(MPI Portal) – Đó là nội dung buổi Hội thảo quốc tế được tổ chức ngày 1/4 trong khuôn khổ Chương trình chia sẻ kinh nghiệm do Chính phủ Ai-len tài trợ, nhằm công bố và thảo luận một số kết quả nghiên cứu giữa các chuyên gia của Việt Nam và Ai-len về các vấn đề của thị trường lao động Việt Nam.
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì cùng bà Fiona Quinn, Phó Ban Phát triển, Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu về kinh tế xã hội và nguồn nhân lực Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu vượt bậc, từ nhóm nghèo Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Song bên cạnh đó còn tồn tại nhiều bất ổn cần phải giải quyết như các vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Nhiệm vụ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới cần tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực. Do đó, Việt Nam cần xác định mục tiêu động lực mới, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng vào khoa học công nghệ và con người.
Nhận thức rõ nhu cầu đánh giá khách quan và toàn diện về lực lượng lao động Việt Nam và có những đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trở thành động lực phát triển, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCSEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp tác với Viện nghiên cứu Kinh tế - xã hội (ESRI) Ai-len đã đưa ra kết quả nghiên cứu và chia sẻ thông tin với các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thu được những đề xuất thiết thực cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Nghiên cứu “Nhìn lại nguồn cung lao động Việt Nam giai đoạn 2002-2012” của nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Văn Thuật, Ban Nghiên cứu và phát triển ứng dụng CNTT, NCSEIF làm trưởng nhóm đã làm rõ nguồn cung lao động của Việt Nam trên cơ sở phân tích tổng quát về sự phát triển của lực lượng lao động, cũng như phân tích và so sánh tỷ lệ tham gia lực lượng lao động theo giới tính tại Việt Nam nói chung và ở khu vực nông thôn, thành thị nói riêng. Kết quả cho thấy, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và đang phát triển, tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm, do vậy áp lực tạo việc làm mới là rất cao.
Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn đang có xu hướng giảm dần và tăng lên ở khu vực thành thị. Đây là hai xu hướng tích cực phản ánh thành quả trong tiến trình phát triển nói chung của Việt Nam. Tuy nhiên, điểm hạn chế của lực lượng lao động Việt Nam là chất lượng còn thấp, ngành nghề đào tạo đáp ứng kém so với yêu cầu của thực tiễn công việc cũng như của thị trường lao động. Tỷ lệ tham gia lao động tại Việt Nam nói chung đang xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ lệ nữ cao hơn so với phần lớn các nước trên thế giới.
|
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCSEIF chủ trì chuyên đề Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong khi đó, nghiên cứu “Sự chuyển đổi của thị trường lao động Trung Quốc và những vấn đề trong trung hạn” của TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, VERP đã cho thấy những so sánh thú vị. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc trong 30 năm qua dựa trên lao động giá rẻ và chi phí vốn thấp. Tuy nhiên, thị trường lao động Trung Quốc đang ở trong quá trình biến đổi nhân khẩu học, tác động không nhỏ đến việc quốc gia này có thể trở thành cường quốc chế tạo hay không bởi cung lao động sẽ giảm dần, chi phí lao động tăng mạnh, do đó Trung Quốc phải nhanh chóng tìm cách chuyển đổi và thích nghi với việc tăng trưởng dựa vào lao động có trình độ cao hơn nhằm đáp ứng mục tiêu sáng tạo để tạo ra tăng trưởng dài hạn.
Kết quả nghiên cứu hỗn hợp giữa nhóm chuyên gia của NCSEIF và ESRI Ai-len về lợi tức giáo dục và cầu lao động ở Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của Ai-len khi lợi tức giáo dục thay đổi trong giai đoạn bùng nổ kinh tế. Đối với trường hợp của Việt Nam, sử dụng số liệu từ Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam trong hai năm 2002 và 2010, nghiên cứu đã phân tích lợi tức giáo dục mà cá nhân nhận được thể hiện ở mức lương (bằng phương trình Mincer), sau đó tính toán để xem xét cầu lao động đối với mỗi trình độ giáo dục trong giai đoạn này.
Các kết quả về sự thay đổi lợi tức giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2002-2010 phù hợp với lý thuyết thay đổi công nghệ dựa trên kỹ năng. Cầu lao động tương đối ở nam và nữ đều tăng trong giai đoạn 2002-2010, đặc biệt tăng mạnh đối với nhóm có trình độ dạy nghề trở lên và sau đại học.
Những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt (trên 7%) có thể là bối cảnh tốt cho sự gia tăng lợi tức giáo dục và cầu về lao động có kỹ năng. Bên cạnh đó, do tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Việt Nam rất thấp, nền kinh tế thiếu những lao động có trình độ tốt nên mức lương cho người có trình độ cao vẫn sẽ tăng, thể hiện mức cầu cao.
Với các nhà lập chính sách, Việt Nam đang rất cần các giải pháp cụ thể trong cải cách giáo dục và đào tạo cũng như trong phổ biến thông tin về lợi tức của giáo dục để thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư cho giáo dục và đào tạo của các cá nhân. Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhằm nâng cao trình độ giáo dục cho người dân nói chung và người lao động nói riêng nhưng thực trạng chưa được cải thiện đáng kể, vẫn cần những sáng kiến, giải pháp mới cho vấn đề này tại Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư