Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/06/2013-09:28:00 AM
Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013
Báo cáo số 85/BC-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam
Thực hiện Nghị Quyết số 01 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; Nghị Quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ năm 2013; Chương trình công tác năm 2013 của UBND tỉnh về các nhiệm vụ cụ thể thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân trong tỉnh, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2013 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã có những chuyển biến và đạt kết quả tích cực, cụ thể như sau:
1. Về mục tiêu ổn định phát triển kinh tế, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát
a) Giá cả được kiểm soát, chỉ số tiêu dùng ở mức ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng bình quân khoảng 6,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nhóm lương thực; nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng giảm so với cùng kỳ.
Giá vàng trên thế giới tiếp tục giảm, kéo theo giá vàng trong nước giảm, tuy nhiên khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn ở mức cao khoảng hơn 4 triệu đồng/lượng. Chỉ số giá vàng, giảm 1,75% so cùng kỳ. Chỉ số đô la Mỹ tăng gần 0,4% so với cùng kỳ.
b) Chính sách tiền tệ được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp; ngân hàng nhà nước thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, góp phần tạo niền tin cho thị trường.
Nhiều biện pháp thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất đã được thực hiện trong 6 tháng đầu năm nhằm điều chỉnh lãi suất về mức hợp lý.
Lãi suất huy động Việt Nam đồng kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 6-7,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9,5%-10%/năm. Lãi suất huy động bằng USD phổ biến là 2%/năm đối với tiền gửi dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp và nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 9-10%/năm đối với vay ngắn hạn và 11-13%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 11-13%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận từ 14-15%/năm đối với vay ngắn hạn và từ 15-16%/năm đối vay trung và dài hạn.
Dư nợ lãi suất trên 15% khoảng 533 tỷ đồng, chiếm gần 2,4% trên tổng dư nợ toàn địa bàn, giảm 84% so với cuối tháng 7/2012 (thời điểm bắt đầu thực hiện điều chỉnh giảm lãi vay). Tổng số khách hàng được cơ cấu giảm lãi từ đầu năm đến nay là 5.490 khách hàng, trong đó có 402 Doanh nghiệp và 5.088 cá nhân. Dư nợ có lãi suất đến tối đa 13%/năm được các đơn vị điều chỉnh giảm từ ngày 09/5/2013 đến nay khoảng 3.414 tỷ đồng, chiếm 15% trên tổng dư nợ, giảm 41%.
Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ của các ngân hàng trên địa bàn đến giữa tháng 6 hơn 15.250 tỷ đồng, tăng trên 21,5% so với cùng kỳ và hơn 3,6% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế gần 22.400 tỷ đồng, tăng gần 0,6% so với cùng kỳ[1]. Trong đó dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm hơn 60%.
Đến cuối tháng 5/2013 có 1.674 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 15.130 tỷ đồng, chiếm hơn 67,5% tổng dư nợ, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Mặt dù lãi suất đã giảm nhưng tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng; một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được các điều kiện vay do chỉ số xếp hạng tín dụng; bên cạnh đó các doanh nghiệp đủ điều kiện vay chưa muốn vay vốn do lợi nhuận thấp so với chi phí hoạt động hoặc chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn gần 6.300 tỷ đồng, chiếm hơn 28% tổng dư nợ, tăng 22,8% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất nhập khẩu hơn 600 tỷ đồng, tăng 72%. Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng cho vay lĩnh vực ưu tiên tăng cao, đáp ứng yêu cầu theo Nghị Quyết 02 củ Chính phủ.
Tình hình nợ xấu trên địa bàn được kiểm soát ở mức hơn 7% trên tổng dư nợ, với khoảng 1.583 tỷ đồng. Việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn do một số doanh nghiệp không có khả năng trả nợ; để tháo gỡ khó khăn này, ngân hàng đã sử dụng nguồn dự phòng rủi ro giải quyết cho 55 trên tổng số 95 doanh nghiệp với tổng dư nợ 258 tỷ đồng.
c) Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ nhưng còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến cuối tháng 6 gần 2.800 tỷ đồng, chiếm hơn 41% so với dự toán năm, tăng khoảng 8,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 2.050 tỷ đồng, chiếm gần 46% dự toán năm[2], tăng khoảng 8% so với cùng kỳ; trong đó thu tiền sử dụng đất gần 200 tỷ đồng, chiếm hơn 41% dự toán năm. Thu xuất nhập khẩu 609 tỷ đồng, chiếm 39% dự toán đề ra[3].
Tổng chi ngân sách địa phương 4.962 tỷ đồng, bằng 50% so với dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên 3.083 tỷ đồng, bằng gần 53% dự toán, chủ yếu chi cho quản lý hành chính, chi đảm bảo an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, dạy nghề và y tế; chi đầu tư phát triển 1.694 tỷ đồng, chiếm 72%, trong đó có tạm ứng khối lượng chưa thanh toán các năm trước chuyển sang năm 2013.
Thực hiện Nghị Quyết 02 của Chính phủ, đã có 2.673 lượt người nộp thuế được hưởng chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế với tổng mức 136,7 tỷ đồng. Trong đó gia hạn thuế giá trị gia tăng cho 1.944 doanh nghiệp, với tổng số tiền gần 54 tỷ đồng; 155 tổ chức, doanh nghiệp được giảm tiền thuế đất năm 2013-2014 hơn 16,6 tỷ đồng.
