong đầu tư công, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn Nhà nước. Ngoài ra, dự thảo Luật cần thể hiện đậm nét hơn trách nhiệm cá nhân liên quan đến tư vấn thiết kế, thẩm định thiết kế.

Các Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ hơn khái niệm “hiệu quả đầu tư công” và thể hiện sự phối hợp chặt chẽ với các luật khác để quá trình thực hiện, giám sát đầu tư công thật sự hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đa số các ý kiến Đại biểu đều tán thành Quốc hội sớm thông qua dự án Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, để sớm có cơ sở pháp lý khắc phục thực trạng đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải như hiện nay./.

Đức Trung
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1974
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)