Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/07/2013-10:36:00 AM
VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ

1. Vị trí địa lý của vùng

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Vùng KTTĐ Bắc Bộ nằm giữa hai bộ phận lãnh thổ Đồng bằng sông Hồng và sườn núi Đông Bắc vớidiện tích (năm 2009) là 15594 km2 (chiếm 4,7% diện tích cả nước) và dân số là 1458,9 triệu (người chiếm 16,2% dân số cả nước).
Vùng KTTĐ Bắc Bộ có 2 thành phố trực thuộc trung ương là thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, 6 thành phố trực thuộc tỉnh, 5 thị xã, 86 quận huyện (69 huyện và 17 quận), 86 thị trấn và 1589 xã, phường (1268 xã và 321 phường).
Vùng KTTĐ Bắc bộ có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ của cả nước. Cùng có sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Cát Bi cùng với cụm cảng Hải Phòng - Cái Lân là cửa mở vào - ra của toàn vùng Bắc Bộ và cả khu vực Tây Nam Trung Quốc.
2. Tài nguyên
Tài nguyên khoáng sản: Hầu như toàn bộ trữ lượng than đá và một phần đáng kể đá vôi, sét cao lanh cá khả năng khai thác tập trung ở vùng KTTĐ Bắc Bộ. Điều kiện tự nhiên cho phép Vùng phát triển nông nghiệp chất lượng cao và có nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Tài nguyên đất: tính đến 01/01/2009, toàn vùng có 1559,4 nghìn ha đất, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 494,3 nghìn ha, đất lâm nghiệp là 419,7 nghìn ha, đất chuyên dụng là 210 nghìn ha và đất ở là 98,6 nghìn ha.
Tài nguyên du lịch: Vùng KTTĐ Bắc Bộ có nhiều thắng cảnh, kì quan thiên nhiên độc đáo (Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, bán đảo Đồ Sơn, núi Ba Vì- Tam Đảo cùng với các đặc cảnh lân cận như Đồng Mô Ngải Sơn, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chùa Hương...). Những di tích lịch sử nổi tiếng của dân tộc ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh... có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước là lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.
3. Đào tạo nguồn nhân lực
Vùng KTTĐ Bắc Bộ có hệ thống mạng lưới các cơ sở dạy nghề phát triển tương đối ổn định so với các vùng khác trong cả nước, các cơ sở dạy nghề đã có quá trình phát triển và kinh nghiệm tổ chức đào tạo lâu dài, nhiều cơ sở dạy nghề trực thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý là các trường mạnh được tập trung với mật độ khá cao trong vùng, mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển nhanh và đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình đào tạo. Trong vùng có trên 600 cơ quan khoa học - công nghệ của Trung ương và các tỉnh thành phố trong tổng số trên 1200 cơ quan khoa học – công nghệ của cả nước.
Trong Vùng có khoảng 190 cơ sở đào tạo nghề, trong đó các cơ sở dạy nghề, các trung tâm dạy nghề chiếm tỷ lệ lớn nhất (50%), tiếp đến là các trường Trung cấp nghề (khoảng 35%), số lượng các trường cao đẳng nghề chỉ chiếm khoảng 15%, tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng (cùng có 9 trường cao đẳng nghề). Nhìn chung, việc phát triển mạnh các trường cao đẳng nghề trên cơ sở nâng cấp các trường dạy nghề mạnh và thành lập mới theo Luật dạy nghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực lao động trực tiếp trình độ cao cho vùng cũng như các địa phương khác trong cả nước (hiện nay số lượng các trường cao đẳng nghề thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chiếm 29/70 trường cao đẳng nghề trong cả nước).
4. Tổng quan về tình hình kinh tế – xã hội của vùng
a. Về phát triển kinh tế
- Tăng trưởng kinh tế: Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Vùng KTTĐ Bắc Bộ gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt khoảng 12,5% thời kỳ 2001-2009, trong đó tốc tộ tăng trưởng của ngành công nghiệp- xây dựng đạt 15,5%, ngành thương mại - dịch vụ đạt 12,4% và ngành nông nghiệp đạt 3,6%.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cơ cấu kinh tế của Vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại và hiệu quả. Tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Vùng năm 2009 vào khoảng 10% (năm 2000 là 17,8%). Tỷ trọng của ngành công nghiệp năm 2009 đạt khoảng 44,4% (năm 2000 là là37,1%). Tỷ trọng của ngành dịch vụ đạt45,6%(năm 2000 là 45,1%).