Trong điều kiện thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp theo Nghị Quyết 02 của Chính phủ, tuy thu ngân sách thực hiện thấp so với dự toán, nhưng thu nội địa, thu xuất nhập khẩu có tăng so với cùng kỳ, đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện sự nỗ lực cao để phấn đấu hoàn thành dự toán thu cho cả năm 2013.
d) Huy động vốn đầu tư toàn xã hội có phát triển, chiếm tỷ lệ 26,4% GDP.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm thực hiện trên 5.931 tỷ đồng, bằng gần 40% kế hoạch năm, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 6,8%; vốn ngoài nhà nước gần 1.450 tỷ đồng, tăng hơn 1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 430 tỷ đồng, tăng hơn 3,3%. Mặc dù tốc độ tăng không cao và thực hiện còn thấp so với kế hoạch, nhưng tất cả các nguồn vốn đều tăng so với cùng kỳ[4], trong điều kiện khó khăn, đây là một cố gắng lớn trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch năm 2013 đến tháng 6 hơn 3.946 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương cân đối 3.396 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách tập trung 402 tỷ đồng, khai thác quĩ đất 478 tỷ đồng, hỗ trợ theo mục tiêu 783 tỷ đồng, chương trình mục tiêu quốc gia 422 tỷ đồng, trái phiếu chính phủ 1.146 tỷ đồng, vốn nước ngoài 164 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh huy động thêm 549 tỷ đồng từ các nguồn xổ số kiến thiết, tăng thu, vốn vay để bổ sung vào kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2013. Ngoài ra, chưa kể nguồn vốn thực hiện 20 dự án ODA năm 2013 dự kiến kế hoạch giải ngân trên 800 tỷ đồng.
Khối lượng thực hiện trong 6 tháng chủ yếu là các công trình chuyển tiếp như: Cầu Kỳ Phú 1, cầu Kỳ Phú 2, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Bảo tàng tỉnh, đường trục chính ra Cảng Tam Hiệp, nâng cấp, sửa chữa 6 tuyến giao thông ĐT xuống cấp. Đã thúc đẩy khởi công xây dựng một số công trình quan trọng, qui mô lớn như: Mở rộng quốc lộ IA; dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng chiều dài toàn tuyến gần 140km, trong đó đoạn qua Quảng Nam gần 92 km; Kè suối Tây Yên; nâng cấp đê biển Duy Vinh; sửa chữa hồ chứa nước Thạch Bàn. Đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dư án mở rộng quốc lộ IA. Hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình như: Nhà máy thủy điện Sông Bung 6 với công suất lắp máy 29MW, điện lượng trung bình năm hơn 120 triệu kWh, tổng kinh phí xây dựng 674 tỷ đồng; Khánh thành Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh Quảng Nam; Nhà thiếu nhi thành phốTam Kỳ.
Khó khăn hiện nay là một số công trình lớn, trọng điểm, cấp thiết đều có nguồn vốn bố trí quá thấp, kể cả nguồn vốn kế hoạch trung hạn đến năm 2015 cũng không đảm bảo so với tổng mức đầu tư như: Cầu Cửa Đại và đường dẫn; các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tốt hơn nhiều so với năm trước[5]. Đến 10/6/2012, toàn tỉnh đã giảingân hơn 49% kế hoạch vốn, trong đó ngân sách tập trung giải ngân 41%; nguồn vốn trái phiếu chính phủ giải ngân 68%; chương trình hỗ trợ theo mục tiêu 30%; chương trình mục tiêu quốc gia 30,4%
Tình hình thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án hoàn thành theo Thông tư số 19 của Bộ Tài chính được giải quyết kịp thời. Dự án đã phê duyệt quyết toán là 106 dự án thuộc khối tỉnh, với tổng giá trị dự toán được duyệt hơn 1.000 tỷ đồng, giá trị đề nghị quyết toán hơn 918 tỷ đồng, giá trị quyết toán được duyệt hơn 912 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng so với Chủ đầu tư đề nghị.
Cấp giấy phép đăng ký 04 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 68 triệu USD. Cấp 43 giấy chứng nhận đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 4.150 tỷ đồng. Tiếp nhận viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 36 chương trình, dự án với tổng vốn viện trợ 32 tỷ đồng. Đã có 350 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; 133 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; thu hồihơn 1.000 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, do các doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động, cơ quan thuế đã đóng mã số thuế.
2. Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn 6 tháng thực hiện 6.397 tỷ đồng, bằng 50,4% kế hoạch năm, tăng 10,9% so 6 tháng đầu năm 2012. Mức tăng này cao hơn mức tăng so với cùng kỳ[6] và thấp hơn 0,6% so với mức tăng của chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2013[7].
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP tiếp tục chuyển dịch tích cực. Công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm gần 83%; nông lâm thủy sản chiếm 17%. Như vậy, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp - xây dựng và dịch vụ 6 tháng năm 2013 tiếp tục tăng gần 1,5% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó công nghiệp xây dựng tăng hơn 1%; dịch vụ tăng 0,47%, nông lâm ngư nghiệp giảm 1,48%
a) Giá trị sản xuất công nghiệp &TTCN có tốc độ tăng khá trong điều kiện nhiều doanh nghiệp chịu sự tác động khó khăn chung của nền kinh tế
Giá trị ngành công nghiệp 6 tháng thực hiện hơn 7.784 tỷ đồng, bằng gần 45% kế hoạch, tăng 18,7% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2013 dự kiếntăng hơn 8,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,3%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,5%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,9%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%
Mặc dù giá trị sản xuất chỉ thực hiện 45% kế hoạch, do đầu năm có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng tốc độ tăng của giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2013 cao hơn tốc độ tăng so với cùng kỳ[8], đồng thời tốc độ tăng này cũng cao hơn 0,7% so với tốc độ tăng cho cả năm đề ra[9]
Một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất gạch men do nhu cầu xây dựng và thị trường bất động sản giảm; điện phát ra do thiếu hụt nguồn nước và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến hải sản, may mặc sản xuất giảm do khó khăn về thị trường tiêu thụ, chưa có thêm hợp đồng mới; Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đã sản xuất ổn định và phát triển khá như Công ty CCI Việt Nam, may Sportteam Corporation,giày Rieker, Công ty sản xuất LIXIL INAX, Công ty hợp chất kỹ thuật Châu á – Thái Bình dương, Công ty HI-TECH, cùng một số nhà máy mới đi vào hoạt động đã góp phần duy trì tốc độ tăng của giá trị sản xuất công nghiệp.
b) Giá trị các ngành dịch vụ tăng khá; nhập khẩu tăng cao
Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ 6.555 tỷ đồng, bằng gần 54% kế hoạch năm, tăng hơn 14,5% so với cùng kỳ, mức tăng này thấp hơn 1,5% so với tốc độ tăng của kế hoạch đề ra (kế hoạch 16%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng gần 13.700 tỷ đồng, tăng 19% so 6 tháng cùng kỳ năm 2012. Mức tăng này thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước 7,9%.
Công tác quản lý du lịch được tăng cường, xây dựng đề án quản lý và đưa vào khai thác một số bãi biển: Tam thanh, Hà My, Cửa Đại. Tổng lượt khách tham quan lưu trú gần 1.659.000 lượt, chiếm hơn 55% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế hơn 852 ngàn lượt, tăng 5,5%. Lượng khách nội địa và quốc tế tăng cao tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - năm 2013.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 257 triệu USD, bằng 43% kế hoạch năm, tăng trên 12% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng chủ yếu là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị 196 triệu USD, tăng 29%; khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài quốc doanh đều giảm.
Nhập khẩu 326 triệu USD, tăng gần 52% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tăng ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các mặt hàng lớn có giá trị nhập khẩu tăng như nguyên phụ liệu giày da tăng 74%; phụ liệu hàng may mặc tăng hơn 3,9 lần; linh kiện ô tô tăng hơn 19%; hàng điện tử tăng hơn 2,5 lần; máy móc phục vụ sản xuất tăng 2,8 lần,...
Năm 2012, nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm 37% so với cùng kỳ năm 2011, ảnh hưởng trực tiếp sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu tăng cao trở lại nhằm đảm bảo cung cấp máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất, đây là dấu hiệu tích cực cho tình hình sản xuất công nghiệp trong thời gian đến.
c) Vụ Đông Xuân được mùa, sản lượng tăng, nhưng giá cả nhóm lương thực giảm, thực phẩm tăng không đáng kể nên giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng thấp.
Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp 1.678 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm, tăng 1,8% so với 6 tháng đầu năm 2012[10], tốc độ này thấp hơn 2,7% so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm[11]. Trong đó nông nghiệp tăng 1,2%; lâm nghiệp tăng 10,5%; thủy sản tăng 0,5%.
Tổng diện tích lúa gieo cấy vụ Đông xuân hơn 43.095 ha, giảm 182 ha so với vụ Đông xuân 2012. Diện tích lúa giảm so với cùng vụ năm trước, nguyên nhân là do thực hiện chủ trương chuyển đổi sang cây trồng cạn của ngành nông nghiệp, đây là giải pháp nhằm để đối phó với tình hình khô hạn, thiếu nước. Nhờ cơ cấu giống hợp lý, công tác phòng chống dịch bệnh và các biện pháp thâm canh được tăng cường, cộng với việc thực hiện đúng lịch thời vụ, nên vụ Đông xuân 2013 được mùa khá toàn diện. Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh hơn 55,2 tạ/ha, tăng 0,55 tạ/ha so với vụ Đông xuân năm trước. Tổng sản lượng lúa 238.190 tấn, tăng 1.365 tấn so với cùng vụ năm trước. Trong đó, năng suất lúa các huyện phía Bắc gần 62 tạ/ha, tăng 0,17 tạ/ha; năng suất lúa các huyện phía Nam gần 55 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha; năng suất lúa các huyện miền núi hơn 44 tạ/ha.Vụ Hè thu cơ bản đã được gieo sạ xong, đang triển khai các giải pháp chống hạn và nhiễm mặn, bảo đảm lúa phát triển ổn định.
Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc đã được kiểm soát, không có phát sinh ổ dịch mới sau khi công bố hết dịch kể từ ngày 20/3/2013. Dịch cúm gia cúm A.H5N1 đã được phát hiện và khống chế kịp thời nên không lây lan. Công tác tiêm phòng được chú trọng, hiện có hơn 57% đàn trâu, bò được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng; trên 30% đàn lợn được tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng.
