Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/06/2013-15:43:00 PM
Tại sao giá rẻ trúng thầu

Khi đi mua hàng, ai cũng mong mua được giá rẻ. Vì thế, để kích cầu, các chương trình khuyến mãi mọc lên như nấm sau mưa. Người mua, kẻ bán đều hỉ hả, người mua mua được món hời, kẻ bán đẩy được hàng tồn kho. Nhưng cái hỉ hả của người mua kẻ bán đó có lẽ chỉ dành cho các giao dịch mua bán thông thường ngoài xã hội với tiền túi của người dân. Nhắc tới mua sắm bằng tiền Nhà nước, người mua kẻ bán có hỉ hả hay không có trời mới biết, nhưng xã hội rõ ràng có vẻ chẳng vui vẻ chút nào, cũng vì câu chuyện mua “giá rẻ”.

Ảnh: Nhã Chi

Đem băn khoăn này hỏi một chuyên gia lão luyện về đấu thầu, tại sao khi mua sắm bằng tiền Nhà nước lại chỉ sử dụng tiêu chí giá rẻ trúng thầu thì được giải thích rằng, Luật Đấu thầu không quy định như vậy. Nhà thầu, trước khi được xem xét về giá, phải đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, có kỹ thuật đáp ứng thì mới được xem xét về tài chính, nghĩa là cho đến giai đoạn so sánh về giá và các yếu tố trên cùng một mặt bằng được lượng hóa thành tiền, thì nhà thầu trước hết phải vượt qua một loạt các bước trước đó. Vậy khi nhà thầu vượt qua một loạt các bước này, khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà thầu đến đâu, có thể đảm đương thực hiện gói thầu hay không?
Với câu hỏi này, có thể thấy ngay câu trả lời là “Có”, nhưng nếu câu trả lời là “Có”, thì tại sao dư luận lại phải bức xức về vấn đề “giá rẻ trúng thầu” đến thế, thậm chí các chuyên gia còn tranh luận nảy lửa trên báo, trên mạng về vấn đề này? Giá rẻ, nhà thầu đáp ứng yêu cầu, đáng lẽ xã hội phải vui mừng rồi mới phải chứ?
Tìm hiểu thêm, người viết ngộ ra rằng, có lẽ câu trả lời trên là chưa đủ. Có lẽ phải chú thích thêm là “có, về mặt lý thuyết”. Cái “về mặt lý thuyết” này tưởng dễ, nhưng nếu không phải là “dân trong nghề”, lăn lộn với công tác đấu thầu nhiều năm, khó mà có hiểu biết, nắm bắt đúng đắn. Thứ nhất là nhà thầu phải đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm. Trong yêu cầu về năng lực thì có năng lực về kỹ thuật như yêu cầu về các máy móc thiết bị chủ yếu (trong xây lắp), yêu cầu về nhân sự, đặc biệt là các nhân sự chủ chốt (kinh nghiệm, bằng cấp…); có năng lực về tài chính (chẳng hạn doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu phải đạt giá trị bao nhiêu, khả năng lỗ lãi trong vài năm gần đây…). Về kinh nghiệm, cụ thể là nhà thầu đã thực hiện bao nhiêu hợp đồng tương tự như gói thầu mà nhà thầu đang dự thầu, giá trị các hợp đồng đó là bao nhiêu…
Phàm là nhà thầu đi dự thầu mà “không nhằm mục đích bị loại”, nghĩa là không phải là “quân xanh” cho một “quân đỏ” nào đó, thì cái bước xem xét năng lực, kinh nghiệm, với thực trạng công tác đấu thầu hiện nay, e rằng cũng là việc dễ như trở bàn tay. Đơn giản, khi đọc hồ sơ mời thầu (HSMT), nếu điều kiện tối thiểu là năng lực, kinh nghiệm mà không đáp ứng thì nhà thầu chẳng dại nộp hồ sơ dự thầu. Đại thể là vậy, tuy có một số trường hợp chủ đầu tư rất chuyên nghiệp, đưa ra các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm bài bản, then chốt để chọn được nhà thầu tốt. Chẳng hạn, tại gói thầu Nhiệt điện Cẩm Phả 1, ngoài yêu cầu về nhà thầu chính, chủ đầu tư còn đưa ra yêu cầu về năng lực đối với nhà thầu phụ thiết kế lò hơi, là bộ phận quan trọng của gói thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện. Theo đó, HSMT yêu cầu nhà thầu phụ thiết kế lò hơi phải có chứng chỉ kinh nghiệm thiết kế lò hơi về nhiệt điện đốt than công suất 100 MWe. Các lò hơi phải có thời gian vận hành thương mại thành công ít nhất là 36 tháng tính từ ngày mở thầu. Với quy định như vậy, nhà thầu Công trình điện Cáp Nhĩ Tân - HPE đã bị loại khi tham gia đấu thầu trong cuộc đấu thầu lần thứ hai của gói thầu này. Lý do là đề xuất của HPE về nhà thầu phụ thiết kế lò hơi là một nhà thầu Trung Quốc không đảm bảo yêu cầu của HSMT. Sau đó, nhà thầu này đã bày tỏ được tiếp tục tham gia Dự án và đề xuất chọn lò hơi do Công ty Foster Wheeler North American - một trong hai nhà sản xuất lò hơi hàng đầu thế giới, thiết kế và bảo hành. Công ty lò hơi Harbin chế tạo lò hơi dưới sự giám sát của Foster Wheeler. Ở lần đàm phán giữa chủ đầu tư và các nhà thầu (bao gồm nhà thầu Marubeni và nhà thầu HPE), nhà thầu HPE đã được chấp nhận. Trong ví dụ này, nhà thầu HPE đã phải thay đổi nhà thầu phụ thiết kế lò hơi từ một nhà thầu Trung Quốc kém chất lượng sang một nhà thầu Mỹ - một trong hai nhà sản xuất lò hơi hàng đầu thế giới. Ví dụ này minh họa rằng, nếu yêu cầu về năng lực trong HSMT sát sao, đầy đủ thì sẽ chọn được nhà thầu tốt, đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phân cấp mạnh như ở Việt Nam, người người, nhà nhà là chủ đầu tư, là cán bộ đấu thầu, việc đưa ra một HSMT tốt quả là khó khăn. Thêm vào đó, với các gói thầu mua sắm thiết bị đặc thù, hoặc các gói thầu xây lắp yêu cầu công nghệ cao thì chủ đầu tư mới đầu tư công sức, thậm chí thuê tư vấn quốc tế lập HSMT để đưa ra các yêu cầu về năng lực khác biệt như ở ví dụ trên. Còn lại các gói thầu thông thường thì đối với yêu cầu năng lực và kinh nghiệm thường đại khái, cũng chỉ loanh quanh yêu cầu ở mức doanh thu bình quân, số năm hoạt động, cán bộ chủ chốt…. Hầu như ít thấy gói thầu nào mà HSMT nêu rõ sẽ loại nhà thầu có công trình tương tự trước đó đã thực hiện kém chất lượng, hoặc thời gian thực hiện hợp đồng bị đình trệ, kéo dài, một nội dung mà cán bộ đấu thầu ở các nước trên thế giới rất coi trọng. Có thể là vì ở nước ta, việc kiểm chứng để chứng minh, loại nhà thầu do công trình trước đó kém chất lượng, nhà thầu làm ăn gian dối… là khó khăn chăng? Hay là bởi vì nếu quy định như vậy, e rằng trong khi chưa kịp loại nhà thầu nước ngoài kém chất lượng, đã phải loại nhà thầu Việt Nam trước?
Vậy là, hầu như nhà thầu nào thật sự muốn tham gia đấu thầu đều có thể vượt qua cửa ải năng lực - kinh nghiệm này. Câu trả lời “có, về mặt lý thuyết” thể hiện ở đây là vậy. Về lý thuyết thì có thể loại một số nhà thầu kém chất lượng ở bước này, nhưng trên thực tế thì hầu như khó loại được nhà thầu, trừ các nhà thầu làm “chân gỗ”.