- Thu nhập bình quân đầu người của vùng liên tục tăng trong thời gian qua. GDP/người của vùng năm 2000 chỉ đạt khoảng 5,6 triệu thì đến năm 2005 đã lên đến 11,7 triệu đồng/người và đến năm 2009 đạt khoảng 25,1 triệu đồng.
b. Về thu chi ngân sách
- Thu ngân sách: Tốc độ tăng thu ngân sách thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 18,7%/năm. Năm 2009, thu ngân sách của vùng đạt 118 nghìn tỷ đồng (cao gấp 4,7 lần so với năm 2000).
- Chi ngân sách: Tốc độ tăng chi ngân sách thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 21,8%/năm. Năm 2009, chi ngân sách của vùng đạt 51,1 nghìn tỷ đồng (cao gấp 5,9 lần so với năm 2000).
c. Về xuất nhập khẩu
- Xuất khẩu: Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu của vùng thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 21,8%/năm. Năm 2009, xuất khẩu của vùng đạt khoảng 12,6 tỷ USD (cao gấp 5,9 lần so với năm 2000)
- Nhập khẩu: Tốc độ tăng giá trị nhập khẩu của Vùng thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 24,0%. Năm 2009, giá trị nhập khẩu của Vùng đạt khoang 30 tỷ USD.
d. Về thu hút vốn đầu tư
- Vốn dầu tư: Trong những năm qua, vốn đầu tư phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của vùng tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2001-2009 đạt khoảng 21.8%/năm. Năm 2009, vốn đầu tư toàn xã hội của vùng đạt trên 200 nghìn tỷ đồng.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: với môi trường thu hút đầu tư khá thuận lợi, Vốn FDI đổ vào vùng KTTĐ Bắc bộ trong những năm qua ngày một tăng. Từ năm 1988 đến nay, Vùng KTTĐ Bắc bộ đã thu hút được 3106 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 36625,4 triệu USD. Riêng năm 2009, Vùng đã thu hút được 368 dự án với tổng vốn đăng ký là 1178,3 triệu USD.
e. Về phát triển các ngành kinh tế
- Giá trị sản xuất công nghiệp: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt 16,3%/ năm thời kỳ 2006-2009, trong đó công nghiệp nhàn nước tăng 5,1%/năm, công nghiệp ngoài nhà nước tăng 19,8%/năm, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,0%/năm. Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 1994) của vùng đạt trên 167,3 nghìn tỷ đồng(chiếm 24,0% giá trị công nghiệp cả nước), trong đó công nghiệp nhà nước chiếm 22,03%, công nghiệp ngoài nhà nước chiếm 30,43% và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 47,54%.
- Khu công nghiệp và khu kinh tế: Trong vùng có 2 khu kinh tế đang được triển khai xây dựng là Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng). Toàn vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm năm 2008 có41 khu công nghiệp, trong đó có 21 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 20 khu đã được thành lập và đang xây dựng cơ bản với tỷ lệ lấp đầy là 41,7%
- Giá trị sản xuất nông nghiệp: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của vùng năm 2009 đạt 21 nghìn tỷ đồng, trong đó nông nghiệp chiếm 86,5%, thủy sản chiếm 12,2% và lâm nghiệp chiếm 1,3%. Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông, lâm, thủy sản thời kỳ 2006-2009 đạt 3,5%/năm.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa thời kỳ 2001-2009 đạt 21,1%/năm. Năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng đạt gần 225,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,3% so với cả nước.
f. Về phát triển các lĩnh vực xã hội
- Thuê bao điện thoại: Năm 2009, toàn vùng đã có 4659,1 nghìn thuê bao điện thoại cố định
- Giáo dục: Năm 2009,toàn vùng có 23875 giáo viên đại học và cao đẳng với 677290 sinh viên, Vùng có 5505 giáo viên với 203507 sinh viên trường trung cấp chuyên nghiệp, toàn vùng có 4011 trường phổ thông với 127329 giáo viên và 2297348 học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học của vùng đạt bình quân hàng năm 88-91%.
- Y tế: Toàn vùng có 1907 cơ sở khám chữa bệnh (chưa tính đến các bệnh viện thuộc trung ương đóng trên địa bàn Vùng) với 31839 giường bệnh. Toàn vùng có 7490 bác sỹ, 6572 y sỹ, 10406 y tá và 3110 nữ hộ sinh.
- Tỷ lệ hộ nghèo của vùng năm 2009 là 6,7%
g. Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội:
- Về phát triển mạng lưới giao thông: Mạng đường bộ trong vùng phân bố tương đối hợp lý, gồm các trục hướng tâm Hà Nội (QL 1A, 2, 3, 5, 6, Láng – Hoà Lạc) và các đường nối với các cảng biển quốc tế, đảm bảo kết nối giữa vùng với các khu vực khác trong cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ đường cao tốc quá thấp (mới chỉ cố đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ, Nội Bài – Bắc Ninh được xem là tiền cao tốc) chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của vùng. Mạng lưới đường sắt Vùng KTTĐ Bắc Bộ là tương đối hợp lý với tâm điểm là Hà Nội, cũng là điểm hội tụ của 7 tuyến đường sắt quốc gia, kết nối vùng với khu vực phía Nam, Đông Bắc, phía Bắc và kết nối Hà Nội với các đô thị lân cận. Trong vùng có 2 cụm cảng lớn là Hải Phòng và Quảng Ninh với tổng số 28 cảng gồm 3 cảng tổng hợp quốc gia là Hải Phòng, Cái Lân và Đình Vũ cho tàu 10000-50000 DWT, 6 cảng tổng hợp địa phương và 19 cảng chuyên dùng và chuyển tải phục vụ toàn miền Bắc, tổng công suất hơn 20 triệu tấn/ năm. Hiện đang khai thác dân dụng 2 cảng hàng không – sân bay là cảng hàng không quốc tế Nội Bài và sân bay Cát Bi.
Mạng lưới thoát nước: Trong tình trạng chung của cả nước,trong vùng hầu hết các đô thị lớn đã có hệ thống thoát nước song chưa hoàn chỉnh, các đô thị nhỏ hầu hết chưa có hệ thống thoát nước. Việc thoát nước ra sông hồ... thiếu xử lý và chưa kiểm soát tốt nên gây ô nhiễm đến nhiều vùng dận cư. Các khu xử lý chất thải chưa được xử lý tốt và tiếp cận với công nghệ mới. Vị trí các khu xử lý rác thải, nghĩa trang phân bố không hợp lý, hầu như không đảm bảo khoảng cách ly đối với các đô thị, khu dân cư. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu vực nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Mạng lưới điện:Trước đây lưới điện trung áp ở khu vực Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 6KV và 10KV nên các trạm 110KV là quá dầy khi chuyển sang dùng điện áp 220KV. Lưới điện trong vùng đa số xây dựng đã lâu nên đã hư hỏng nhiều, chất lượng đường dây kém.Toàn bộ lưới điện từ 110KV đến 500KV trong vùng đi nổi gây khó khăn trong quản lý vận hành, không an toàn trong cung cấp điện. Lưới 22KV mới “ngầm hoá” ở một vài khu vực Hà Nội. Lưới điện phần lớn xây dựng đã lâu nên chất lượng thấp, không an toàn và chưa đạt yêu cầu mỹ quan đô thị.
5. Tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng
(1) Có Hà Nội - thủ đô của cả nước - là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kĩ thuật của nước ta
(2) Nằm gần các nguồn tài nguyên khoáng sản (quặng sắt, quặng kim loại màu,...), năng lượng (thủy, nhiệt điện, than, dự kiến đến năm 2010, sản lượng điện của Bắc Bộ chiếm khoảng 60% so với cả nước), nông - lâm - thuỷ sản (lúa gạo, chè, cây ăn quả, thuốc lá, lạc, ..., trâu bò, lợn, cá, gỗ, ...) và nguồn lao động dồi dào của Bắc Bộ.
(3) Có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ
- Có sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Cát Bi cùng với cụm cảng Hải Phòng - Cái Lân là cửa mở vào - ra của toàn vùng Bắc Bộ và có thể của cả khu vực Tây Nam Trung Quốc.
- Hệ thống giao thông tương đối đồng bộ gồm hệ thống đường cao tốc, sân bay, cảng biển,..với hành lang kinh tế đường 18, đường 5. Tuyến đường 18 và đường 5 là hai trục đường xương sống cho toàn Bắc Bộ. Là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trong thời gian vừa qua, những năm gần đây mối quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hoá của vùng đã được mở rộng nhanh chóng.
(4) Có lịch sử phát triển công nghiệp sớm nhất ở nước ta. Đây là địa bàn tập trung nhiều cơ sở công nghiệp mang ý nghĩa cả nước, đặc biệt là năng lực cơ khí chế tạo về sản xuất máy công cụ, máy cắt gọt kim loại; khai thác than), vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ điện - điện tử, công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm.
Vùng KTTĐ Bắc Bộ nằm trong Đồng bằng châu thổ sông Hồng nhưng cũng có nhiều nơi có quỹ đất thuận tiện có thể bố trí công nghiệp (hàng chục nghìn ha) và có nguồn nước (trừ một số nơi ven biển) tương đối thuận lợi cho quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá.
(5) Nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn so với các vùng khác, cộng thêm với các cơ sở nghiên cứu khoa học (được tập trung đông nhất so với các vùng) là một thế mạnh nổi trội, một tiềm năng lớn trong phát triển.
(6) Vùng KTTĐ Bắc Bộ có nhiều thắng cảnh, kì quan thiên nhiên độc đáo có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước là lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Đây cũng là khu vực sát cạnh Vịnh Bắc Bộ xung yếu về quốc phòng.
6. Các vấn đề cần giải quyết.
- Các giải pháp để xây dựng vùng trở thành vùng động lực, đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.
- Xây dựng đường cao tốc, thương cảng quốc tế.
- Phát triển hệ thống đô thị hiện đại gắn với phát triển KKT, KCN.
- Phát triển các hành lang kinh tế, phát triển cảng biển.
- Hình thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm y tế chất lượng cao.
- Hình thành phát triển các sản phẩm chủ lực có chứa hàm lượng chất xám cao.
- Giải quyết bài toán năng lượng, đặc biệt là thiếu điện để sản xuất và sinh hoạt.
- Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí tại các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp và các làng nghề; ô nhiễm môi trường các dòng sông.
- Xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại.
7. Mục tiêu phát triển
Vùng KTTĐ Bắc Bộ được xác định là một trong 4 vùng động lực lôi kéo các vùng khác phát triển góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 với những mục tiêu sau:
- Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế để nhanh chóng hoàn thiện tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa và đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển của đất nước. Hình thành được một số sản phẩm chủ lực như công nghiệp chế tạo, điện tử, công nghiệp chế biến nông phẩm, công nghệ phần mềm, công nghệ viễn thông, dịch vụ tài chính ngân hàng, đào tạo, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe.
- Phát triển các lĩnh vực xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của người dân.
- Xây dựng hệ thống đô thị làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn vùng.
- Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng là cơ sở cho việc đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
8. Những nhiệm vụ trọng tâm
- Xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại có hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
- Phát triển các lĩnh vực xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của người dân.
- Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất.
- Giữ gìn và cải thiện môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.
- Xây dựng hệ thống đô thị làm đầu tàu thúc đảy phát triển kinh tế của toàn vùng.
- Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại (bao gồm giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển và giao thông đô thị) làm cơ sở cho việc đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội của vùng.
- Mở rộng hợp tác quốc tế và hợp tác liên vùng.
    Tổng số lượt xem: 3303
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)