Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/03/2013-08:39:00 AM
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 02 năm 2013 thành phố Đà Nẵng
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 02 năm 2013 thành phố Đà Nẵng
I. Sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố
1. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND thành phố
Trong tháng, lãnh đạo UBND thành phố tham dự các cuộc họp, hội nghị và triển khai các chủ trương, chính sách mới của các Bộ, ngành Trung ương tổ chức; tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, khóa XIII; kiểm tra tình hình chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; dự Hội thảo xây dựng khung đánh giá Chính phủ điện tử thành phố Đà Nẵng; Gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí, bà con kiều bào,trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu nhân dân; Khai mạc Đường hoa Xuân Bạch Đằng, Hội Hoa xuân; Dâng hương Đài tưởng niệm và viếng Nghĩa trang liệt sỹ thành phố; kiểm tra trật tự đô thị và vệ sinh môi trường trước, trong và sau Tết Quý Tỵ 2013; Thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí cán bộ lão thành, Bộ Tư lệnh Quân khu V, tỉnh Quảng Nam, cán bộ hưu trí cao cấp, đơn vị thi công cầu Rồng, các đơn vị thi công công trình trọng điểm; Dự Lễ ra quân sản xuất – kinh doanh đầu năm của các đơn vị, công trình trọng điểm; Dự Lễ giao quân; Triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Chuẩn bị tổ chức Hội chợ công nghiệp tiêu dùng – Đà Nẵng 2013;
Trong tháng, lãnh đạo UBND thành phố đã tham dự khoảng 15 hội nghị, hội thảo chuyên đề khác nhau trên các lĩnh vực y tế, môi trường, khoa học - xã hội, an ninh - quốc phòng…; tiếp khoảng 25 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến thăm, làm việc tại thành phố Đà Nẵng.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của UBND thành phố ban hành trong tháng 02 năm 2013
- Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2012 của UBND thành phố Quy định định mức hoạt động và mức chi đặc thù đối với Đội tuyên truyền lưu động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2012 của UBND thành phố Quy định mức chi đối với các giải thi đấu thể thao, hội thi thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2012 của UBND thành phố Quy định mức trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách nhà nước.
II. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh tháng 02 năm 201
1. Về kinh tế
1.1. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố tháng 2/2013 ước giảm 30,7% so với tháng 01/2013, do thời gian nghỉ Tết Quý Tỵ kéo dài (10 ngày) song nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 02/2013 vẫn diễn ra khá sôi nổi và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2012.
1.2. Sản xuất thuỷ sản - nông - lâm
Giá trị sản xuất thuỷ sản - nông - lâm (giá CĐ 2010) tháng 02/2013 ước đạt 182 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 352 tỷ đồng, đạt 16,6% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ 2012, trong đó: thuỷ sản tăng 3%, nông nghiệp và lâm nghiệp bằng 100% so với cùng kỳ 2012.
1.3. Lĩnh vực dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 02/2013ước đạt 4.910,5 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng ước đạt 9.735,8 tỷ đồng, đạt 16,2% kế hoạch năm, tăng 22,3% so với cùng kỳ 2012.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2013 tăng 1,23% so với tháng 01/2013, tăng 4,95% so với tháng 12/2012 và tăng 9,18% so với cùng kỳ 2012. So với tháng trước, CPI tháng 02/2013tăng cao nhất là chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm, tăng 2,79%; kế đến là nhóm hàng may mặc, tăng 1,77%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,69%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,58%; hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 1,49% v.v..
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tháng 02/2013 ước đạt 147,4 triệu USD, lũy kế 2 tháng ước đạt 298,8 triệu USD, đạt 15,8% kế hoạch năm, tăng 18,2% so với cùng kỳ 2012, trong đó: xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,8 triệu USD, đạt 15,5% kế hoạch năm, tăng 19,9%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 02/2013 ước đạt 70,5 triệu USD, lũy kế 2 tháng ước đạt 141,8 triệu USD, đạt 15,6% kế hoạch, tăng 23,3% so với cùng kỳ 2012.
Hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc. Trong tháng 02/2013, khách du lịch đường hàng không đến Đà Nẵng ước đạt 15.165 lượt khách, tăng 68,5 % so với cùng kỳ 2012; khách đường bộ Thái Lan, Lào ước đạt 3.100 lượt khách, tăng 10,7%;khách đường biển ước đạt 13.574 lượt khách, tăng 45,2%. Tổng lượt khách tham quan, du lịch tháng 02/2013 ước đạt 205 nghìn lượt người, lũy kế 2 tháng ước đạt 394,3 nghìn lượt người, đạt 13,1% kế hoạch năm, tăng 1,3% so với cùng kỳ 2012, trong đó khách quốc tế ước đạt 148,2 nghìn lượt người, đạt 21,2% kế hoạch, tăng 9,5%; tổng thu nhập từhoạt động du lịch ước đạt 912,2 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch năm, tăng 9,3%.
Hoạt động vận tảiđược tăng cường tổ chức, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phục vụ vận tải Tết Quý Tỵ để theo dõi chỉ đạo và xử lý công tác vận tải trong suốt thời gian phục vụ Tết, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, đảm bảo cảnh quan đô thị trong ngày Tết. Khối lượng luân chuyển hành khách 2 tháng ước đạt 447,5 triệu khách.km, đạt 34,4% kế hoạch năm, tăng 12,5% so cùng kỳ 2012; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 827,4 triệu tấn.km, đạt 25,9% kế hoạch năm, tăng 0,1%; sản lượng hàng hóa qua Cảng ước đạt 663,3 nghìn tấn, đạt 14,7% kế hoạch năm, tăng 5,1%; doanh thu vận tải ước đạt 919,4 tỷ đồng, đạt 18,4% kế hoạch năm, tăng 12,5%.
Hoạt động ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh phát triển. Đến cuối tháng 02/2013 tổng nguồn vốn huy động ước đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,01% so với tháng 01/2013; tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước đạt 50 nghìn tỷ đồng, tăng 1,25%, trong đó cho vay khu vực dân doanh chiếm trên 86%. Thực hiện đảm bảo công tác an toàn kho quỹ, công tác điều hòa lưu thông tiền mặt trên địa bàn thành phố. Tăng cường kiểm tra, theo dõi sát diễn biến thu chi tiền mặt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc nhà nước.
2. Thu hút đầu tư trong, ngoài nước và các hoạt động đối ngoại
Từ 15/01/2013 đến 15/02/2013, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 125 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký đạt 219 tỷ đồng và làm thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung nội dung chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 276 doanh nghiệp, hoàn tất thủ tục giải thể cho 09 doanh nghiệp và 13 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký giảm 69,5 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng 2013, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho 231 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 501 tỷ đồng; thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh cho 489 doanh nghiệp. Đến nay trên địa bàn thành phố có 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký đạt 65.669,5 tỷ đồng.
Trong 02 tháng đầu năm 2013, có 07 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,3 triệu USD, so với cùng kỳ 2012 tăng 02 dự án nhưng tổng vốn giảm 8,678 triệu USD; đã cấp điều chỉnh tăng vốn cho 03 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 2 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 245 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 3,62 tỷ USD.
Hiện có 10 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đang được triển khai thực hiện, tổng vốn đầu tư đạt 659,81 triệu USD, trong đó vốn ODA đạt 534 triệu USD, chiếm 78,5% tổng số vốn. Trong 02 tháng đầu năm 2013, 03 dự án: Dự án đầu tư CSHT ưu tiên, Dự án xây dựng và nâng cấp tín hiệu và điều khiển giao thông, Dự án Phát triển CNTT và truyền thông đã được giải ngân 164.744 triệu đồng, đạt 45% so với kế hoạch.
Trong tháng 02/2013 đã vận động được 04 khoản viện trợ, tổng giá trị cam kết đạt 56,6 tỷ đồng, trong đó có 02 chương trình, dự án được phê duyệt,tổng giá trị cam kết đạt 31,5 tỷ đồng và 02 khoản viện trợ phi dự án, giá trị cam kết đạt 25,1 triệu đồng.
3. Quản lý đầu tư - xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch, đô thị
Trong tháng, các ngành chức năng đã thẩm định trình phê duyệt 70 hồ sơ, gồm: 02 hồ sơ quy mô, 16 hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án đầu tư và 52 hồ sơ đấu thầu và thẩm tra, tham mưu phê duyệt 27 đồ án quy hoạch xây dựng, tổng diện tích 178,3 ha. Tổ chức kiểm tra 24 lượt công trình trên địa bàn thành phố, đã phát hiện và xử lý 06 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó: xây dựng không phép 06 trường hợp; đã ban hành 06 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền xử phạt 125 triệu đồng.
4. Các lĩnh vực xã hội:
Về khoa học và công nghệ: Trong tháng, ngành chức năng đã kiểm tra tiến độ thực hiện 01 đề tài cấp thành phố; triển khai 04 dự án nông thôn miền núi trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Các đề tài, dự án tập trung vào các vấn đề thiết thực trên địa bàn thành phố như: Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất hoa chậu, hoa thảm phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch sinh thái bền vững cho Đà Nẵng”; Dự án "Nghiên cứu nhân giống và trồng thử nghiệm cây Lá đỏ tại khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, thành phố Đà Nẵng - giai đoạn 2”; Dự án “Xây dựng mô hình nhân giống cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô nhằm cung cấp cây giống có giá trị cho nông dân thành phố Đà Nẵng”.
Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và đo lường chất lượng, trong tháng, ngành chức năng đã hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 05 tổ chức/cá nhân; tiếp nhận 10 hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu; kiểm định 332 phương tiện đo.
Về văn hóa - thể thao: Tổ chức tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan chào đón năm mới 2013, hướng dẫn chuẩn bị thực hiện cổ động Ngày thành lập Đảng (03/02) và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Các hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật được chuẩn bị chu đáo, đa dạng và diễn ra rộng khắp phục vụ các nhiệm vụ chính trị, du khách và nhân dân thành phố; đặc biệt Đường hoa Xuân Bạch Đằng lần đầu tiên được tổ chức đã trở thành điểm nhấn thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan
Trong tháng, các HLV, VĐV tham gia tập trung tập huấn các đội tuyển quốc gia theo các quyết định triệu tập của Tổng cục TDTT gồm các môn: Cử tạ, Judo, Bắn Súng. Ngành chức năng đã cử đoàn VĐV, HLV tham dự giải Cờ Vua, Cờ Tướng các nhóm tuổi trẻ miền Trung mở rộng (đạt giải Nhất toàn đoàn) và giải Cờ Tướng Vô địch hạng nhất Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiến hành rà soát danh sách vận động viên chủ lực và bộ môn chủ lực tập luyện và thi đấu năm 2013, chuẩn bị tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII.
Về giáo dục - đào tạo: Các đơn vị, trường học tổ chức hoạt động chào mừng kỉ niệm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02) và mừng xuân Quý‎ Tỵ; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học tổ chức hội giảng cấp trường, chuẩn bị tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Ngành chức năng đã tổ chức tập huấn công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Tiến hành thanh tra công tác quản lý dạy thêm, học thêm, hoạt động sư phạm của nhà giáo, công tác quản lý của thủ trưởng đơn vị.
Về y tế: Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát bệnh dịch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là bệnh Tay chân miệng, Sốt xuất huyết. Tình hình Sốt xuất huyết và Tay chân miệng trong tháng 02 có xu hướng giảm; tính đến 17/02/2013 đã ghi nhận có 359 ca Sốt xuất huyết (trung bình có 35-40 ca/tuần). Ngành chức năng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng cử cán bộ giám sát hoạt động xử lý ổ dịch nhỏ Sốt xuất huyết theo quy trình mới năm 2013, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở điều trị có kế hoạch dự phòng về cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, dịch truyền v.v.. để chủ động với mọi tình huống của dịch. Tiến hành công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2013; không để xảy ra các ca ngộ độc thực phẩm và các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong dịp Tết Nguyên đán.
