Tiếp tục dấu hiệu khởi sắc của 6 tháng đầu năm nay, trong quý 3, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước khởi sắc rõ nét hơn với mức tăng trưởng GDP là 10,3%, cao hơn nhiều so với quý 3 năm trước chỉ tăng 9,6%.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khẳng định, thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các lĩnh vực đầu tư, thương mại dịch vụ... tăng trưởng trở lại.
Các chỉ số góp phần kiềm chế lạm phát
Kết thúc quý 3 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố có tăng so cùng kỳ (9 tháng năm 2013, tỷ trọng dịch vụ chiếm 57,4% so cùng kỳ là 55,1%); doanh thu dịch vụ du lịch, giao thông vận tải đều tăng so cùng kỳ; chương trình bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, góp phần kiềm giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp.
Chỉ số phát triển công nghiệp 9 tháng qua tăng 6% so với cùng kỳ năm trước đó (cùng kỳ tăng 4,2%), đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu quý 2 đến nay nhờ quy mô sản xuất được mở rộng. Bốn ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,9%, cao hơn mức tăng 8 tháng là 1 điểm phần trăm, trong đó: chế biến lương thực thực phẩm tăng 6,7%, hóa dược cao su tăng 9,2%, điện tử tăng 3,8% và cơ khí chế tạo tăng 4,9%.
Những ngành có mức tăng cao so cùng kỳ năm ngoái như da và các sản phẩm liên quan tăng 10,9%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,2%; cao su và platic tăng 10%. Mặc dù vậy, chỉ số tồn kho toàn ngành tại ngày 1/9 tăng 6,9% so với tháng trước, một số ngành có mức tăng khá cao như thuốc lá tăng 11,1%, in tăng 91,1%, thuốc hóa dược tăng 16%, sản xuất kim loại tăng 86,6%, máy móc thiết bị tăng 13,8%.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết tồn kho tăng cao ở thời điểm này là do tình hình sản xuất theo chu kỳ, hầu hết các doanh nghiệp đều đẩy mạnh sản xuất, đón đầu cung ứng hàng những tháng cuối năm, ngoài ra các doanh nghiệp có nhiệm vụ bình ổn hàng bắt đầu chuẩn bị chương trình trữ hàng.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, để có kết quả này, thành phố đã thường xuyên tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức 7 buổi đối thoại trực tiếp với các chủ đề về thuế, lao động-bảo hiểm xã hội, tài chính ngân hàng, thu hút 1.375 doanh nghiệp tham dự; liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường...
Riêng với tồn kho bất động sản, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết được 4.437 căn hộ tồn kho, chiếm 37,6% trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho thống kê vào cuối năm 2012. Liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, đến nay đã có 120 khách hàng cá nhân đã ký hợp đồng vay ngân hàng 71,2 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng Chín vừa qua, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố ước đạt 165.677,6 tỷ đồng, đạt 69,51% dự toán, tăng 7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,19%). Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết số nợ thuế tại đơn vị trong năm 2013 lại phát sinh và tăng cao; trong đó có nhiều chi cục thuế có số nợ tăng gấp nhiều lần so với số nợ cuối năm 2012.
Giải thích số nợ thuế tăng cao, ông theo Nguyễn Đình Tấn, trong tổng số nợ thuế hiện nay, có nhiều khoản nợ ảo do doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn thành phố, nhưng nhà máy lại ở các tỉnh khác. Vì vậy, khi doanh nghiệp nộp thuế tại các tỉnh xong phải chờ xác nhận để nộp về cho Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, khi đó mới xóa được số nợ ghi thu tại đơn vị, hàng tháng số nợ thuế về khoản này phát sinh tăng cao hàng nghìn tỷ đồng.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế
Mặc dù kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong 9 tháng qua đã bước đầu đạt được kết quả khả quan, nhưng để thực sự thoát khỏi khó khăn giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân khẳng định, trong 3 tháng cuối năm nay và những năm tiếp theo, các ngành, các cấp và quận, huyện phải quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên hàng đầu là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt các hỗ trợ của nhà nước về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tái đầu tư cho phát triển sản xuất; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở.
Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, ưu tiên vay vốn cho lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, các ngành cần thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng hóa tồn kho, nhất là tồn kho bất động sản trên địa bàn.
Ông Lê Xuân Dương, Cục phó Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết năm 2013, thực hiện chủ trương Nhà nước trong giảm thuế, giãn thuế để giảm áp lực khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố giảm nguồn thu khoảng 3.600 tỷ đồng. Trong năm 2014, nguồn thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ giảm khoảng 8.340 tỷ đồng, chủ yếu từ giảm thuế tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng với căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m² và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m², giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân… Đây là những hỗ trợ rất lớn để giúp các doanh nghiệp trong lúc này.
Mới đây nhất, thành phố đã đưa ra danh mục các phân ngành, sản phẩm được hỗ trợ lãi vay, trong đó một số ngành hàng được hỗ trợ 100% lãi vay là sản phẩm thuộc ngành cơ khí (cơ khí chế tạo máy, chế tạo khuôn mẫu, sản xuất linh kiện, phụ tùng máy công nghiệp...); sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vưc điện - điện tử, sản phẩm hỗ trợ ngành công nghệ cao. Ngoài ra, một số danh mục sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp dệt-may, da-giày cũng được thành phố hỗ trợ 50% lãi suất vay.
Để góp phần gỡ khó cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng, các ngành, chính quyền quận, huyện cần chuyển từ thế thụ động sang chủ động thì mới có thể đẩy nhanh quá trình xử lý công việc, nhất là giải quyết các ách tắc trong khâu thủ tục hành chính là vấn đề nhiều doanh nghiệp cho rằng gặp rất nhiều rắc rối trong thời gian qua./.