Ngành chăn nuôi tiếp tục gặp nhiều bất lợi, đàn trâu, bò giảm so với cùng thời điểm năm trước, chủ yếu do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp, thiếu lao động. Đàn lợn giảm do giá thức ăn vẫn ở mức cao, giá thịt lợn hơi giảm mạnh, người nuôi không có lãi. Chăn nuôi gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ giá bán tăng và ổn định từ đầu năm, người nuôi có lãi, dịch bệnh được kiểm soát, không phát sinh nhiều nên người chăn nuôi yên tâm mở rộng tổng đàn.
Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân thường xuyên tham gia đánh bắt, dịch vụ hải sản ở vùng biển xa; tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 86 tàu cá đợt I/2013 với tổng số kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, chủ yếu là hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm, hỗ trợ thông tin liên lạc. Đã có 9 dự án của ngư dân được hỗ trợ vay vốn Quỹ hỗ trợ ngư dân để đóng mới tàu cá có công suất lớn từ 600 CV trở lên. Toàn tỉnh hiện có 3.895 tàu thuyền khai thác hải sản có động cơ, với tổng công suất 111.700 CV, trong đó phần lớn là tàu có công suất nhỏ; chỉ có 126 chiếc tàu trên 150CV, chiếm 0,4% trong tổng số tàu thuyền khai thác hải sản có động cơ.
Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng trên 45.700 tấn, tăng gần 1% so với năm 2012, trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 38.300 tấn, tăng 5%; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 7.400 tấn, giảm 16,2%.
Chăm sóc rừng trồng hơn 13.000 ha, tăng 20%. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tính chung 6 tháng thực hiện 165.000 m3, tăng 11,5% so với cùng kỳ.
3. Văn hoá xã hội tiếp tục được quan tâm, tích cực triển khai các giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều hoạt động văn hóa diễn ra trong 6 tháng đầu năm nhân sự kiện Tết Cổ truyền Quí Tỵ năm 2013 và các ngày lễ lớn trong năm, các hoạt động của “Năm gia đình Việt Nam - năm 2013”. Đặc biệt, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V - năm 2013 với nhiều hoạt động sôi nổi, mang tầm khu vực và quốc tế.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 47% thôn, khối phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; hơn 81% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, trong đó 67% hộ gia đình văn hóa 3 năm liền trở lên; trên 10% số xã, phường, thị trấn văn hóa; 17% tộc họ văn hóa; 89% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Về thể thao thành tích cao, đã có 5 đoàn vận động viên tỉnh đã tham gia thi đấu với kết quả đạt được 6 huy chương các loại (01 HCV, 02 HCB, 03 HCĐ). Bên cạnh đó nhiều hoạt động thể thao quần chúng cũng được tổ chức.
Thực hiện việc chi trả trợ cấp người có công; chuyển quà của Chủ tịch nước, quà trợ cấp, thăm hỏi của tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 chu đáo, kịp thời cho hơn 207 ngàn trường hợp người có công với tổng kinh phí hơn 53 tỷ đồng. Xác nhận, thực hiện chế độ trợ cấp trên 3.900 trường hợp; thẩm định, di chuyển hồ sơ, giải quyết đơn thư công dân liên quan đến chính sách ngươi có công hơn 1.800 trường hợp.
Đã thực hiện mua và cấp hơn 211.500 thẻ bảo hiểm y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, 170.300 thẻ bảo hiểm y tế đối với người cận nghèo, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên với tổng kinh phí hơn 408 tỷ đồng. Tiếp tục công tác nâng cấp mộ và nghĩa trang liệt sĩ năm 2013.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, toàn tỉnh có 21.262 thí sinh dự thi, tổng số thí sinh tốt nghiệp 20.736, đạt tỷ lệ 97,5%. Trong đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khối giáo dục trung học phổ thông 97,9%; khối giáo dục thường xuyên 85,8%. Công tác tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông chuyên năm học 2013-2014 có 1.715 thí sinh dự thi, trong đó 895 thí sinh thi vào trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; 820 thí thi thi vào trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Quảng Nam. Các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị tuyển sinh năm học 2013 - 2014.
Đã giải quyết việc làm mới 18.500 lao động bằng hơn 47% kế hoạch năm[12]; trong đó, xuất khẩu 40 lao động, chủ yếu là ở thị trường Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản. Giải ngân cho hơn 35 dự án vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm với số tiền 04 tỷ đồng. Hơn 600 người được trợ cấp thất nghiệp với số tiền trên 3,8 tỷ đồng.
Đã sơ kết qua 3 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2012, theo đó, trên 80% người học nghề đã có việc làm thông qua các hình thức tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, tự tạo được việc làm mới; hoặc vẫn làm công việc cũ nhưng với hiệu quả, năng suất cao hơn; hoặc vẫn làm nông nghiệp nhưng tận dụng được thời gian nông nhàn làm những công việc khác để có thêm thu nhập. Riêng 6 tháng năm 2013, đã có hơn 12.141 lao động được tuyển sinh học nghề chiếm tỷ lệ 31,5% kế hoạch năm[13]; trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ hơn 5.000 người.Kết quả này đã góp phần tích cực trong việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động.Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như chính sách đầu tư cho cơ sở dạy nghề chưa thực hiện đầy đủ; chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cấp xã như mục tiêu của Đề án.
Công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa các bệnh xã hội được duy trì thường xuyên, nhờ vậy, tình hình các loại dịch bệnh tương đối ổn định. Trên địa bàn không xảy ra các bệnh dịch nguy hiểm. Đã có hơn 500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thương hàn, viêm gan vi rút và hơn 7.100 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, tất cả các trường hợp được điều trị kịp thời, không có tử vong.
4. Công tác phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, chương trình nông thôn mới tiếp tục được thực hiện, đạt một số kết quả trên các lĩnh vực.
Đã hoàn chỉnh qui hoạch 3 loại rừng trình HĐND tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi vốn vay phục vụ cho phát triển sản xuất, dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền khai thác, đánh bắt xa bờ.
Qua sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, tổng kinh phí thực hiện chương trình trong giai đoạn 2011-2013 hơn 1.330 tỷ đồng, trong đó riêng kế hoạch năm 2013 hơn 422 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề năm 2011 và 2012 thực hiện đều không đạt hai chỉ tiêu hỗ trợ lao động nông thôn học nghề và hỗ trợ tạo việc làm cho lao động thông qua các dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Năm 2013, quyết tâm khắc phục các hạn chế, khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chương trình đề ra.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 64 xã được UBND cấp huyện phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chiếm tỷ lệ gần 31%; trong đó, có 49/50 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 đã được phê duyệt quy hoạch. Số xã còn lại (144 xã) hầu hết đã phê duyệt đề cương và nhiệm vụ quy hoạch; hiện đang tập trung triển khai lập quy hoạch. 195 xã triển khai lập Đề án xây dựng xã nông thôn mới, trong đó 121 xã đã phê duyệt Đề án. Công tác triển khai lập, phê duyệt Đề án của nhiều địa phương còn chậm; nội dung Đề án của một số xã chưa đảm bảo yêu cầu, chưa đánh giá đúng với thực trạng; chưathấy hết các tiềm năng, lợi thế ở địa phương. Ngân sách Trung ương và địa phương bố trí giai đoạn 2011-2013 hơn 230 tỷ đồng, trong đó năm 2013 hơn 61 tỷ đồng. Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình, có 4 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí, chiếm 2%; 23 xã đạt từ9 - 13 tiêu chí, chiếm 11 %; 61 xã đạt chuẩn từ 5 - 8 tiêu chí chiếm 29 %; 120 xã có điểm xuất phát thấp, đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 58%, trong đó có 9 xã thuộc 50 xã điểm.
Năm 2013, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững hơn 95 tỷ đồng, đã thực hiện phân bổ 11 huyện và 18 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xây dựng 151 công trình hạ tầng thiết yếu.
Ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương hơn 85 tỷ đồng, cùng với ngân sách cấp huyện và đóng góp của nhân dân tiếp tục thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn, đến cuối tháng 6/2013 cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2013 với 220 km đường. Tuy nhiên do đơn giá thay đổi tăng, để đảm bảo thực hiện 1.700 km đường giao thông nông thôn theo đề án đến năm 2015, cần phải tiếp tục huy động để tăng kế hoạch vốn trong năm 2014-2015.
Với nhiều chương trình mục tiêu từ Trung ương và ngân sách tỉnh, tập trung đầu tư, hỗ trợ cho khu vực khó khăn nông thôn, miền núi nên kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn mục tiêu đề ra[14], theo đó năm 2012 còn 17,9%, giảm 3% so với năm 2011[15].
5. Công tác tài nguyên và môi trường được quan tâm, tập trung đầu tư và tăng cường công tác kiểm tra xử lý các vi phạm.
Công tác quản lý tài nguyên và môi trường từng bước đi vào nề nếp. Về đất đai đã xây dựng hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành, vùng Đông 02 huyện Thăng Bình, Duy Xuyên. Phấn đấu hoàn thành cơ bản việc cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo Chỉ thị 05/CT-TTg và Nghị quyết 30/NQ-QH. Công tác Quản lý tài nguyên nước, Biển và Hải đảo đã có những tiến bộ trong quản lý Tài nguyên nước lưu vực sông, quản lý tổng hợp vùng bờ, bảo tồn phát triển rừng ngập mặn ven biển, san hô tự nhiên
Thúc đẩy tiến độ một số dự án ODA về môi trường ở những vùng quan trọng, trước hết là xử lý nước thải, rác thải khu vực đô thị Tam Kỳ, Hội An; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; khôi phục rừng và phát triển bền vững.
Tình trạng phá rừng, khai thác rừng và vận chuyển trái phép lâm sản, khoáng sản từng bước được ngăn chặn, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát lâm sản, giảm bớt dư luận của xã hội đối với vấn đề này; đặc biệt, đã tổ chức truy quét, xóa bỏ một số tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác, phát rừng lấy đất sản xuất trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương; các cơ sở chế biến, cưa xẻ sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp còn tồn tại ở nhiều địa phương. Tổng số vụ vi phạm pháp luật trong quản lý rừng và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản là 478 vụ (trong đó chế biến gỗ và lâm sản 201 vụ), tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm 2012
6. Nội chính, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, đối ngoại được tăng cường. Cải cách hành chính tiếp tục được được quan tâm. Tai nạn giao thôngđường bộ giảm cả ba tiêu chí.
Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị thường niên với đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sêkông của nước bạn Lào; chuẩn bị các điều kiện phục vụ Hội nghị Ban chỉ đạo cắm mốc lần thứ VIII giữa hai tỉnh Quảng Nam – Sê Kông.
Các ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; lực lượng an ninh đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tăng cường các cuộc tuần tra đêm nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Hoàn thành tốt công tác giao quân đợt I năm 2013, đảm bảo chất lượng, đủ 100% chỉ tiêu đề ra. Triển khai thực hiện kế hoạch khu vực phòng thủ vững chắc, tổ chức diễn tập theo kế hoạch. Tổ chức huấn luyện các phân đội cứu hộ, cứu nạn ở các cấp. Tiếp tục thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo kế hoạch.
Tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân liên quan vùng dự án, nhằm giải thích, giải quyết những vướng mắc về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để triển khai dự án.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, 6 tháng đầu năm thực hiện 64 cuộc thanh tra hành chính, 303 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (trong đó 78 cuộc thanh tra, 225 đợt kiểm tra) và 19 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện sai phạm 22,6 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách, xử phạt vi phạm hành chính hơn 15,8 tỷ đồng, 2.977m2 đất; thu hồi khác hơn 5,3 tỷ đồng. Riêng đối với thanh tra chuyên đề về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đã kết thúc 03 cuộc phát hiện sai phạm hơn 7,5 tỷ đồng.
Công tác tiếp công dân tại các địa phương, đơn vị được duy trì thường xuyên. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn đã tổ chức tiếp 4.244 lượt/ 4.889 người; tiếp nhận hơn 1.900 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó hơn 71% đơn tại cấp huyện và cấp xã. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, chế độ chính sách. UBND tỉnh đã xử lý và giao cho các ngành chức năng thẩm tra, xác minh, tham mưu giải quyết theo qui định.
Thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức năm 2013 đúng qui định, công bố và quyết định tuyển dụng 518 công chức. Qui định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng, Phó phòng và tương đương thuộc các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Qua kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên vẫn còn một số cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại một số cơ quan, đơn vị chấp hành thời gian làm việc chưa nghiêm; thực hiện chế độ hội họp chưa nghiêm túc.
Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn đều giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao. Đến hết tháng 5/2013, trên địa bàn đã xảy ra 121 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 101 người, bị thương 95 người, so với cùng kỳ, giảm 04 vụ tai nạn, giảm 02 người chết và giảm 04 người bị thương.
*
* *
Qua 6 tháng đầu năm 2013, các ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, của HĐND tỉnh về nhiệm vụ năm 2013 và đã đạt được những kết quả tích cực. Giá cả, thị trường, chỉ số giá ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát chung của cả nước; ngành nông nghiệp đã khắc phục khó khăn do thời tiết, dịch bệnh để ổn định sản xuất, vụ Đông Xuân tiếp tục được mùa, năng suất và sản lượng tăng; xúc tiến khởi công một số tuyến đường quan trọng như mở rộng quốc lộ 1A, xây dựng đường cao tốc; nâng cấp một số đoạn thuộc các tuyến ĐT xuống cấp; đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi. Lãi suất cho vay tiếp tục giảm. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; trật tự an toàn giao thông được cải thiện.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều khó khăn; lãi suất cho vay trung và dài hạn, cho vay theo thỏa thuận vẫn còn ở mức cao; tín dụng tăng trưởng thấp; giải ngân nguồn vốn thuộc chương trình hỗ trợ theo mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; thu nội địa chiếm tỷ lệ thấp so với dự toán năm. Vì vậy, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp theo Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và đầu tư; tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất, giảm thuế để doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mở rộng sản xuất, kích thích phát triển nền kinh tế.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI, KHÓ KHĂN
Tốc độ tăng trưởng GDP tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng thấp hơn so với tốc độ của chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm. Giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù có tốc độ tăng khá, nhưng mới thực hiện được 45% kế hoạch cả năm.
Thu nội địa, thu xuất nhập khẩu thấp so với dự toán đề ra, trong khi phải thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm một số các khoản thuế nên cần phải đề ra các giải pháp hữu hiệu và phấn đấu thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu dự toán năm.
Công tác giải ngân vốn đầu tư tốt hơn so với năm trước, nhưng chương trình hỗ trợ theo mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Theo Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ các công trình được giao kế hoạch vốn năm 2013 nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2013 chưa triển khai thực hiện thì thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách.
Nguồn vốn đầu tư cho một số công trình trọng điểm còn quá thấp (kể cả kế hoạch vốn trung hạn đến 2015 cho các công trình) như: Cầu Cửa Đại; các tuyến đường cứu hộ cứu nạn Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành; cầu Kỳ Phú 1,2; Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Thu hồi vốn tạm ứng gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo theo chủ trương đã đề ra.
Bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng được tập trung giải quyết cho các dự án trọng điểm như mở rộng quốc lộ IA, đường cao tốc nhưng trong công tác này qua thanh tra vẫn còn một số sai phạm như: Hồ sơ, thủ tụckiểm kê chưa đảm bảo; lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ không thể hiện nội dung nguồn gốc đất, không thể hiện cụ thể tỉ lệ % đất nông nghiệp bị thu hồi; xác định khối lượng và áp giá bồi thường không chính xác; có trường hợp không bị thu hồi nhưng vẫn tính bồi thường; không có chữ ký xác nhận của chủ sử dụng đất.
Lãi suất cho vay giảm, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay do khó đáp ứng được các điều kiện cho vay; bên cạnh đó các doanh nghiệp đủ điều kiện vay nhưng gặp khó khăn trong hấp thụ vốn vay, do lợi nhuận thấp so với chi phí hoạt động nên chưa muốn vay. Xuất khẩu tăng so với cùng kỳ nhưng còn thấp so với kế hoạch.
Chưa huy động được nhiều cơ sở giáo dục tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; công tác kiểm tra, giám sát ở các địa phương chưa được thực hiện tốt. Lập kế hoạch hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn hằng năm không sát thực tế; chưa định hướng được nghề đào tạo cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
Công tác quản lý môi trường, tài nguyên đã tập trung xử lý, giải quyết được nhiều vấn đề, tuy nhiên việc khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản vẫn còn tiếp diễn. Số vụ vi phạm pháp luật trong quản lý rừng và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản được phát hiện và xử lý tăng so với cùng kỳ 2012
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2013
Trên cơ sở tình hình và kết quả của 6 tháng đầu năm, trong thời gian tới, các ngành, địa phương trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo cácNghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ năm 2013; tích cực huy động các nguồn lực toàn xã hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2013 đã đề ra, tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng các sản phẩm của tỉnh đã có thương hiệu, các sản phẩm có sản lượng chiếm tỷ lệ cao trong nước như: ô tô, giầy da, may mặc, vàng. Phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Giải quyết đúng, đủ, kịp thời việc thực hiện giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách nhà nước, áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuế đất cho một số đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2013. Ưu tiên nguồn vốn tín dụng và lãi suất cho các doanh nghiệp, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu thắng lợi. Chủ động các phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất. Tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện, chủ động khoanh vùng, ngăn chặn, xử lý, dập tắt các ổ dịch bệnh phát sinh trên cây trồng, vật nuôi. Chú trọng công tác thú y cơ sở, không để dịch bệnh tái phát.
Hai là, tăng cường công tác điều hành quản lý ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư năm 2013 đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình hỗ trợ theo mục tiêu, vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định.
Thực hiện cắt giảm chi, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương theo số vốn đầu tư và kinh phí chi thường xuyên đã giao trong dự toán năm 2013 nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2013 chưa phân bổ, phân bổ không đúng quy định; hoặc đã phân b cho các dự án nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2013 chưa triển khai thực hiện và các khoản vốnsử dụng sai quy định.
Rà soát lại tất cả các dự án đã đủ thủ tục đầu tư hoặc đã có khối lượng thì lập thủ tục thanh toán vốn đầu tư. Các dự án đã được bố trí vốn đến hết tháng 9/2013 nếu thanh toán dưới 70% vốn thuộc kế hoạch năm 2013 thì sẽ xem xét cắt giảm để bổ sung cho các dự án cần thiết khác. Thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình dự án ODA, FDI.
Tiếp tục rà soát kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, cắt giảm qui mô hợp lý, đảm bảo nguồn vốn đã cân đối, không phát sinh nợ.
Kiên quyết thu hồi tạm ứng các nguồn vốn theo qui định tại Thông tư 86 của Bộ Tài chính. Áp dụng tính lãi suất chậm thanh toán nguồn vốn tạm ứng để nộp vào ngân sách nhà nước theo nguyên tắc công trình, dự án, gói thầu thuộc cấp nào quản lý, khi có phát sinh số thu tính lãi thì nộp vào ngân sách cấp đó.
Khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản từ các ngành, các huyện, thành phố theo Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu giảm 30% khối lượng nợ xây dựng cơ bản hàng năm, từ năm 2013, để đến năm 2015 kiểm soát được tình hình nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn. Bố trí hoàn trả vốn đã được ngân sách ứng trước. Rà soát các công trình đảm bảo các điều kiện đề nghị ứng vốn kế hoạch năm 2014 để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành công trình.
Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất, trường hợp giảm thu tiền sử dụng đất so với dự toán thì thực hiện cắt giảm, hoặc giãn tiến độ thực hiện của công trình, dự án được bố trí chi từ nguồn thu này.
Rà soát các dự án ven biển. Nếu dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng xong mà nhà đầu tư không thực hiện thì kiên quyết thu hồi; nếu dự án nào nhận tiền bồi thường nhưng chưa giao đất thì khẩn trương thực hiện bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư; đồng thời tập trung giải quyết tháo gỡ các vướng mắc nhằm đưa dự án đi vào thực hiện; tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Tăng cường các biện pháp thu ngân sách nhà nước, bảo đảm các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán năm 2013 đã được HĐND tỉnh thông qua. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để tạo nguồn cho nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh.
Thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm (không bao gồm các khoản: chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi cho con người theo chế độ) theo Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát lại các khoản thu để có hướng giải quyết đối với nguồn tăng thu ngân sách năm 2013 đã được đưa vào cân đối trong dự toán. Bên cạnh đó, kiểm soát lại các khoản chi, tiết kiệm chi, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động cần thiết, không chi phát sinh ngoài dự toán.
Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2013 đã đề ra. Quản lý thu đủ, kịp thời, đúng quy định các nguồn thu phát sinh trên địa bàn, nhất là nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, khách sạn, các khoản thu liên quan đến đất đai; thu thuế hoạt động xây dựng cơ bản vãng lai đối với các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Đôn đốc người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế đầy đủ, chính xác, đúng hạn theo quy định của Luật Quản lý thuế. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không nộp hồ sơ khai thuế, khai quá hạn hoặc khai không đúng quy định, đồng thời giải quyết đầy đủ, kịp thời việc thực hiện giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách nhà nước theo qui định của Chính phủ.
Quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí dự toán ở các cấp ngân sách; tập trung điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã b trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, như: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; nguồn dự phòng ngân sách còn lại để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách nhà nước giảm lớn.
Ba là, thực hiện tốt cải cách hành chính và đánh giá công tác cán bộ và phát triển các lĩnh vực xã hội,.
Đánh giá thực hiện Đề án về luân chuyển giáo viên; triển khai Đề án xác định vị trí làm việc và Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Chuẩn bị tốt kế hoạch để triển khai năm học mới 2013 – 2014.
Xây dựng chương trình quản lý, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, giải quyết các chế độ ưu đãi người có công. Xác lập thủ tục hồ sơ đề nghị tuyên dương danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và hồ sơ đề nghị tặng thưởng Huân chương độc lập; tiếp tục hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở. Thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bốn là, phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi, thúc đẩy các chương trình giảm nghèo, lồng ghép các nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình thuộc các huyện miền núi, chủ yếu là các huyện nghèo của tỉnh theo Nghị Quyết 30a. Xây dựng các kế hoạch để thực hiện Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2016 và định hướng đến năm 2020 theo Nghị Quyết số 55 của HĐND tỉnh, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau khi điều chỉnh qui hoạch 3 loại rừng, giao đất để nhân dân trồng và phát triển rừng; hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động
Đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc các chương mục tiêu, các dự án cứu hộ cứu nạn. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo các chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình nông thôn mới; chương trình phát triển vùng theo Nghị Quyết 39. Đôn đốc và thực hiện các biện pháp về tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia, chấp hành tốt công tác thanh toán, quyết toán công trình xây dựng cơ bản theo qui định.
Nâng cấp, sửa chữa các kết cấu hạ tầng xuống cấp ở các khu vực tái định cư, đảm bảo nơi ở mới của người dân tốt hơn nơi ở cũ. Trong đó chú ý đến vấn đề đất sản xuất, nước sinh hoạt và các dịch vụ cơ bản khác.
Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; phòng chống lụt bảo, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; kiểm soát các loại dịch bệnh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 13/6/2013của Chính phủ về Quy hoạchsử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu về đất đai của tỉnh
Tổ chức huy động các nguồn lực và thực hiện tốt chiến lược tăng trưởng xanh, chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khắc phục ô nhiễm môi trường ở một số khu vực nông thôn, làng nghề, khu, cụm công nghiệp, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và lưu vực các sông. Ngăn chặn, xử lý khai thác vàng, vật liệu xây dựng, lâm sản trái phép.
Xây dựng, kiểm tra, rà soát các phương án, thực hiện tốt kế hoạch di dời dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở. Chủ động nguồn lực để thực hiện các phương án cứu hộ cứu nạn.
Sáu là, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo quốc phòng - an ninh, nội chính; giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng toàn dân, thực hiện có hiệu quả công tác nắm tình hình sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức giao, nhận quân đợt II năm 2013 đúng kế hoạch, đủ chỉ tiêu. Xây dựng lực lượng dự bị động viên, tổ chức huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch.
Tăng cường công tác nghiệp vụ, kỹ thuật đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các đối tượng tội phạm nguy hiểm như buôn bán ma tuý, giết người, cướp tài sản, tội phạm vị thành niên, tội phạm công nghệ cao...
Thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh từ 5% đến 10% so với năm 2012 theo chỉ tiêu chung của cả nước.
Bảy là, Chuẩn bị xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; theo dõi diễn biến tình hình, dự báo khả năng thực hiện kế hoạch năm 2013 và đánh giá thực hiện 3 năm 2011-2013, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2014. Đối với các dự án điều chỉnh, bổ sung, các công trình mới trong năm 2014 sử dụng nguồn vốn hỗ trợ theo mục tiêu; trái phiếu Chính phủ, cần phải chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn trước khi quyết định phê duyệt theo qui định./.

Nơi nhận:
- Văn phòng CP -Hà Nội;
- Vụ ĐP VPCP -TP Hồ Chí Minh;
- Ban chỉ đạo Tây nguyên;
- Quân khu V;
- TTTU, TTHĐND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó VP,
- Các phòng CV;
- Lưu VT, TH (3).
TM. ỦYBAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đã ký
Nguyễn Ngọc Quang



[1] Cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2012/2011 tăng 22,6%
[2] Dự toán thu nội địa năm 2013 là 4.478 tỷ đồng, trong đó thu tiền sử dụng đất 478 tỷ đồng.
[3] Dự toán thu xuất nhập khẩu 2013 là 1.560 tỷ đồng
[4] Cùng kỳ năm 2012 so với 2011, vốn ngân sách nhà nước giảm 1%; FDI giảm 9%
[5] Tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2012 là 31%
[6] Cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2012 tăng 10,6% so với năm 2011
[7] Chỉ tiêu tóc độ tăng trưởng GDP năm 2013 là 11,5%
[8] Cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2012 tăng 17,7% so với 6 tháng đầu năm 2011 giá 1994
[9] Chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18% đề ra
[10] Cùng kỳ 6 tháng 2012/6 tháng 2011tăng 7,5%
[11] Chỉ tiêu đề ra cho giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm 2013 tăng 4,5% so với năm 2012.
[12] Chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2013 là 39.000 lao động
[13] Kế hoạch đào tạo nghề năm 2013 là 38.500 người
[14]Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo NQ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 20 đề ra là giảm từ 2,5 đến 3%/năm.
[15] Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 20,9%

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam

    Tổng số lượt xem: 1727
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)