Về Lao động - Thương binh - Xã hội: Trong tháng 02/2013, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố tạo việc làm cho 1.234 lao động, nâng tổng số lao động được tạo việc làm từ đầu năm đến nay lên 3.064 lao động, đạt 9,88% kế hoạch năm, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Thực hiện chính sách người có công, nhân dịp Tết nguyên đán 2013, thành phố đã hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ cho 269 hộ chính sách thực sự khó khăn thuộc diện nghèo từ nguồn quỹ trợ cấp hộ nghèo, tổng số tiền 1,34 tỷ đồng; Lãnh đạo thành phố đã đi thăm và tặng quà các đơn vị, địa phương, gia đình chính sách tiêu biểu và bộ đội Trường Sa, gửi quà Tết cho các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố, tổng kinh phí trên 10,8 tỷ đồng.
Trong dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013, thành phố đã hỗ trợ đột xuất 33 triệu đồng cho 16 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ hơn 1.185 tấn gạo cho 45.656 hộ gia đình khó khăn. Tổ chức thăm, tặng quà và hỗ trợ tiền Tết cho các cơ sở xã hội, từ thiện; đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng và những người ngừng trợ cấp mất sức lao động…, tổng kinh phí trên 08 tỷ đồng.
5. Xây dựng chính quyền - Thanh tra - Tư pháp
Trong tháng 02/2013, thành phố đã ban hành các Kế hoạch công tác lớn của năm 2013 như: Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, Kế hoạch công tác thanh niên; ban hành chính sách hỗ trợ chế độ ưu đãi cho các đối tượng là Tiến sĩ - Bác sĩ, quy định tiêu chuẩn và phân cấp quản lý hợp đồng lao động ở phường, xã và thực hiện điều chỉnh hỗ trợ đối với những người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội trên địa bàn thành phố...
Trong tháng 02/2013, Thanh tra thành phố Đà Nẵng đã nhận 13 đơn (11 khiếu nại, 02 kiến nghị); đã tiến hành thẩm tra, xác minh và giải quyết 04 đơn (03 khiếu nại, 01 kiến nghị) thuộc thẩm quyền, nội dung chủ yếu liên quan đến việc tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường, thủ tục trong việc cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết hỗ trợ đền bù giải tỏa, tái định cư v.v..
6. Quốc phòng - an ninh
Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố trong dịp Tết nguyên đán 2013 được tăng cường. Công an thành phố đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự - an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và các hoạt động lễ hội đầu năm. Kết quả, tình hình TTATGT được đảm bảo, không xảy ra ùn tắc giao thông và đua xe trái phép. Từ ngày 16/01/2013 đến 15/02/2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường bộ (tăng 10 vụ so với cùng kỳ 2012), làm chết 12 người và bị thương 07 người; 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 01 người.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố trong tháng 02/2013 duy trì được mức tăng trưởng ổn định trên các lĩnh vực: công nghiệp, thủy sản nông lâm, du lịch, thương mại, xuất khẩu, vận tải,thu hút đầu tưv.v.. Thị trường hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Các công trình trọng điểm tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ. Các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, văn hóa xã hội, đón xuân, vui tếtcủa nhân dân diễn ra sôi nổi; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đảm bảo; không xảy ra các ca ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết; đời sống của cán bộ và nhân dân được quan tâm chăm lo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cần được tăng cường kiểm tra, giám sát; tình hình tai nạn giao thông đường bộ cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.
III. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh tháng 3 năm 2013
1. Triển khai các biện pháp nhằm tăng nguồn thu ngân sách ngay từ đầu năm 2013, cân đối thu chi ngân sách;
2. Tiếp tục tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
3. Chuẩn bị phát hành Trái phiếu địa phương đợt 2;
4. Lập kế hoạch, phương án triển khai Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013, Marathon Quốc tế - Đà Nẵng năm 2013, Trại Điêu khắc Quốc tế - Đà Nẵng 2013, trình diễn Dù bay Quốc tế hè 2013;
5. Chuẩn bị các điều kiện để khánh thành cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương vào ngày 29/3/2013;
6. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố;
7. Triển khai xây dựng dự án Nút giao thông Ngã ba Huế;
8. Tập trung công tác giải tỏa đền bù, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, các công trình trọng điểm./.
Tiêu đề: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2013 tỉnh Bắc Ninh
Nguồn: Website Sở KHĐT Bắc Ninh
Ngày: 15/4/2013
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 trong bối cảnh chung của cả nước, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sản xuất vụ đông thời tiết không thuận lợi, kết quả giảm sút; dịch lở mồm long móng xuất hiện cục bộ ở một số địa phương; nhiều ngành nghề truyền thống những tháng đầu năm chưa thoát khỏi khó khăn do sản phẩm tiêu thụ chậm. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện các giải pháp về lãi suất tín dụng, tiết kiệm chi tiêu công; miễn, giảm, giãn thuế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế giảm bớt khó khăn vượt qua giai đoạn hiện nay. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, các sản phẩm chủ lực chủ yếu xuất khẩu, thị trường ổn định, tiếp tục phát triển với nhịp độ cao, đóng góp quan trọng trong góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế trên địa bàn tỉnh. Vì thế, trong quý I kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, an sinh xã hội được quan tâm, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực; các lĩnh vực văn hoá, xã hội được duy trì; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tạo động lực cho các quý tiếp theo để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013 đã đề ra, cụ thể như sau:
A. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
I. HOẠT ĐỘNG KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh quý I theo giá so sánh 1994 ước 3.214,8 tỷ đồng, đạt 21,47% KH năm, tăng 9,8% so với quý I/2012; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,5%; dịch vụ tăng 4,1%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,1%. Tính theo giá so sánh 2010, tổng sản phẩm ước 12.927,7 tỷ đồng, tăng 11,7% so với quý I/2012; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 14,8% và dịch vụ tăng 4,7%.
2. Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Theo giá cố định 1994, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản quý I là 606,2 tỷ đồng, đạt 22,53% KH năm, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
2.1. Sản xuất Nông nghiệp
Kết quả sản xuất vụ đông: Do giá cả các yếu tố đầu vào tăng, thời tiết không thuận lợi, mưa đầu vụ làm ảnh hưởng nhiều đến khâu làm đất, một số cây rau màu bị dập nát, hiệu quả sản xuất giảm nên sản xuất vụ đông năm nay đạt kết quả không cao. Kết thúc vụ, toàn tỉnh gieo trồng 8.813 ha cây rau màu bằng 88,6% so với vụ đông năm trước; trong đó, cây ngô là 1.743 ha, giảm 13%; năng suất 42,6 tạ/ha, giảm 1,1%; sản lượng 7.429 tấn, giảm 14%; cây khoai lang 480,4 ha, giảm 25,2%; năng suất 129,3 tạ/ha, tăng 4,5% và sản lượng là 6.210,7 tấn, giảm 21,9%. Theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất là 665,3 tỷ đồng, giảm 1,4%; trong đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt 616,4 tỷ đồng, giảm 3,3%. Do giá bán nông sản tăng và giữ ở mức cao nên giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác vụ đông năm nay là 85,4 triệu đồng, tăng 12,4 triệu đồng so vụ đông năm trước.
Sản xuất vụ xuân: Đến ngày 5/3, toàn tỉnh cơ bản kết thúc gieo trồng vụ lúa xuân với diện tích 36.363 ha, vượt 363 ha so KH vụ và tăng 1,8% so với thực hiện vụ xuân năm trước. Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc lúa xuân, với diện tích chăm sóc đợt 1 là 22.270 ha. Bên cạnh đó, nông dân cũng tiếp tục gieo trồng các loại cây rau màu còn thời vụ; đến ngày 20/3, toàn tỉnh đã gieo trồng được 3.837 ha, tăng 261 ha so cùng thời điểm năm trước; trong đó, cây ngô 1.695 ha, giảm 103 ha; cây lạc 730 ha, tăng 35 ha; cây rau đậu các loại 1.178 ha, tăng 313 ha; hoa và cây cảnh 151 ha, tăng 5 ha.
Chăn nuôi và công tác thú y: Thời tiết diễn biến không thuận mưa rét kéo dài kèm theo không khí ẩm thấp tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển gây hại trên đàn vật nuôi; dịch lở mồm long móng đã xuất hiện ở 17 hộ gia đình thuộc 5 thôn, 3 xã của 3 huyện: Gia Bình, Quế Võ và Tiên Du làm 157 con lợn ốm chết, buộc phải tiêu huỷ với trọng lượng 5.802 kg; ngành chức năng và các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp, đến nay, dịch đã cơ bản được khống chế và không xuất hiện ổ dịch mới. Công tác thú y, tiêm phong vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện, đến ngày 13/3 toàn tỉnh đã tiêm 153,2 nghìn liều vắc-xin các loại cho đàn lợn và đàn trâu bò; tiêm 1.454,1 nghìn liều vắc-xin các loại cho đàn gia cầm.
2.2. Sản xuất Lâm nghiệp: Trong quý I, các địa phương tập trung công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để triển khai công tác trồng rừng. Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh đã trồng hơn 55 nghìn cây phân tán, bằng 13,4% KH năm; riêng trong ngày Tết trồng cây truyền thống đầu xuân toàn tỉnh đã trồng được hơn 30 nghìn cây xanh các loại.
2.3. Sản xuất Thủy sản: Giá bán các loại sản phẩm thủy sản tăng, lượng tiêu thụ mạnh, khuyến khích nuôi trồng thủy sản phát triển. Sau khi thu hoạch sản phẩm thủy sản còn lại, các hộ nuôi trồng thuỷ sản đang tiếp tục tu bổ, sửa chữa hệ thống ao, hồ, bể, cống cấp và thoát nước; cải tạo, nạo vét khử trùng vệ sinh đáy ao, hồ; tôn cao bờ ao để chuẩn bị nuôi thả cá vụ mới. Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, cách thả, chăm sóc và sử dụng các loại thuốc để phòng và trị bệnh cho thủy sản. Các mô hình nuôi trồng đạt hiệu quả cao tiếp tục được nhân rộng và thực hiện theo hướng trang trại quy mô lớn, phấn đấu thu sản lượng cá thịt cả năm 2013 đạt 32.500 tấn.
3. Sản xuất Công nghiệp
Sản phẩm, hàng hoá lưu thông chậm ảnh hưởng đến quá trình SXKD của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sản xuất ổn định, chiếm trên 75% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn tăng trưởng khá. Tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,76% so tháng trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,83%. Tính chung quý I, IIP tăng 5,65% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến tăng 5,76%.
Giá trị sản xuất: Theo giá cố định 1994 là 31.891,8 tỷ đồng, đạt 31,96% KH năm, tăng 83,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 77,4% và tăng 89,4%. Theo giá so sánh 2010, GTSX là 132.691 tỷ đồng, tăng 83,8%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 99,6% và tăng 83,9%.
Về sản phẩm: Trong quý I, các sản phẩm được xuất khẩu hoặc phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước thì mức sản xuất tăng cao so cùng kỳ, như: bia các loại gấp 2,1 lần; ruột phích gấp gần 3 lần; kim loại khác gấp 2 lần; thiết bị điện tăng 41,2%…; một số sản phẩm giảm so cùng kỳ là: thức ăn gia súc giảm 13,4%; rượu giảm 24%; giấy các loại giảm 4,4%, kính các loại giảm 5,3%...
4. Hoạt động đầu tư phát triển
Vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh quý I ước 5.077 tỷ đồng, đạt 20% KH năm, tăng 19,8% so quý I/2012; trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý là 248,1 tỷ đồng, giảm 36,6% (NSNN cấp tỉnh đạt 190,3 tỷ đồng, giảm 42,6%); vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài Nhà nước 1.290,5tỷ đồng, tăng 2,1% so quý I/2012, vốn đầu tư của dân cư 1.263,2 tỷ đồng, giảm 6,4%; khối DN FDI 2.124,5 tỷ đồng, tăng 74,9%. Xét theo mục đích đầu tư, vốn đầu tư cho XDCB chiếm 73,4% so với tổng vốn đầu tư phát triển và tăng 21,7%.
Xây dựng: GTSX xây dựng quý I theo giá thực tế là 1.895 tỷ đồng, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tới 95,7%. Theo giá so sánh 2010, GTSX đạt 1.481 tỷ đồng, giảm 13,3% so với quý I/2012; trong đó, khu vực nhà nước giảm 66%, khu vực ngoài nhà nước giảm 14% và khu vực đầu tư nước ngoài tăng 54,7%. Xét theo loại công trình, lớn nhất là vốn đầu tư xây dựng nhà ở đạt 863,9 tỷ đồng, giảm 12%; tiếp đến là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng với 279,2 tỷ đồng, giảm 17%.
Các sở, ngành, địa phương, các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực rà soát, phân loại các dự án đầu tư theo trong giai đoạn 2013-2015 và sau năm 2015, xác định điểm dừng kỹ thuật... theo Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 28/02/2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 25/12/2012 của Ban thường vụ Tỉnh Ủy Bắc Ninh về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, vốn Trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tư trong nước: Quý I, toàn tỉnh đã cấp GCNĐT mới cho 12 dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký 665 tỷ đồng. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 673 dự án đầu tư trong nước được cấp GCNĐT với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 75.079 tỷ đồng.
Đầu tư nước ngoài: Quý I, toàn tỉnh đã cấp GCNĐT mới cho 25 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 80,52 triệu USD; cấp GCNĐT điều chỉnh tăng vốn cho 08 dự án với mức vốn tăng thêm 27,72 triệu USD; tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 108,24 triệu USD; thu hồi 01 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 390 đơn vị FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 4.725,79 triệu USD.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai 08 dự án ODA trong đó có 05 dự án do UBND tỉnh làm chủ quản, 03 dự án do trung ương làm chủ quản (01 dự án chưa triển khai).
Về thực hiện các dự án BT: các dự án đang triển khai và dự kiến thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) gồm 34 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 20.118,2 tỷ đồng; UBND tỉnh cho phép khảo sát đất để lập dự án đối ứng vốn cho dự án BT với diện tích đất khảo sát khoảng 1.615,25 ha; hiện có 2 dự án đang triển khai tích cực: dự án nâng cải tạo nâng cấp đường TL295B, dự án xử lý nước thải thị xã Từ Sơn. Trong tháng 4, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc rà soát và kế hoạch triển khai các dự án BT; rà soát, phân loại các dự án đầu tư theo Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 25/12/2012 của Ban thường vụ Tỉnh Ủy Bắc Ninh về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, vốn Trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Phát triển doanh nghiệp: Trong quý I/2013, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp ĐKDN cho 193 doanh nghiệp, số vốn đăng ký 1.042,307 tỷ đồng, 13 chi nhánh, VPĐD và cấp bổ sung địa điểm kinh doanh cho 5 doanh nghiệp. Lũy kế đến nay, tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn có 5.929 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 98.124,725 tỷ đồng; 510 chi nhánh, VPĐD và cấp bổ sung địa điểm kinh doanh cho 102 doanh nghiệp.
5. Thương mại, dịch vụ và giá cả
5.1. Lưu chuyển hàng hóa
Tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 3 ước 2.545,1 tỷ đồng, giảm 1,3% so tháng trước và tăng 21,4% so cùng tháng năm trước; trong đó, kinh tế cá thể 2.037,7 tỷ đồng, giảm 1,4% và tăng 23%; kinh tế tư nhân 452,1 tỷ đồng, giảm 0,9% và tăng 14,8%. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hoá 7.856,3 tỷ đồng, đạt 23,1% KH năm, tăng 17,1% so cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá bình quân quý I là 13,3% thì tổng mức bán lẻ chỉ tăng 3,4%); trong đó, kinh tế cá thể chiếm 80% và tăng 18,1%; kinh tế tư nhân chiếm 18% và tăng 12,7%.
5.2. Hoạt động ngoại thương
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước 1.676 triệu USD, tăng 8,5% so với tháng trước và gấp 2,1 lần so cùng tháng năm trước; tính chung quý I xuất khẩu 5.187,8 triệu USD, đạt 36,53% KH năm, gấp 2,3 lần so quý I/2012; mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn và tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng điện tử với kim ngạch đạt 4.809,7 triệu USD, tăng 2,2 lần. Nhập khẩu tháng 3 ước 1.514 triệu USD, tăng 15,1% và gấp 2,2 lần; nhóm hàng nhập chủ yếu vẫn là nhóm hàng linh kiện điện tử, hàng dệt may, hàng nông sản...; tính chung quý I nhập khẩu 4.529,8 triệu USD, đạt 35,54% KH năm, gấp 2,2 lần so quý I/2012; trong đó khu vực FDI đạt 4.482,7 triệu USD, gấp 2,3 lần.
5.3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Hoạt động SXKD gặp khó khăn, sức mua hàng hoá của dân cư thấp, giá cả hàng hoá tiêu dùng trong xu thế giảm, nhất là hàng nông sản, thực phẩm. CPI tháng 3 giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 2,97% so với tháng 12/2012. Tính chung quý I, CPI trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng chậm, ổn định, tăng 13,28% so cùng kỳ năm trước.
5.4. Hoạt động vận tải, du lịch và bưu chính - viễn thông
Hoạt động vận tải: Hoạt động vận tải vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá cho sản xuất, xây dựng, tiêu dùng và nhu cầu đi tham quan, lễ hội của nhân dân, nên đạt kết quả khá cả về sản lượng và doanh thu. Vận tải hành khách, quý I, toàn tỉnh vận chuyển 3.050 nghìn người, tăng 3,7% so cùng kỳ năm trước; luân chuyển 115.140 nghìn người.km, tăng 5,9%. Vận chuyển hàng hoá, toàn tỉnh vận chuyển 6.264 nghìn tấn, tăng 4,1%; luân chuyển 400.686 nghìn tấn.km, tăng 4,8%. Doanh thu vận tải quý I ước 561,8 tỷ đồng, tăng 10,9%; trong đó doanh thu vận tải hành khách 124,6 tỷ đồng, tăng 13,5%; doanh thu vận tải hàng hóa 423,2 tỷ đồng, tăng 10%.
Hoạt động Du lịch: Năm 2013, nằm trong chương trình tôn vinh và phát huy các giá trị di sản văn hoá, nhất là bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là dân ca Quan họ Bắc Ninh và đón nhận danh hiệu di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” nên ngay từ đầu năm, nhiều sự kiện văn hoá và lễ hội truyền thống lớn đã được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Vì thế, lượng du khách trong và ngoài nước đến Bắc Ninh trong quý I tăng cao. Tổng doanh thu du lịch ước 58,6 tỷ đồng, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước; tổng lượt khách ước 73,8 nghìn lượt, tăng 14,4%; tổng ngày khách ước 82,5 ngày khách, tăng 18,6%.
Hoạt động Bưu chính viễn thông: Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục giảm, mặc dù các DN thuộc lĩnh vực này luôn áp dụng nhiều hình thức khuyến mại nhưng số khách hàng đăng ký thuê bao sử dụng các loại dịch vụ viễn thông vẫn tăng thấp do nhu cầu đã bão hoà, nhất là thuê bao cố định ngày càng giảm mạnh. Trong quý I, toàn tỉnh phát triển thêm được 29,7 nghìn thuê bao điện thoại các loại, giảm 16,4% so cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, số thuê bao Internet lại tăng nhanh, nhất là thuê bao không dây (3G). Trong quý I, toàn tỉnh đã có thêm 3,3 nghìn thuê bao đăng ký, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2012. Như vậy, đến cuối quý I toàn tỉnh còn 1.179,8 nghìn thuê bao điện thoại các loại trên mạng, tăng 2,9% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, còn 161,4 nghìn thuê bao cố định, giảm 11,5%; có 1.018 nghìn thuê bao di động, tăng 5,4%; có 67,4 thuê bao Internet, tăng 2,4%
6. Hoạt động Tài chính - Ngân hàng và Tín dụng
Hoạt động Tài chính:Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I là 2.033,8 tỷ đồng, đạt 17,7% KH năm, giảm 12,5% so cùng kỳ; trong đó, thu trong cân đối 2.010,7 tỷ đồng giảm 8,7%; một số khoản thu có mức giảm so với quý I/2012 như: thu từ DNNN địa phương 26,6 tỷ đồng, giảm 21,4%; thu phí, lệ phí đạt 5,1 tỷ đồng, giảm 17%; thu tiền sử dụng đất 78,7 tỷ đồng, giảm 62,8%; thu từ hải quan 654,5 tỷ đồng, giảm 26,6%. Tổng chi ngân sách địa phương quý I là 1.923,7 tỷ đồng, đạt 29,69% KH năm, tăng 7,5% so với quý I/2012; trong đó, chi cho đầu tư phát triển gấp 2,9 lần, chi thường xuyên đạt 610,9 tỷ đồng, giảm 12,2%.
Hoạt động Ngân hàng - Tín dụng: Lãi suất tiết kiệm cao, giá vàng và USD không ổn định đã giúp cho các tổ chức tín dụng và ngân hàng trên địa bàn tỉnh huy động vốn thuận lợi hơn. Tổng nguồn vốn huy động tín dụng đến cuối tháng 3 ước 28.500 tỷ đồng, tăng 8,2% so tháng trước, tăng 54,5% so cùng tháng năm trước và tăng 5% so với cuối năm 2012; trong đó, huy động từ tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 17.150 tỷ đồng, tăng 3%, tăng 58,9% và tăng 12,7%. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn nên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 3 đạt 29.400 tỷ đồng, chỉ tăng 1%, tăng 10,6% và giảm 0,4%; trong đó, cho vay ngắn hạn là 18.100 tỷ đồng, tăng 2%, tăng 8,8% và giảm 2%. Nợ xấu tiếp tục giảm, đến cuối tháng 3 là 950 tỷ đồng, với tỷ lệ chiếm 3,2%/tổng dư nợ, trong khi cùng thời điểm này năm trước là 1.620 tỷ đồng và tỷ lệ là 6,1%. Tổng thu tiền mặt trong quý I đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so quý I/2012; tổng chi tiền mặt là 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6%; bội thu tiền mặt đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức 308 tỷ đồng của quý I/2012.
II. HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA – XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và công tác xã hội
Đời sống của người lao động ổn định, an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, trong quý I, các ngành, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức thăm hỏi, tặng 63.410 suất quà với tổng kinh phí là 15,3 tỷ đồng. Các nhà hảo tâm tặng quà cho đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người cao tuổi với 15.901 suất quà, tương ứng số tiền 5,3 tỷ đồng; trợ giúp khó khăn và giáp hạt 1.161 hộ với 2.810 nhân khẩu, tổng trị giá 573,2 triệu đồng. Cấp 35.316 thẻ BHYT cho người nghèo (đạt 100%). Tổng hợp phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Công tác bảo hiểm được ngành chức năng và các địa phương chủ động triển khai, đôn đốc nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động. Ước tính trong quý I, toàn tỉnh có 548.764 người tham gia đóng bảo hiểm các loại, tăng 26% so cùng kỳ năm trước; trong đó, có 152.754 người đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 30,3%; tổng số tiền thu bảo hiểm các loại 442,9 tỷ đồng, tăng 56,8% so cùng kỳ; trong đó, thu từ BHTN là 23,1 tỷ đồng, tăng 9,8%. Công tác chi bảo hiểm, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện kịp thời, đầy đủ, an toàn và chính xác đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Quý I, toàn tỉnh chi 483,1 tỷ đồng, gấp 2 lần so cùng kỳ năm trước; trong đó chi từ quỹ BHXH là 373,8 tỷ đồng, gấp 3,1 lần, chi cho BHYT là 109,2 tỷ đồng, giảm 6,8%.
2. Lao động và việc làm
Kinh tế tăng trưởng thấp, sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn do sản phẩm tồn đọng nhiều, số doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản, tạm ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng nên số lao động bị cắt giảm, mất việc làm tăng cao, nhất là khu vực doanh nghiệp dân doanh. Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý I, tỷ lệ lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1,16%, trong đó khu vực thành thị là 1,58% (cùng kỳ năm trước, số liệu tương ứng là 0,95% và 1,22%). Mặc dù, các cơ sở, trung tâm giới thiệu việc làm vẫn tích cực tìm kiếm, hướng dẫn và giải quyết việc làm mới nhưng kết quả đạt rất thấp. Trong quý I, tính toàn tỉnh giải quyết việc làm mới được 329 lao động, đạt 1,27% KH năm, bằng 4,7% so quý I/2012; trong đó, xuất khẩu 20 lao động, đạt 1,11% kế hoạch năm; Toàn tỉnh đã trợ cấp thất nghiệp cho 809 người, hiện nay có thêm hàng nghìn lao động đang chờ việc và có khả năng sẽ phải trợ cấp thất nghiệp trong tháng tới. Trong 3 tháng, tổ chức đào tạo nghề 4.300 lượt người, tăng 10,3% so cùng kỳ năm trước.
