Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/05/2014-14:41:00 PM
Khởi động dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên
(MPI Portal) - Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA). Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh là chủ đầu tư, dự kiến sẽ hỗ trợ giảm nghèo cho 130 xã, 26 huyện nghèo và khó khăn nhất tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và các huyện giáp Tây Nguyên thuộc các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi giai đoạn 2014-2019 với tổng mức vốn vay IDA là 150 triệu USD.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21511149.JPG

Ảnh: Internet

Dự án kỳ vọng sẽ đem đến cơ hội thoát nghèo cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là các nhóm thuộc dân tộc thiểu số tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam. Đồng thời, mục tiêu dự án nhằm khuyến khích các đối tượng này tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tây Nguyên là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Hiện nay, khoảng 74% người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang sống dưới chuẩn nghèo. Cùng với vùng Tây Bắc, Tây Nguyên là vùng nghèo nhất cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số rất cao. Bên cạnh đó, vùng Tây Nguyên có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng về chiều cao và cân nặng so với độ tuổi đáng lo ngại nhất cả nước. Khu vực này cũng có tỷ lệ nhập học tiểu học thấp nhất cả nước.

Nhằm nâng cao đời sống cho người nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế trong nhiều năm qua đã và đang có những ưu tiên cho Vùng này. Với đặc thù là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, Tây Nguyên là vùng thụ hưởng quan trọng của Chương trình 135-II, các chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục…), Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo (Chương trình 30A), và gần đây nhất là Chương trình Nông thôn mới. Tây Nguyên cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về giảm nghèo cho một số tỉnh, phát triển lâm nghiệp; Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ về giao thông nông thôn, tài chính nông thôn, năng lượng nông thôn; và nhiều tổ chức quốc tế khác. Mặc dù vậy, Vùng Tây Nguyên mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng vốn ODA trong hơn hai thập kỷ gần đây.

Trong bối cảnh đó, việc có những chính sách, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, nâng cao đời sống cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những trao đổi cấp độ kỹ thuật với WB về khả năng xây dựng một dự án giảm nghèo để giúp cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc vùng Tây Nguyên, khơi dậy và phát huy có hiệu quả tiềm năng của vùng này.

Để giúp người dân cả nước, đặc biệt là người dân khu vực Tây Nguyên biết đến Dự án và các lợi ích mà Dự án mang lại, từ đó khuyến khích người dân tham gia sâu rộng vào Dự án nhằm đạt kết quả cao nhất, ngày 29/5/2014, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ban Điều phối TW Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng WB sẽ tổ chức hội thảo Khởi động dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Hội thảo tổ chức với các mục tiêu: Chính thức công bố Dự án và khởi động quá trình thực hiện Dự án; Trình bày, thảo luận và tiếp thu ý kiến về nguyên tắc thực hiện, cam kết của các bên liên quan; Thống nhất kế hoạch 18 tháng và triển khai toàn Dự án.

Theo dự kiến, Hội thảo sẽ có sự tham dự của đại diện các bên liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, WB, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng dự án, đại diện Ban Quản lý dự án các tỉnh, huyện, đại diện Ban Phát triển xã và Ủy ban nhân dân xã thuộc vùng dự án…

Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên nhằm nâng cao mức sống thông qua cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng Dự án bằng cách: Cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã và cấp thôn bản để hỗ trợ phát triển sinh kế, cải thiện điều kiện sinh hoạt, tăng cường tiếp cận dịch vụ công và tạo việc làm trong xây dựng cơ sở hạ tầng; Tăng tính tự chủ và cơ hội sinh kế qua củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng; đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình sinh kế, phát triển kết nối thị trường để cải thiện thu nhập bền vững cho người dân.

Đồng thời, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng ở cấp huyện, kể cả cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, để thúc đẩy sản xuất, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng; Nâng cao năng lực cán bộ các cấp, đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân thực hiện hiệu quả Dự án./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3122
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)