Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/07/2013-14:20:00 PM
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020
(MPI Portal) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1064/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020.
Ảnh: Internet
Quyết định nêu rõ mục tiêu tổng quát về phát triển nhằm phấn đấu duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng, an ninh; khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của cả nước; cơ bản hoàn thành sắp xếp ổn định dân cư các dự án thủy lợi, thủy điện…; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
Mục tiêu về phát triển kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2011 – 2015 là 7,5% và thời kỳ 2016 – 2020 trên 8%; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 2.000 USD; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 16 – 17%/năm; tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 20%/năm;phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ thu ngân sách trên GDP chiếm trên 12% và đạt khoảng 13% vào năm 2020.
Về phát triển xã hội, phấn đấu các mục tiêu xã hội của vùng đạt mức trung bình của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3 – 4%; trong mỗi kế hoạch 5 năm giải quyết việc làm cho khoảng 250-300 nghìn lao động; tỷ lệ lao động chưa có việc làm tại thành thị khoảng 4,5-5%; tỷ lệ sử dụng lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85%, tỷ lệ đào tạo qua lao động đạt trên 65% vào năm 2020. Phấn đấu nâng tỷ lê xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 20% vào năm 2015 và dưới 15% vào năm 2020; củng cố và xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin cấp xã, phường, phấn đấu đến năm 2020 có 90% số làng, thôn, bản có nhà văn hóa, tụ điểm sinh hoạt cộng đồng;…
Về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế gia tăngô nhiễm và sự cố môi trường. Đến năm 2020, hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 80% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung;…
Bên cạnh đó, Quyết định cũng chỉ rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch và dịch vụ, kết cấu hạ tầng, văn hóa – xã hội, khoa học và công nghệ…
Cụ thể, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và môi trường sinh thái. Phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản với tốc độ tăng trưởng bình quân 4-4,5%/ năm thời kỳ 2011-2015 và 3,5-4%/ năm thời kỳ 2016-2020.
Về công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sức cạnh tranh thu hút nhiều lao động. Chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 11,5% thời kỳ 2011-2015 và 12,5% thời kỳ 2016-2020.
Về phát triển cơ cấu hạ tầng đảm bảo phát triển đồng bộ, cân đối hệ thống kết cấu hạ tầng làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, đặc biệt hệ thống giao thông gắn kết các tỉnh trong Vùng và kết nối các vùng khác.
Cùng với việc phát triển Vùng là tập trung phát triển các tiểu vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu: địa bàn trọng điểm thủy điện quốc gia; phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng đồng, sắt, niken và đất hiếm; trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp đặc biệt cao su, cây dược liệu, cây ăn quả; chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò sữa, bò thịt chất lượng cao; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ cho các dự án thủy điện.
Tiểu vùng Đông Bắc (gồm các tỉnh còn lại trong Vùng) tập trung phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng apatit, sắt, đồng, vàng, thiếc, bô xít, kẽm, chì, luyện gang thép; trồng và chế biến lương thực – thực phẩm, nông lâm sản, dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi lợn và đại gia súc; sản xuất đồ gia dụng, hóa chất, bột giấy và giấy, phân bón, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, dệt may; sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử…
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các trung tâm kinh tế trên các tuyến hành lang; phát triển giao thông đô thị; phát triển nông thôn và khu vực miền núi khó khăn của Vùng.
Quyết định cũng đã đưa ra các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển; đưa ra giải pháp huy động và sử dụng vốn đầu tư; giải pháp về cơ chế chính sách, khoa học và công nghệ, cải cách hành chính tăng cường hợp tác và phát triển thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.
Vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu đời với bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống giặc ngoại xâm, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, căn cứ cách mạng.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2723
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)