Ngày 16/4, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết để thành phố đạt được mục tiêu tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2015, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30% tổng GDP, thành phố đã xác định phát triển công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là ngành then chốt để đạt được mục tiêu trên.
Do vậy, thành phố đặt doanh nghiệp hỗ trợ công nghệ cao trong nước làm trọng tâm để đưa ra các chính sách ưu đãi khi tham gia chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Chia sẻ về sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đánh giá hiện ngành công nghiệp sản xuất linh phụ kiện phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đã hình thành nhưng mới ở giai đoạn đầu phát triển.
Hiện tại, sản phẩm cung ứng cho công nghiệp công nghệ cao thường là đơn chiếc với chủng loại hạn chế, số lượng ít; các loại linh phụ kiện đặc thù, trang thiết bị, công cụ phục vụ nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao ít được chú trọng sản xuất, kể cả sản phẩm đơn giản với giá trị thấp dùng trong thí nghiệm hầu hết cũng phải nhập khẩu.
Có thể nói, hoạt động sản xuất linh phụ kiện phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam hiện chủ yếu do doanh nghiệp FDI thực hiện do lợi thế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý cũng như quan hệ lâu năm với các nhà sản xuất lắp ráp lớn trên thị trường trong và ngoài nước...
Mặc dù thực trạng của ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao trong nước còn kém phát triển như vậy, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao của thành phố tới năm 2015 là 25% và đến 2020 là 40%, giá trị xuất khẩu đến 2015 đạt 10 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, thành phố sẽ ưu đãi về thuế, giá thuê đất, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, thủ tục một cửa, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ thông tin... cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao (kể cả đầu tư mới và đầu tư bổ sung) để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Đồng thời, các dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước và thành phố./.