Tiếp đến là bước đánh giá về kỹ thuật. Để vượt qua bước này cũng không hẳn dễ dàng gì, tuy cũng không phải là quá khó khăn, đặc biệt đối với các nhà thầu Trung Quốc như vừa qua dư luận đã phát hiện. Một trong những lý do là HSMT không đưa ra được những yêu cầu then chốt để loại nhà thầu kém. Ngoài ra, nhà thầu thường đưa ra hồ sơ dự thầu rất đẹp, yêu cầu nào của HSMT cũng đáp ứng. Do vậy, trên lý thuyết, đáng lẽ có thể sử dụng hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật để loại bỏ nhà thầu kém chất lượng nhưng trên thực tế, với chất lượng và tính ít chuyên nghiệp của chủ đầu tư, cán bộ đấu thầu hiện nay, việc loại bỏ các nhà thầu kém chất lượng nhưng “ma mãnh” là việc khó khăn.
Ảnh: Lê Tiên
Bước cuối cùng mà nhà thầu được xem xét, so sánh sau khi vượt qua các bước trên, chính là đưa về giá đánh giá. Cụ thể, giá dự thầu sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, đưa về một đồng tiền chung (nếu có) sẽ được cộng với chi phí trên cùng một mặt bằng. Chi phí trên cùng một mặt bằng là các yếu tố như tiến độ thực hiện, chi phí bảo dưỡng, quản lý, vận hành trong suốt vòng đời của hàng hóa, các điều kiện về tài chính, thương mại… được lượng hóa bằng tiền. Giá đánh giá dùng để so sánh các hồ sơ dự thầu. Đơn cử, một máy tính xách tay của Sony xuất xứ từ Trung Quốc đều đáp ứng các thông số kỹ thuật như máy tính Sony xuất xứ từ Nhật Bản, do đó hàng rào kỹ thuật không thể loại được máy tính Sony xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, sử dụng giá đánh giá lượng hóa độ bền, chi phí bảo dưỡng… thành tiền, chủ đầu tư có thể chọn được máy tính Sony xuất xứ từ Nhật Bản.
Khổ nỗi, việc xây dựng công thức xác định giá đánh giá là công việc khó nhất, là phần tinh túy nhất của HSMT, không phải chuyên gia nào cũng thực hiện được. Thế là, dù pháp luật có quy định rõ về giá đánh giá nhưng chủ đầu tư không tận dụng được, đặc biệt đối với gói thầu xây lắp, rốt cuộc, thay vì so sánh giá đánh giá của các nhà thầu, chủ đầu tư đành phải so sánh giá dự thầu của các nhà thầu.
Câu chuyện tại sao giá rẻ trúng thầu, cũng như câu trả lời “có, về mặt lý thuyết”, là vậy! Lý thuyết ở chỗ, là với quy định như vậy, với các bước được tiến hành bài bản, sẽ chọn được nhà thầu tốt như trên thế giới vẫn làm được. Tuy nhiên, với thực trạng ở Việt Nam, nơi mà trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp, công tâm của chủ đầu tư, cán bộ đấu thầu còn hạn chế so với thế giới, vai trò của các công cụ xử phạt, tính pháp chế… không cao, “lý thuyết” không hoàn toàn phản ánh đúng “thực tế”.
Vậy thì, lỗi này là của ai bây giờ?
Lỗi của chủ đầu tư? Ở đời có ai chịu nhận mình kém bao giờ. Lỗi nhà thầu ma mãnh? Nhà thầu cũng có người nọ, người kia, ở nước nào chẳng thế. Thế thì lỗi tại… cơ chế vậy. Cơ chế ở đây là Luật Đấu thầu đưa ra phương pháp giá đánh giá “cao” so với trình độ của chủ đầu tư, vốn là phương pháp cần người có kiến thức và công tâm, nên mặc dù giá đánh giá ở nước ngoài được áp dụng rất thông dụng, ở Việt Nam vẫn là khái niệm mà chỉ một số ít chủ đầu tư giỏi, chuyên nghiệp mới nắm bắt được, hay là có lý do khác?
