(MPI Portal) - Ngày 28/5/2014, tại Hà Nội, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning và Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ông Nguyễn Xuân Hồng, đã ký kết Chương trình đảm bảo chính thức để xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam sang New Zealand. Lãnh đạo từ Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao của Việt Nam cũng tham gia chứng kiến Lễ ký.
Phát biểu tại Lễ ký, Ngài Haike Manning cho rằng, Việt Nam hiện là quốc gia đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu thanh long sang New Zealand vì New Zealand hiện không nhập khẩu quả thanh long từ các quốc gia khác. Ngài Haike Manning mong muốn, những lô hàng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam sẽ sớm cập cảng New Zealand để người tiêu dùng có thể bắt đầu được thưởng thức loại quả miền nhiệt đới thơm ngon này.
Năm 2011, quả xoài của Việt Nam đã được cấp phép để xuất khẩu sang New Zealand và hiện các nhà chức trách New Zealand đang xem xét việc cho phép nhập khẩu quả chôm chôm vào New Zealand.
Dự án phát triển giống cây hoa quả mới chất lượng cao, được tài trợ bởi Chương trình Viện trợ New Zealand, đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển cho ngành trồng thanh long của Việt Nam. Các chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Việt Nam đã tìm ra phương pháp hạn chế bệnh đốm trắng trên quả thanh long, căn bệnh phổ biến ở nhiều nước Châu Á. Các phương pháp này sẽ được áp dụng trên toàn Việt Nam.
Một thành tựu khác ngoài mong đợi là Dự án đã giúp bảo vệ pháp lý cho giống thanh long đặc biệt (LD5) và chuyển nhượng quyền sử dụng giống cho một trang trại thương mại là thành công bước đầu ngoài sự mong đợi. Đây là lần đầu tiên một giống cây trồng của Việt Nam đã được bảo vệ pháp lý, và chứng tỏ vớithị trường rằng những giống cây được bảo vệ sẽ đạt chất lượng sản phẩm cao. Các giống thanh long mới đang được các chuyên gia của Dự án phát triển cũng sẽ có đặc tính kháng bệnh đốm trắng.
Các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam sang New Zealand cũng khá phong phú. Thực phẩm và đồ uống như dừa, cà phê, các loại động vật giáp xác như tôm – cua được nhập khẩu từ Việt Nam sang New Zealand cũng tăng dần. Những mặt hàng nhập khẩu khác sang New Zealand như điện thoại, điện thoại di động, và máy tính cũng lần lượt tăng 125% và 242% so với cùng kỳ năm trước.
Nông sản là những sản phẩm quan trọng trong trao đổi thương mại giữa hai nước. Mặt hàng xuất khẩu chính của New Zealand sang Việt Nam là các sản phẩm từ sữa (52%), tiếp theo là các sản phẩm gỗ (13%)./.
Thương mại là lĩnh vực quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam – New Zealand. Cuối năm 2013, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng từ 761,7 triệu lên 926,8 triệu đô la mỹ, tăng 21,7% so với năm 2012.
|
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư