(MPI Portal) - Đó là đánh giá chung tại buổi họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 11 năm 2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tưtổ chức vào ngày 28/11, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu tham dự và chủ trì buổi họp. Tham dự buổi họp có đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 11 năm 2013. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Theo đó, về sản xuất công nghiệp, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 năm 2013 tăng 2,6% so với tháng 10/2013 và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 11 tháng đầu năm 2013, IIP tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể theo 4 ngành công nghiệp cấp I, có 3 ngành có chỉ số sản xuất tăng gồm công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 7,1%); sản xuất và phân phối điện (tăng 8,6%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 9,2%); duy chỉ có ngành công nghiệp khai khoáng có chỉ số sản xuất giảm (0,5%).
Về sản xuất nông nghiệp, trong tháng 11, ngành trồng trọt tập trung vào việc thu hoạch diện tích lúa mùa, trong khi do tình hình thời tiết phức tạp, mưa bão nhiều, gây khó khăn cho ngành sản xuất lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn, giá bán nhiều sản phẩm thịt có xu hướng giảm.
Trước tình hình phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới, cùng với nhiều khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước như sức mua kém, giá hàng hóa giảm… Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ khu vực dịch vụ đặc biệt là về lĩnh vực du lịch. Theo đó tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch, phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch các vùng. Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, ước chung cả 11 tháng năm 2013, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2,386 nghìn tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm 2012.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121,02 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 74,6 tỷ USD, tăng 28,5% và chiếm 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng năm 2013 ước đạt 121,12 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 68,94 tỷ USD, tăng 26% và chiếm 56,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, 11 tháng năm 2013, nhập khẩu từ Châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.Thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 11 năm 2013 ước đạt 25,8 nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn vốn trong nước cho vay đầu tư của Nhà nước thực hiện ước khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Dư nợ bình quân tín dụng xuất khẩu đạt khoảng 11.015 tỷ đồng, bằng 86,05% kế hoạch năm.
Về thu hút vốn ODA, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết 11 tháng năm 2013 đạt 5.558,52 triệu USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong 11 tháng năm 2013, tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã đạt được những kết quả. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 11 tháng năm 2013 ước đạt 4.043 triệu USD.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính lũy kế đến ngày 20/11/2013, cả nước có 1.175 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13.779 triệu USD, bằng 100,1% về số dự án và 173,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư trong 11 tháng năm 2013 là 446 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm là 7.036 triệu USD, bằng 85,3% về số dự án và bằng 126,9% về vốn so với cùng kỳ năm trước.
Về phát triển doanh nghiệp, trong tháng 11 có 6.829 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 37.595 tỷ đồng, tăng 14,6% về số doanh nghiệp, tuy nhiên giảm 7,2% về số vốn đăng ký so với tháng 10 năm 2013. Tính chung cả 11 tháng năm 2013, cả nước có 71.018 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 359.470 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2012 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 9,5%, tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm 15,4%.
Trong 11 tháng năm 2013, cả nước có 54.932 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2013 là 12.709 doanh nghiệp.
Cũng tại buổi họp đại diện các Bộ, ngành và địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cùng đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội đã đánh giá khái quát về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành và địa phương. Từ đó, đưa ra kiến nghị nhằm ổn định kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất phát triển và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đánh giá chung, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục được cải thiện; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhờ những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy sản có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, giá trị sản xuất lương thực và chăn nuôi tiếp tục đạt thấp do ảnh hưởng chủ yếu của bão, lũ và thiên tai.
Các nội dung tập trung thảo luận tại Buổi họp liên quan đến tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ năm 2013 và tình hình xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ năm 2014; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành, các địa phương trong 11 tháng năm 2013; khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/-1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ; kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất phát triển và đảm bảo an sinh xã hội./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư