Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/12/2013-17:17:00 PM
Phối hợp Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô ở Việt Nam
(MPI Portal) - Ngày 19/12, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học với chủ đề Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ trong điều hành Kinh tế vĩ mô 2014 – 2015. Hội thảo được kỳ vọng sẽ đưa ra được các kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014 – 2015.

Đồng chủ trì Hội thảo có ông Cao Viết Sinh, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Bá Ân, chuyên gia cao cấp thuộc Chính phủ và ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với sự góp mặt của nhiều chuyên gia tài chính, kinh tế cùng các nhà quản lý, các vấn đề về hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô tiếp cận từ khía cạnh phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã được bàn bạc, thảo luận tại Hội thảo.

PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Bối cảnh kinh tế vĩ mô đang thay đổi cùng với những thuận lợi, cơ hội phát triển mới là những tồn tại, khó khăn, thách thức đòi hỏi các nhà điều hành kinh tế cần tạo được sự nhất quán, đồng bộ các biện pháp chính sách gồm các chính sách quản lý cầu, chính sách chuyển hướng chi tiêu, chính sách cấu trúc và chính sách quản lý dòng vốn nhằm đạt được các mục tiêu vĩ mô theo những kịch bản kinh tế nhất định cho giai đoạn 2014 – 2015 và những năm tiếp theo. Theo đó ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nhấn mạnh chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) là hai công cụ then chốt trong các chính sách vĩ mô này. Do đó, việc phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014 – 2015 nói riêng, cải thiện chất lượng công tác điều phối trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Hai chính sách này tuy có những chức năng riêng nhưng lại có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế chung của mỗi quốc gia. Với một quốc gia đang phát triển, còn nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, kinh tế và ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới như Việt Nam thì mối quan hệ giữa hai chính sách này trong điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô càng trở nên quan trọng.

Thực tế phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá là còn chưa hiệu quả. Nguyên nhân do việc thực thi còn riêng rẽ, thiếu sự phối hợp mục tiêu, có thể triệt tiêu hoặc làm giảm hiệu quả của một trong hai chính sách. Việc lựa chọn chính sách và phương thức vận hành đã làm nảy sinh những vấn đề phức tạp trong nền kinh tế Việt Nam.

Trước hết, khi thực hiện CSTK thu hẹp thể hiện trong việc giảm đầu tư công, cùng với việc thu hẹp danh mục và quy mô đầu tư để tái cấu trúc lại đầu tư công dẫn đến tình trạng tồn tại nhiều sản phẩm và công trình hay dự án dở dang. Sự cắt giảm này gây lãng phí, do lượng cung tiền cho những dự án này cho đến trước lúc dừng triển khai đã là không nhỏ. Vấn đề quản lý đầu tư công còn yếu kém dẫn đến hiệu quả không cao gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước, tạo áp lực lên CSTT.

Bên cạnh đó, với CSTT thắt chặt, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khó khăn, mặc dù cơ chế nới lỏng tín dụng đã được áp dụng cuối năm 2011.

Các khoản vay nợ tích lũy ngày càng lớn khiến áp lực trả nợ của ngân sách cũng tăng theo. Việc tiếp nhận nguồn vốn ODA lớn cũng đặt ra áp lực trả nợ và những công việc phải xử lý thông qua CSTK dài hạn. Việc thiếu sự dự báo và chính sách về nợ công hợp lý cộng với việc mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, Chính phủ phải tìm đến các nguồn tiền khác như phát hành trái phiếu hoặc tạo áp lực in tiền cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngoài ra, yếu kém trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách mục tiêu (lạm phát mục tiêu, sản lượng tiềm năng) tuy có sự phối hợp nhất định với nhau, nhưng thường thực hiện một cách bị động hoặc khả năng phối hợp còn chậm.

Việc thiếu nền tảng kỹ thuật làm căn cứ cho sự phối hợp chính sách. Nền tảng dự báo những biến động vĩ mô trên cơ sở nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng trong và ngoài nước là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng mục tiêu, lựa chọn công cụ chính sách và vạch ra lộ trình thực hiện chính sách. Tuy nhiên hiện nay nền tảng dữ liệu, hệ thống thông tin, kỹ thuật dự báo, đội ngũ chuyên gia, tư vấn trong dự báo chưa được quan tâm đúng mức. Các kết quả dự báo đôi khi mâu thuẫn và độ tin cậy chưa được thẩm định.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Các chuyên gia tham gia Hội thảo nhận định rằng vấn đề bao trùm trong thực tế phối hợp chính sách thời gian qua là ở chỗ chi tiêu của Nhà nước đã vượt quá khả năng khai thác nguồn thu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Phần chênh lệch gây áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm sai lệch bản chất hoạt động của hệ thống cũng như giảm hiệu quả của CSTT. Điều này cộng với hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng dễ tổn thương, liên kết hệ thống trong tình trạng rủi ro cao, hoạt động trong bối cảnh thị trường vốn trung dài hạn chưa phát triển, tỷ lệ đòn cân nợ rủi ro trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp đang làm ảnh hưởng sâu sắc tới hiệu lực CSTT cũng như khả năng phối hợp chính sách.

Trên cơ sở định hướng điều hành, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ sáu vừa qua đã đưa ra yêu cầu “tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ”. Theo đó, Chính phủ đã chấp thuận nới tỉ lệ bội chi ngân sách lên 5,3% GDP và cho phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ 170 nghìn tỷ đồng trong 2014 – 2016.

Với mục tiêu định hướng chính sách, TS. Trịnh Quang Anh, Học viện Chính sách và Phát triển đưa ra một số khuyến nghị.

Chính phủ sớm tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu lạm phát 7% +-1%/năm trong 2014 – 2015 và có thể sẽ thấp hơn ở trung hạn và kiên định các chính sách nhằm ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, NHNN khẩn trương xây dựng và triển khai khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu. Khi có sự xung đột giữa các mục tiêu hoạt động được giao, NHNN được phép theo đuổi mục tiêu ưu tiên số một là lạm phát.

NHNN cũng sớm tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu ổn định tỷ giá với biên độ biến động hẹp trong 2014 – 2015, không quá 2 – 3%, để các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước yên tâm đầu tư kinh doanh, cũng như dân chúng có thể sẵn sàng chuyển hóa tài sản ngoại tệ sang nội địa để tiêu dùng. Tuy nhiên, căn cứ vào lộ trình thực hiện các cam kết với quốc tế và khu vực, và khi thực lực quỹ dự trữ ngoại hối được đảm bảo, NHNN cần có những điều chỉnh tỷ giá thích hợp để phản ánh đúng hơn giá trị đối ngoại thực của đồng Việt Nam theo nguyên tắc ngang giá sức mua.

TS. Trịnh Quang Anh, Học viện Chính sách và Phát triển trình bày tham luận tại Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

TS. Trịnh Quang Anh cũng nhấn mạnh trong năm 2014 – 2015, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa CSTK và CSTT càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mà ngân sách nhà nước tăng mức bội chi và Bộ Tài chính phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ.

Cán cân thương mại thăng bằng nhưng không bền vững và không thực chất. Điều này thể hiện qua việc nền kinh tế có dấu hiệu găm giữ, tích trữ ngoại tệ, tức là mức độ đô-la hóa vẫn còn khá nặng dù đã giảm nhiều. Chủ trương quản lý thị trường vàng miếng cần được xem xét, cân nhắc để đảm bảo lợi ích thu được lớn hơn chi phí bỏ ra và về dài hạn, tuân thủ cơ chế kinh tế thị trường.

NHNN cũng cần chủ động tính đến các công cụ chính sách tiền tệ thích hợp và sẵn sàng sử dụng được để trung hòa bớt lượng tiền bơm ra qua kênh chiết khấu trái phiếu VAMC (của Công ty quản lý tài sản), bởi lượng này dự tính có thể lên tới 70 – 80 nghìn tỷ đồng trong năm 2014 khi mà khả năng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tới cuối 2014 sẽ mua vào khoảng 100 – 120 nghìn tỷ đồng.

Rộng hơn và bao trùm hơn các đề xuất giải pháp chính sách về tài khóa, tiền tệ đề cập ở trên, các cơ quan hữu trách, chủ trì và đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Công thương, tích cực triển khai “Lập chương trình tài chính” trên cơ sở nguồn dữ liệu chuẩn mực và các điều kiện kịch bản kinh tế hợp lý, để thực sự có thể khai thác và sử dụng công cụ này một cách hữu hiệu, giúp cải thiện hiệu quả phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô ở nước ta.

Bên cạnh những giải pháp về ngắn hạn khi mà chính sách cơ cấu đòi hỏi cần có đủ thời gian, hội đủ điều kiện để triển khai và phát huy hiệu quả kỳ vọng, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thể chế và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong khuôn khổ nền tảng mà Hiến pháp mới quy định. Điểm mấu chốt là Chính phủ cần có đủ nguồn lực tài chính và động lực để thực hiện cải cách. Về nguồn lực, chủ yếu là nguồn nội lực; và động lực là sự thúc đẩy bên ngoài từ sức ép của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực và nhu cầu từ hạ tầng cơ sở trong nước./.

Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2006
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)