(MPI Portal) – Ngày 09/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Huy Đông và sự tham dự của đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Bộ, ngành, địa phương thuộc vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2020 nhằm mục đích khai thác tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Liên kết sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn, mạnh hơn cho vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy ưu thế của từng địa phương; đồng thời hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong Vùng.
Mặt khác, liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng xây dựng thành vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, đóng góp ngày một tích cực cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Liên kết để đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả.
PHẠM VI ÁP DỤNG LIÊN KẾT VÙNG:
- Liên kết nội vùng: gồm 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ liên kết với nhau (hoặc liên kết song phương) tạo ra một vùng kinh tế năng động của quốc gia.
- Liên kết ngoại vùng: toàn vùng ĐBSCL trở thành một thể thống nhất hướng đến liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng khác trong cả nước. từng tỉnh, thành phố trong vùng, từng huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tự liên kết, hợp tác song phương hoặc đa phương với các địa phương khác ngoài vùng, nước ngoài…
|
Có hai hình thức liên kết: liên kết bắt buộc và liên kết tự nguyện.
Liên kết bắt buộc sẽ tập trung vào các lĩnh vực quy hoạch bao gồm xây dựng, thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Lập các đề án, dự án, chương trình theo từng lĩnh vực liên kết, phù hợp với các quy định hiện hành và khả năng ngân sách Nhà nước hoặc khả năng huy động vốn từ các nguồn khác (ngoài ngân sách), tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đầu tư xây dựng cơ bản: phát triển hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản theo quy hoạch được phê duyệt, theo hướng hiệu quả và đồng bộ; Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, nông sản, thủy hải sản; Liên kết đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, phục vụ chung cho toàn Vùng; Liên kết bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên (đất, nước), hợp tác trong việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Liên kết tự nguyện là liên kết tạo thị trường thống nhất từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu cho các mặt hàng lúa gạo, nông sản và thủy hải sản. Trong đó, xây dựng hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa thông suốt kết nối từ nguồn sản xuất đến thị trường tiêu thụ cuối cùng (kho, bãi trung chuyển hàng hóa, hệ thống bốc dỡ hàng hóa, kho dự trữ…); Liên kết xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm ổn định cho từng loại mặt hàng, ngành hàng. Liên kết xúc tiến đầu tư tìm thị trường. Hợp tác xây dựng thương hiệu cho cho các sản phẩm có ưu tiên vượt trội của Vùng; Định kỳ hàng năm liên kết tổ chức hội chợ, triển lãm cấp Vùng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Đồng thời, liên kết tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, tại những thị trường trọng điểm và giàu tiềm năng.
Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng, tạo thành một hệ thống thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng có nhu cầu quan tâm đến các lĩnh vực, nội dung có liên quan đến cơ chế, chính sách, các thông tin cơ bản đáp ứng cho nhu cầu tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Liên kết xây dựng không gian kinh tế du lịch thống nhất. Kết nối các chương trình, tuyến, tour du lịch khai thác những nét đặc sắc của từng địa phương, tạo ra sự đa dạng du lịch của Vùng. Phát triển một số cụm ngành du lịch.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Về cơ chế hỗ trợ tài chính đối với các dự án liên kết vùng, hàng năm ngân sách Trung ương dành tối thiểu 30% tổng mức vốn hỗ trợ có mục tiêu cho vùng ĐBSCL làm nguồn vốn Hỗ trợ các dự án liên kết vùng quan trọng để đầu tư cho các dự án, đề án liên kết vùng đảm bao được 03 tiêu chí: các dự án nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư trong cùng giai đoạn kế hoạch bố trí vốn; Các dự án quan trọng phục vụ cho cả vùng hoặc liên tỉnh; Các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định có tính chất thí điểm cho toàn vùng ĐBSCL.
Những dự án liên kết vùng được xem xét quyết định đầu tư, được ưu tiên bố trí hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương đến 80% tổng vốn đầu tư từ các nguồn: ngân sách hàng năm, trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ phát triển chính thức, tín dụng ưu đãi của Nhà nước… Những dự án liên kết vùng được đầu tư theo hình thức PPP được ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư tối thiểu 25% tổng mức vốn của dự án đã được phê duyệt.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch tỉnh Long An nhận định: không chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển văn hóa, xã hội, phải gắn với phát triển an ninh quốc phòng. Theo ông, trong liên kết bắt buộc cần bổ sung lĩnh vực du lịch sông nước. Về cơ chế hỗ trợ tài chính, các dự án mang tính chất liên kết vùng cần được Trung ương đầu tư chọn gói, nếu sử dụng ngân sách địa phương là rất khó khăn.
Ông Phạm Phi Hổ, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, thành phố Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm, phối hợp chặt giữa các tỉnh miền tây Nam Bộ và miền đông Nam Bộ để đẩy nhanh sự phát triển của các tỉnh trên. Về tài chính, việc liên kết vùng phải làm theo quy chế, các tỉnh phải có trách nhiệm, Ban chỉ đạo sẽ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Thống nhất với việc đưa thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của liên kết, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, việc thực hiện liên kết phải gắn với công việc cụ thể, dự án cụ thể, liên kết giữa chính quyền và chính quyền có thể thực hiện được còn giữa các doanh nghiêp với nhau thì còn nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị, ông Lê Xuân Đỉnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An đề xuất, quy chế cần có danh mục các đề án, dự án kèm theo để các Bộ, ngành địa phương xem xét, phải có định hướng liên kết ngoài vùng giữa ĐBSCL và các tỉnh khác. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cần xây dựng hệ thống khung giám sát, đánh giá việc thực hiện quy chế liên kết.
Ông Phạm Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng thì cho rằng, các tỉnh sẽ gửi các thông tin về kinh tế, xã hội, các đề án để các Bộ, ngành, Trung ương thực hiện việc liên kết. Ông cũng đề xuất bổ sung thêm chế tài để xử lý khi có sai phạm trong việc thực hiện liên kết.
Dự kiến Quyết định ban hành Quy chế Liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2013./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư