Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 11/2013 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp mười một tháng qua ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1%, đóng góp 5 điểm phần trăm vào IIP.
Ngoài ra, ngành sản xuất và phân phối điện cũng có mức tăng 8,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm.
Các ngành nghề có mức tăng cao trong mười một tháng so với cùng kỳ năm trước, là ngành dệt tăng 21%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15% và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 13%...
Tuy nhiên, với mức giảm 0,5% ngành công nghiệp khai khoáng đã tác động giảm tới IIP là 0,1 điểm phần trăm.
Về chỉ số IIP mười tháng của các địa phương cho thấy, Quảng Ngãi có mức tăng cao nhất 18,5%, tiếp đến là Vĩnh Phúc tăng 14% và Đồng Nai tăng 7,6%, Bình Dương tăng 7,4%.
Hai khu vực kinh tế lớn nhất của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng 6%, song Hà Nội chỉ tăng 4,4%.
Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười tháng năm nay tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là sản xuất xe có động cơ tăng 37%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 31%, sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng gần 18%...
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/11/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012. Đáng chú ý,một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm là sản xuất thiết bị điện tăng gần 9%, sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6%, sản xuất trang phục giảm 4,6%...
Báo cáo cũng chỉ ra, vẫn còn những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như sản xuất đồ uống tăng 121%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 111%, sản xuất thuốc,hóa dược và dược liệu tăng 80,2%...
Riêng trong tháng 10/2013, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 72%; tỷ lệ tồn kho bình quân mười tháng năm nay là 74%./.