Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/05/2013-09:31:00 AM
Chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước
(MPI Portal) – Ngày 21/5/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước dưới sự chủ trì của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Hội thảo là cơ hội cho các vị đại biểu, gồm đại diện các Bộ, UBND tỉnh, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, là những đối tượng trực tiếp bị điều chỉnh bởi Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg, cùng đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quyết định này.
Trong quá trình chuẩn bị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành chọn mẫu căn cứ theo quy mô, số lượng, địa bàn gồm 23 Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty để nghiên cứu, tổng hợp nhằm đưa ra những đánh giá sơ bộ về kết quả sắp xếp, phân loại DNNN theo quyết định 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước tiến hành phân loại doanh nghiệp do mình quản lý, trong hơn 10 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã 4 lần ban hành các tiêu chí phân loại DNNN, gồm: Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002; Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004; Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007; Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011, là những căn cứ pháp lý mang tính nền tảng, quan trọng cho quá trình cải cách DNNN tại Việt Nam.

Tổng hợp số liệu từ 23 báo cáo cho thấy, các đơn vị nêu trên hiện đang quản lý 385 Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, 875 công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước. Trong đó, số doanh nghiệp tiếp tục duy trì là công ty TNHH một thành viên hoặc giữ nguyên tỷ lệ vốn Nhà nước là 351 doanh nghiệp (chiếm khoảng 27%); số doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi, cổ phần hóa, tiếp tục thoái vốn là 909 doanh nghiệp (chiếm khoảng 73%).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dựa vào lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, quy mô hoạt động của doanh nghiệp để đưa ra biện pháp sắp xếp phù hợp. Số lượng các tiêu chí về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động được sử dụng theo hướng giảm dần, còn tiêu chí về quy mô công suất của doanh nghiệp được quy định theo hướng tăng dần. Qua đó, ngày càng giảm số lượng doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, mở rộng dần phạm vi đối tượng doanh nghiệp phải sắp xếp, chuyển đổi, đa dạng hóa sở hữa.
Đồng thời, trong 10 năm qua, các căn cứ để phân loại, sắp xếp DNNN được thay đổi cùng với quá trình đổi mới quản lý và sử dụng DNNN là công cụ cung cấp dịch vụ công và điều tiết trong nền kinh tế, dần hình thành cơ cấu hợp lý hơn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và chính trị xã hội theo từng giai đoạn.
Trong báo tình hình thực hiện Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ra tại Hội thảo, tình hình phân loại DNNN tại các phương án đã được phê duyệt đã chỉ ra, việc sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty lớn trong giai đoạn 2011-2015 sẽ bao gồm các nội dung chính: Phân loại và sắp xếp các doanh nghiệp theo hai nhóm (nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn); Xây dựng lộ trình tiếp tục thoái vốn tại có doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa nhưng không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần, góp vốn chi phối.
Đánh giá chung, tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới DNNN theo tinh thần Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg còn khá chậm. Trong số 23 báo cáo được phân tích, một số đơn vị dù tích cực triển khai việc sắp xếp nhưng chưa hoàn thành sắp xếp được doanh nghiệp nào như Bộ Y tế, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Thanh Hóa, Đà Nẵng… Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ hoàn thành sắp xếp cao như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng (đạt tỷ lệ 59%) nhưng chủ yếu là thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần. Tính chung, cả 23 báo cáo, số doanh nghiệp đã cổ phần hóa là 05 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đã tiếp tục thoái vốn là 62 doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Để hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, các đại biểu cho rằng, về cấu trúc dự thảo Quyết định ban hành tiêu chí phân loại DNNN cần nghiên cứu thực hiện phân nhóm theo Quyết định số 929/QĐ-TTg để đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, không nên chỉ nêu ở một mức nhà nước giữ trên 50% như quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg. Đồng thời, xác định cụ thể tiêu chí để xác định lĩnh vực ngành nghề chính hoặc quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Về đối tượng thực hiện sắp xếp, phân loại, các doanh nghiệp liên kết không thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp, phân loại theo các tiêu chí nêu tại Quyết định 14/2011/QĐ-TTg. Tuy nhiên, hiện nay một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước có số lượng doanh nghiệp liên kết khá lớn. Do vậy, cần cân nhắc, bổ sung định hướng sắp xếp với các doanh nghiệp này để thu gọn đầu mối, tránh phức tạp trong điều hành, quản lý tổ hợp mẹ-con.
Ngoài tiêu chí về ngành, lĩnh vực, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm tiêu chí về quy mô vì trường hợp quy mô và tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp quá nhỏ thì Nhà nước nắm giữ phần vốn tại các doanh nghiệp này cũng không còn nhiều ý nghĩa.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ vốn như hạ tầng mạng viễn thông; thông tin duyên hải; phát thanh truyền hình; cảng biển…Bên cạnh đó, bổ sung thêm tiêu chí về địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; tiêu chí xác định ngành, lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp và bổ sung đối tượng áp dụng là doanh nghiệp liên kết./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1307
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)