3. Giáo dục - Đào tạo
Năm học 2012-2013, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, ngành học, đảm bảo thực chất; thực hiện điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng giảm tải; đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định của Bộ GD-ĐT. Quy mô giáo dục mầm non và phổ thông được duy trì ổn định, hiện tượng học sinh bỏ học giảm dần. Giữa năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 67.732 học sinh mầm non, giảm 0,7% so với năm học trước; cấp tiểu học có 85.280 học sinh, tăng 2,9%; trung học cơ sở có 62.708 học sinh giảm 0,5%; trung học phổ thông có 40.493 học sinh giảm 4%. Số phòng học được xây mới, kiên cố hoá là 468 phòng; trong đó cho khối mầm non là 195 phòng, khối tiểu học là 125 phòng và khối trung học là 148 phòng. Lực lượng giáo viên cũng được tăng cường ở tất cả các cấp học đảm bảo đủ định mức qui định. Toàn tỉnh có 13.682 giáo viên các cấp, tăng 0,6% so với năm học trước; trong đó bậc mầm non có 3.323 giáo viên, giảm 8,7%; bậc tiểu học có 4.081 giáo viên, tăng 7,5%; bậc THCS có 3.934 giáo viên, tăng 3,7% và bậc THPT có 2.344 giáo viên, giảm 1,2%. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2013, đội tuyển tỉnh Bắc Ninh đã có 38/54 thí sinh dự thi đạt giải, chiếm 70,4%, trong đó có 2 giải Nhất, 10 giải Nhì, 12 giải Ba và 14 giải Khuyến khích.
Về Đào tạo, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 trường, trong đó có 10 trường cao đẳng, đại học; 8 trường trung học chuyên nghiệp và 9 trường dạy nghề. Số HS/SV tăng mới chủ yếu là do các trường đã mở rộng thêm nhiều ngành nghề đào tạo để đáp ứng kịp thời lao động có tay nghề cho các DN vốn đang thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Để đáp ứng quy mô đào tạo, các trường đã chú trọng và đầu tư kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cấp phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng ở… đảm bảo cho HS/SV yên tâm học tập đạt kết quả tốt và có khả năng ứng dụng vào công việc thực tế ngay sau khi tốt nghiệp.
4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Trong quý I, với đặc thù cùng với Tết cổ truyền còn có nhiều lễ hội, lại là thời kỳ giao mùa, dịch bệnh dễ phát sinh nên hoạt động y tế được quan tâm ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt là công tác chăm sóc ban đầu ở tuyến y tế cơ sở. Trước tình hình dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng có nguy cơ tái phát cao, ngành Y tế đã chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan sang người. Quý I năm nay số người đến khám chữa bệnh tăng khá cao, với 240,7 nghìn lượt người tăng 16,3% so quý I/2012; trong đó có 24,7 nghìn người điều trị nội trú, tăng 15%. Toàn ngành thực hiện 3.082 ca phẫu thuật các loại, tăng 12,8%. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành Y tế phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chặt chẽ nên trong quý I đã không xảy ra vụ ngộ độc thức ăn và thực phẩm nghiêm trọng nào.
Các chương trình y tế quốc gia được quan tâm chỉ đạo, đầu tư và tổ chức thực hiện; trong quý I, toàn tỉnh đã có thêm 42.915 người mới sử dụng các biện pháp tránh thai, đạt 73,6% KH năm và tăng 8,6% so quý I/2012; tiêm AT cho phụ nữ có thai 6.204 người, đạt 21,7% KH năm, tăng 20,2%; tiêm phòng miễn dịch cơ bản cho 7.373 cháu đạt 25,8% KH, tăng 68,8%. Tuy nhiên, tình hình sinh đẻ nói chung và sinh con thứ 3 trở lên trong toàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng tăng. Theo số liệu của ngành Y tế, trong quý I ước tính toàn tỉnh có thêm 7.083 trẻ em mới sinh, tăng trên 30% so với quý I/2012; trong đó có 1.132 trẻ em là con thứ 3 trở lên, chiếm 16% tổng số trường hợp sinh trong quý I, tăng 3% so quý I/2012. Qua hai tháng đầu năm thực hiện xét nghiệm sàng lọc máu phát hiện thêm 6 người nhiễm HIV nâng tổng số người nhiễm HIV từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh lên 2.267 người, trong đó số bệnh nhân AIDS là 861 người, tử vong do AIDS là 656 người.
5. Văn hoá và thể dục thể thao
Công tác thông tin tuyên truyền trong quý I được thực hiện bằng nhiều hình thức nội dung tập trung tuyên truyền mừng Đảng, mừng Xuân Quý Tỵ 2013; chương trình hành động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; ngày giao quân tại các địa phương trong tỉnh; tổ chức đợt chiếu phim chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, kỷ niệm 60 năm ngày Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013); tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, ngày Thể thao Việt Nam 27/3; tuyên truyền về đợt lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân tham gia đóng góp sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sửa đổi Luật Đất đai…Toàn tỉnh đã kẻ vẽ, cắt dán trên 500 khẩu hiệu vượt đường, 1.810 khẩu hiệu trên panô, cụm cổ động trực quan, căng hơn 5.000 băng zôn vượt đường, 3.000 m2 panô, treo hơn 10 nghìn lượt cờ hồng kỳ và cờ dây các loại; tổ chức 38 buổi biểu diễn nghệ thuật, 208 buổi chiếu bóng, phát hành được 1.427 đĩa “Quan họ” các loại. Đặc biệt, nhân dịp “Năm Du lịch Quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng”, UBND tỉnh đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ năm 2013” và Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghề làm Tranh dân gian Đông Hồ” vào tối 16/3 tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và tiếp tục phát triển về bề rộng, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao sôi nổi vào dịp đầu xuân, các lễ hội, ngày thành lập Đảng, ngày Quốc tế Phụ nữ…Ở cấp tỉnh, đã tổ chức thành công nhiều giải thể thao như: cầu lông, bóng chuyền, võ cổ truyền, cờ vua, cờ tướng. Hiện nay, đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức giải: Vật tự do và dân tộc tỉnh Bắc Ninh năm 2013; Giải chạy “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước” Cúp Báo Bắc Ninh lần thứ XVII. Thể thao thành tích cao, duy trì công tác đào tạo, huấn luyện các vận động viên năng khiếu, quản lý các vận động viên trong và ngoài giờ huấn luyện; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cử các đoàn VĐV tham gia giải Cup Vật tự do, cổ điển, giải Cup Boxing toàn quốc năm 2013…
6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội
Công tác thanh tra KT-XH: Trong quý I, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện tổng số 42 cuộc thanh tra, kiểm tra, tại 182 đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế; tiếp 559 lượt công dân đến khiếu kiện, có 4 đoàn đông người và tiếp nhận 414 đơn thư. Đã tiến hành giải quyết được 17/22 đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt 77%. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị đã xử lý về kinh tế 7.548,7 triệu đồng, trong đó thu hồi về tài khoản tạm giữ 3.902,3 triệu đồng; giảm trừ quyết toán 1.899,3 triệu đồng; phạt hành chính 352,5 triệu đồng và xử lý khác là 1.394,6 triệu đồng.