Hầu như ít thấy gói thầu nào mà HSMT nêu rõ sẽ loại nhà thầu có công trình tương tự trước đó đã thực hiện kém chất lượng, hoặc thời gian thực hiện hợp đồng bị đình trệ, kéo dài, một nội dung mà cán bộ đấu thầu ở các nước trên thế giới rất coi trọng. Có thể là vì ở nước ta, việc kiểm chứng để chứng minh, loại nhà thầu do công trình trước đó kém chất lượng, nhà thầu làm ăn gian dối… là khó khăn chăng? Hay là bởi vì nếu quy định như vậy, e rằng trong khi chưa kịp loại nhà thầu nước ngoài kém chất lượng, đã phải loại nhà thầu Việt Nam trước?
Thực ra, nguyên nhân sâu xa của việc giá rẻ trúng thầu không hẳn hoàn toàn là do nhà thầu ma mãnh, cũng không phải do không áp dụng được phương pháp giá đánh giá, mà là do dự toán của gói thầu, hay nói cách khác, là do… ít tiền. Nguyên nhân của dự toán thấp thì nhiều, nào là phải xây dựng dự án với chi phí thấp để dễ được thông qua, rồi nguồn vốn thiếu hụt, rồi quy định về cách xây dựng dự toán… Để dễ hiểu, hãy trở lại ví dụ mua máy tính xách tay Sony. Nếu dự toán được duyệt chỉ có 10 triệu đồng, làm sao có thể mua được máy tính xuất xứ Nhật Bản có giá 20 triệu? Vậy là ngay từ khi duyệt dự toán 10 triệu đồng, chủ đầu tư đã ngầm “chỉ định thầu” là mua máy tính có xuất xứ từ Trung Quốc. Việc đấu thầu sau này như xem xét yêu cầu năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật… hóa ra cũng chỉ hình thức. Người viết nhiều lần được chủ đầu tư than thở rằng thực ra hoàn toàn có thể loại được nhà thầu kém chất lượng ở bước kỹ thuật hoặc giá đánh giá, nhưng cuối cùng không thể loại được vì với giá tiền đó không thể mua được hàng hóa chất lượng cao hơn.
Để dễ hình dung, hãy so sánh chi phí thực hiện gói thầu Nhiệt điện đốt than Nghi Sơn 1 với Nhiệt điện Hải Phòng 1 với cùng quy mô công trình là 2 tổ máy 300 MW. Nhiệt điện đốt than Nghi Sơn 1 được tài trợ bởi nguồn vốn ODA của Nhật Bản có giá ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu Marubeni quy đổi ra USD là 959 triệu USD. Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 22/7/2010. Ở dự án Nhiệt điện Hải Phòng 1, giá ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu liên danh Đông Phương + Marubeni (nhà thầu Đông Phương - Trung Quốc là nhà thầu chính thực hiện hợp đồng) là 355,1 triệu USD + 8,69 tỷ yên + 600 tỷ đồng, tương đương 480 triệu USD. Hợp đồng được ký kết vào ngày 26/11/2005. Mặc dù vật giá thay đổi nhiều từ năm 2005 - 2010 nhưng giá trúng thầu của dự án do nhà thầu Nhật Bản thực hiện gấp đôi giá do nhà thầu Trung Quốc thực hiện cũng phản ánh phần nào thực tế là “tiền nào của nấy”.
Vì vậy, trước khi gắn cho Luật Đấu thầu cái “tội” giá rẻ trúng thầu, việc cần làm là cải cách việc xây dựng dự toán, dự án đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm, tính công tâm, chuyên nghiệp của chủ đầu tư, cán bộ đấu thầu cũng như có cơ chế xử phạt nghiêm minh cho các hành vi sai phạm./.

Thúy Hằng
Báo Đấu thầu

    Tổng số lượt xem: 1795
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)