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Ngành công an đã chủ động phối hợp với các ngành và các địa phương liên tục mở các đợt cao điểm tấn công và trấn áp tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm hình sự vẫn có dấu hiệu gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi. Tính đến ngày 10/3, toàn tỉnh đã xảy ra 180 vụ phạm pháp hình sự, tăng 55,2% so cùng thời điểm năm trước (trong đó, có 25 vụ trọng án, tăng 78,6%); phát hiện và bắt giữ 89 vụ buôn bán ma tuý các loại; bắt giữ và xử lý 117 người, thu 1.889 gam ma tuý các loại; xảy ra 4 vụ cháy, nổ (giảm 5 vụ) làm 2 người chết với tổng trị giá thiệt hại về tài sản là 2.920 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ các lực lượng công an luôn chủ động đối phó và kiên quyết trấn áp, tấn công nên an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn tỉnh vẫn được giữ vững.
An toàn giao thông: Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn trật tự an toàn giao thông tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện. Cùng với việc tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung ở những địa bàn trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm luật lệ an toàn giao thông. Đến ngày 10/3, các lực lượng đã kiểm tra và xử lý vi phạm đối với 14.500 lượt phương tiện, số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là 8,1 tỷ đồng; so cùng thời điểm năm trước tăng 6.201 lượt phương tiện và tăng 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn chưa được kiểm chế; đến ngày 10/3, trên các tuyến đường bộ đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, làm chết 23 người, thiệt hại về kinh tế hơn 76 triệu đồng; so cùng kỳ năm trước tuy giảm 4 người chết, nhưng số vụ không giảm.
B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Chỉ thị số 02/2013/CT-UBND ngày 08/01/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển KT- XH năm 2013; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 18/01/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh về tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trước tình hình kinh tế dự báo còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh năm 2013 đã đề ra, đòi hỏi trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục
- Tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa không để lạm phát tăng cao, tiếp đà tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh và bền vững của sự phát triển; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách của trung ương vào điều kiện cụ thể của tỉnh, trong đó đáng chú ý là thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cấu trúc nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết TW3, khoá XI đã đề ra (tập trung tái cấu trúc đầu tư công); triển khai thực hiện Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh 2013-2020; các ngành, địa phương sớm hoàn thành việc rà soát, phân loại các dự án đầu tư, xử lý nợ đọng theo Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 25/12/2012 của Ban thường vụ Tỉnh Ủy Bắc Ninh về tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, vốn Trái phiếu Chính phủ trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, các dự án về xử lý môi trường
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo, chuẩn bị phương tiện, phương án huy động lực lượng phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh để bảo đảm an toàn, ổn định phát triển sản xuất và đời sống nhân dân
- Thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời chỉ đạo sản xuất, dự trữ, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt. Kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp găm giữ hàng, đầu cơ, đưa tin thất thiệt về tình hình tài chính, tiền tệ, khan hiếm nguồn hàng... để nâng giá bán, gây bất ổn thị trường, giá cả.
- Điều hành ngân sách có hiệu quả, tích cực thu bằng các giải pháp quyết liệt, thu triệt để tình trạng nợ đọng, nhất là nợ từ các dự án thuê đất, xây nhà ở để bán, đấu giá quyền sử dụng đất, phấn đấu tăng thu, thực hiện cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm, hiệu quả chi và giảm bội thi NSNN. Thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm điện, giảm nhu cầu về điện năng.
- Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư. Tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, theo hướng lựa chọn phát triển bền vững, tăng cường quản lý nhà nước đối với loại hình kinh tế này. Đồng thời chủ động thu hút đầu tư trong nước, trong tỉnh, nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ, tập trung vào các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế phát triển và giá trị gia tăng cao như: Vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại, du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; đi đôi với đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, các giải pháp chăm sóc khách hàng, giảm chi phí hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ.
- Huy động tối đa, sử dụng và quản lý tốt các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân
- Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo chất lượng thực chất, xử lý kiên quyết với bệnh thành tích trong giáo dục; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá nghệ thuật, phát thanh truyền hình, phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của nhân dân.
- Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tóm lại: Trong quý I, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời đã giúp giảm bớt khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nổi bật là: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; chỉ số giá tiêu dùng giảm, lạm phát từng bước được kiểm soát; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được khống chế kịp thời; sản xuất vụ xuân đảm bảo tiến độ gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất; sản xuất công nghiệp giữ tăng trưởng cao; hoạt động ngoại thương tiếp tục sôi nổi. Tuy nhiên, cũng có không ít ngành và lĩnh vực đạt kết quả thấp như: thu ngân sách nhà nước; quy mô sản xuất vụ đông tiếp tục bị thu hẹp; phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông chưa được kiềm chế; tỷ lệ sinh con thứ 3 chưa có dấu hiệu giảm. Vì thế, để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phấn đấu vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế và tầng lớp nhân dân trong thời gian tới./.

Website UBND Đà Nẵng

    Tổng số lượt xem: 1408
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)